Multimedia Đọc Báo in

Văn hóa kết hợp du lịch: “Lời giải” cho bài toán bảo tồn và phát triển

08:29, 24/05/2022

Sở hữu vốn văn hóa đặc sắc và tiêu biểu, trong đó có nhiều làng nghề truyền thống, Đắk Lắk có điều kiện để phát triển loại hình du lịch cộng đồng, góp phần làm phong phú thêm bức tranh du lịch ở đây, đồng thời tạo ra công ăn, việc làm bền vững và hiệu quả cho người dân địa phương.     

Có thể nói hướng đi ấy đang được nhiều cộng đồng, dân tộc chọn lựa và xem đó là “chìa khóa” mở ra cơ hội, đồng thời cũng là mong ước bảo tồn - phát triển vốn văn hóa của mình trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay. Ông Võ Tiến Dũng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin (VH-TT) TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ: Nhìn vào một số buôn làng đang làm du lịch cộng đồng trên địa bàn thì sẽ thấy rõ điều đó: đời sống của bà con không những được cải thiện rõ nét, mà vốn văn hóa (nhà dài, thổ cẩm, cồng chiêng và các loại nhạc cụ truyền thống khác) cũng được bảo tồn, phát huy tích cực hơn.

Biểu diễn âm nhạc phục vụ du khách tại Arul House (buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: H'Len Niê

Tiêu biểu nhất là buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi), đang là điểm đếm được du khách trong và ngoài nước yêu thích nhờ những sản phẩm du lịch cộng đồng do đồng bào dân tộc Êđê ở đây tạo ra. Đến nay, ngoài hai nghề truyền thống được biết đến từ rất lâu là dệt thổ cẩm và làm rượu cần, buôn trong phố này còn đưa cà phê vào “thực đơn du lịch” bằng sáng tạo của mình như: rang xay, pha chế theo phong cách truyền thống; thưởng thức hương vị đặc sản ấy trong không gian nhà dài, đính kèm với biểu diễn cồng chiêng, hát múa dân gian… Nhờ vậy, không những thu hút ngày càng nhiều khách tham quan, trải nghiệm, tăng thêm thu nhập, tạo sinh kế cho cộng đồng mà còn mở ra điều kiện thực hành vốn văn hóa truyền thống của họ một cách thường xuyên, sinh động hơn trong đời sống hằng ngày.

 
Với những làng nghề làm du lịch này, chỉ cần được hỗ trợ, giúp đỡ về mặt tổ chức, quản lý - nhất là công tác quảng bá và hướng dẫn viên chuyên nghiệp thì nhất định trở thành mô hình phát triển kinh tế kết hợp bảo tồn vốn văn hóa thành công và hữu hiệu nhất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ”.
 
Ông Võ Tiến Dũng, Trưởng Phòng VH-TT TP. Buôn Ma Thuột

 

Anh Y Pul Niê, Trưởng buôn Akô Dhông cho biết: Kích cầu du lịch bằng vốn văn hóa đặc sắc, khác biệt ở đây thật sự đã giải được “bài toán” giữa bảo tồn và phát triển vốn bế tắc, hoặc loay hoay tìm lời giải lâu nay. Theo anh Y Pul Niê, ngoài 27 ngôi nhà dài được gìn giữ nguyên vẹn, thời gian qua cộng đồng người Êđê ở đây đã làm thêm 8 ngôi nhà dài mới phục vụ cho hoạt động du lịch. Trong đó có 5 hộ tiêu biểu, đóng vai trò hạt nhân kích cầu cho cả buôn làm du lịch cộng đồng đã được chính quyền TP. Buôn Ma Thuột khảo sát đưa vào danh sách hỗ trợ theo Chương trình Phát triển du lịch, giai đoạn 2021 – 2025. Vợ chồng Ama Jenni, một trong 5 hộ tiêu biểu trên tâm tình: Cũng từ chương trình này, buôn Akô Dhông được Nhà nước đầu tư xây dựng, hoàn thiện đường giao thông nội vùng, kết nối những tụ điểm sinh hoạt, vui chơi, khu lưu trú, nhà hàng hiện có nhằm phục vụ du khách tốt hơn - và cũng thông quá đó xúc tiến quảng bá cũng như thực hành vốn văn hóa của dân tộc mình ngày càng hiệu quả và có sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống cộng đồng lẫn khách tham quan.

Khách du lịch tìm hiểu và lựa chọn sản phẩm từ thổ cẩm tại HTX dệt thổ cẩm Tơng (buôn Tơng Jú). Ảnh: Mai Sao

Tương tự, buôn Tơng Jú (xã Ea Kao) hiện đang nổi lên như điểm đến du lịch có sức hấp dẫn nhất Buôn Ma Thuột nhờ làng nghề dệt thổ cẩm và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp. Nhờ hoạt động du lịch được thúc đẩy nên đời sống văn hóa cũng phát triển theo - từ diễn tấu cồng chiêng, dân ca dân vũ, trình diễn văn hóa thổ cẩm cho đến ẩm thực thông qua hình thức homestay được nhiều gia đình trong buôn triển khai thực hiện với “nòng cốt” là nhóm hộ có tên gọi Du lịch cộng đồng buôn bích họa Tơng Jú do nghệ nhân H’Yam Buôn Krông, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông điều hành và dẫn dắt. Nghệ nhân giàu tâm huyết này nhìn nhận từ khi buôn Tơng Jú làm du lịch khép kín (chứ không liên kết như trước) thì làng nghề thổ cẩm trở nên khởi sắc hẳn, nhờ trực tiếp giới thiệu, quảng bá sản phẩm với khách hàng, đồng thời cũng là du khách đến đây khám phá và trải nghiệm.

Bà H’Yam Buôn Krông chia sẻ: Gần hai năm làm du lịch và lấy văn hóa thổ cẩm làm “hạt nhân” xúc tiến đã cho thấy sự kết hợp ấy vô cùng thiết thực và hiệu quả, bởi cả hai (văn hóa - du lịch) đều có điều kiện, cơ hội bảo tồn và phát triển. Mối tương tác, hỗ trợ kia đã làm cho làng nghề này hồi sinh đúng nghĩa. Sản phẩm dệt thổ cẩm được chị em sản xuất ra không cần ký gửi nơi khác bán giúp, mà để phục vụ cho du khách. Hơn nữa, đó còn là sản phẩm du lịch thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm cho khách hàng khi đến buôn Tơng Jú hôm nay.

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc