Multimedia Đọc Báo in

Vật dụng từ tre nứa trong ẩm thực dân tộc

15:04, 15/05/2022

Ngoài việc khai thác, bảo quản, chế biến những món ăn, thức uống, đồng bào các dân tộc miền núi còn tận dụng những nguyên vật liệu sẵn có trong thiên nhiên và sáng tạo ra những vật dụng để chứa đựng món ăn, thức uống, dọn và bày biện chúng trong bữa cơm gia đình hay sinh hoạt lễ hội cộng đồng.

Ngày xưa, khi chưa có nồi đồng, xoong nhôm, bà con khai thác tre, nứa để làm vật dụng nấu nướng. Cách nấu cổ điển, tiện lợi nhất là nấu bằng ống tre. Người dân đi rừng không cần mang nồi, chỉ cần mang theo túi gạo và ít muối, kể cả quẹt lửa cũng không cần thiết phải đem theo. Ra ngoài rừng người ta dùng máng tre khô cò ra lửa để nhóm bếp, sau đó, họ chặt ống tre tươi làm nồi nấu cơm.

Trước khi nấu, đồng bào thường ngâm cho gạo mềm rồi cho vào ống, lấy lá chuối rừng nút lại và đặt trên bếp. Nấu cơm bằng ống tre không cần phải chắt nước. Khi cơm chín, người ta lấy đoạn ống tre to chẻ làm đôi hoặc lá chuối rừng để dựng thức ăn thay cho chén bát. Bữa cơm ngoài rừng tuy đơn sơ, giản dị nhưng hương vị rất ngon. Cơm gạo mới quyện thấm cùng mùi thơm cây tre non nên ăn cảm thấy rất ngon miệng. Vào dịp lễ hội, bà con nấu nhiều cơm ống tre, nứa và các món ăn đặc sản như thịt rừng, cá suối để đãi khách.

Những món ăn được đựng trong ống nứa của dân tộc Pa Cô.

Ngoài cơm, thịt cá, rau quả cũng được bà con nấu bằng ống nứa, tiêu biểu là món canh thụt. Họ nấu chín các loại thực phẩm hỗn hợp đựng trong ống nứa rồi lấy que tre, cọng mây thụt/thọt cho nhuyễn thành món canh sền sệt, gọi là “canh đại ngàn”. Món canh này là đặc sản của nhiều tộc người, dành để đãi khách quý và là thức nhắm với rượu cần, rượu đoát (cây thuộc họ dừa mọc hoang trên núi) trong các lễ hội. Các món nấu trong ống nứa đều gọi là món lam.

Cá suối nấu trong ống nứa chấm với muối tiêu là món ăn rất ngon. Ống nứa cũng là vật dụng bảo quản thực phẩm như thịt, cá rất hữu hiệu. Cá thường được nướng chín rồi xông khô, bỏ vào ống nứa trên giàn bếp và cũng được chế biến như thịt khô. Ngoài ra, cá còn được nướng trong ống cho cháy ống, cá khô như được phơi nắng rồi để dành ăn dần. Nếp than nấu chín ủ trong ống nứa gọi là rượu lam, là món ăn giàu dinh dưỡng, dành bồi dưỡng cho phụ nữ sau khi sinh nở.

Ống tre, ống nứa là vật dụng phổ biến để chứa đựng, bày dọn thức ăn, đồ uống của hầu hết các tộc người miền núi. Ống nứa to chẻ đôi, một phần để đựng canh, thịt, cơm, phần khác nhỏ hơn dùng làm nắp đậy, bảo quản thức ăn... Ống nứa nhỏ cắt ngang hoặc vát xéo gần sát mắt sẽ thành ly, cốc để uống nước, uống rượu cần, rượu đoát, rượu tà vạt... Nét tạo hình của ống tre, ống nứa đa dạng vừa có loại dài, loại ngắn, to nhỏ khác nhau, vừa có hình tròn, mặt cắt hình chữ nhật làm cho “mâm cỗ” của bà con thêm hấp dẫn, bắt mắt.

Ống nứa còn gắn bó lâu đời với tục ăn trầu, hút thuốc của bà con miền núi. Với sơn nữ Cà Dong, ống đựng thuốc (kring-ning) chính là kỷ vật thiêng liêng gắn bó với họ suốt cả cuộc đời. Khi đứa con gái chào đời, người cha sẽ vào rừng đốn một cây trúc già mang về, rồi chọn ra một đoạn không tì vết, bằng chừng một gang tay để làm quà tặng cho con. Người mẹ sẽ buộc vào đó một chùm lục, những chuỗi cườm rực rỡ sắc màu và thêm chùm len ngũ sắc. Nếu gặp trời rét buốt, thuốc lá bột có chứa sẵn trong ống kring-ning được lấy ra quệt một ít trên môi sẽ giữ ấm cơ thể.

Cô gái dân tộc Pa Cô giới thiệu mâm cỗ trong lễ hội ẩm thực.

Thời xưa, đồng bào dùng lá chuối để dọn cơm thì ngày nay, bên cạnh lá chuối - mâm ăn dã chiến - khi đi rừng, làm nương rẫy còn có mâm, khay, nia/mẹt được đan bằng mây, tre. Mâm ăn, mâm cỗ bằng nia/mẹt phổ biến hơn mâm mây, tre. Đối với một số tộc người, chiếc mâm ngoài việc dùng để ăn cơm ở trong nhà thì còn dùng để đựng lễ vật dâng cúng thần linh vào các dịp cúng tế của cộng đồng.

Đồng bào Chăm thường đội mâm lễ vật lên tháp cúng thần linh trong dịp lễ hội Ka Tê. Trong lễ hội cúng rừng, mỗi gia đình người Hà Nhì đen đều sắm mâm cỗ thịnh soạn để góp vào đại tiệc của cả làng. Người Cơ Tu đặt mâm cỗ ở chính giữa nhà dành cho những vị khách quý, già làng có uy tín, các cụ già có khả năng nói lý, hát lý để giao lưu hoặc giải quyết những công việc hệ trọng như: Mừng lúa mới, mừng Gươl mới, mừng cô dâu chú rể, mừng lễ khai năm tạ ơn rừng…

Khay bằng mây tre cũng là vật dụng để chứa đựng thức ăn. Khay thường có chân đế cao, miệng loe ra và có vành trông như một cái rổ (có thể gọi là mâm bồng). Đối với người miền núi, khay được sử dụng phổ biến hơn mâm. Trong lễ cưới, lễ ăn mừng lúa mới..., đồng bào thường sử dụng khay đựng cơm, đựng bánh riêng biệt. Nếu khay đựng cơm gạo rẫy hiện lên màu nâu đỏ thì khay đựng bánh gói bằng lá đót màu xanh thắm cộng với màu sắc của các rau quả, thực phẩm khác tạo nên màu sắc, hương vị đặc trưng của rừng núi đại ngàn. Những loại giỏ nhỏ đan bằng mây, lát tre, dứa rừng cũng được sử dụng để dựng cơm nếp, khoai.

Việc sử dụng những vật dụng sẵn có từ rừng núi đại ngàn nói lên cách thức ăn uống, phong vị ẩm thực - một yếu tố làm nên sức hấp dẫn của di sản văn hóa nói chung, văn hóa ẩm thực nói riêng của các dân tộc.

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.