Multimedia Đọc Báo in

Bức tranh nghệ thuật đa sắc màu

06:45, 03/07/2022

Những ngày cuối tháng 6, TP. Buôn Ma Thuột như sôi động hơn khi  trên 1.000 nghệ sĩ, diễn viên từ nhiều đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp trên cả nước đã về hội tụ, cùng nhau tỏa sáng tài năng nghệ thuật tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc - 2021 (đợt 2).

Những sắc màu nghệ thuật

22 đơn vị nghệ thuật với hàng trăm tiết mục thuộc các thể loại ca múa, độc tấu, hòa tấu nhạc cụ, nhạc kịch… đã được các nghệ sĩ biểu diễn với tinh thần "cháy hết mình" trên sân khấu. Mỗi chương trình, tiết mục đều thể hiện được những sắc thái, diện mạo riêng của từng đơn vị, mang đến cho khán giả nhiều xúc cảm.

Đơn cử như Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội với chương trình nghệ thuật “Rạng rỡ vinh quang, sao vàng tỏa sáng” dài 80 phút. Qua các tiết mục nằm trong 3 chương, đã khắc họa rõ nét hình ảnh của người lính Quân đội nhân dân Việt Nam, luôn gắn bó với người dân. Cùng với đó là xây đắp sự thiện cảm, tôn trọng của công chúng đối với người lính và nghệ thuật của người lính.

Một tiết mục trong chương trình nghệ thuật "Sen trắng" do nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen (TP. Hồ Chí Minh) biểu diễn tại Liên hoan.

Khán giả cảm nhận được điểm nổi bật trong các tiết mục của Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội đó chính là sự trẻ trung, giàu sức sống. Được biết, 13 tiết mục được biểu diễn trong chương trình đều là những sáng tác mới, do đội ngũ nhạc sĩ, biên đạo trẻ phụ trách và thể hiện. Đại tá, NSƯT Nguyễn Thị Bích Hạnh, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, Chỉ đạo nghệ thuật chương trình cho biết, dàn diễn viên thực hiện chương trình có đến 70% là các nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ trẻ…. Mọi người đều nỗ lực tập luyện với tinh thần lạc quan, đam mê cống hiến, với ý nghĩa mang màu sắc đặc trưng của nghệ thuật quân đội đến sân chơi nghệ thuật chuyên nghiệp lớn toàn quốc.

Chương trình của Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Bình Dương với chủ đề “Bình Dương – đất ấm – tình người” đã đưa khán giả đến với Bình Dương, một vùng đất không chỉ nổi tiếng về những vườn trái cây và các làng nghề gốm sứ, sơn mài, tạc tượng… mà còn được biết đến với những khu công nghiệp, đô thị thông minh hiện đại. Bình Dương hôm nay đã đổi thay vượt bậc, nhưng những ký ức về một thời khai hoang, mở đất, đổ mồ hôi công sức, vun xới đắp bồi, xây dựng quê hương từ những ngày đầu vẫn được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó chính là truyền thống đầy tự hào về đất và người Bình Dương. Tất cả những điều đó được thể hiện qua các tiết mục đặc sắc như hát múa “Bước chân mở đất”, ca khúc “Xuôi về đất Thủ”. Ấn tượng nhất có lẽ là màn múa “Thấu đất”. Thấu đất cũng là công đoạn đi tìm nguồn đất quý để nhào trộn tạo ra nguyên liệu chế tác các sản phẩm mỹ nghệ tinh xảo. Đất và người đã hòa quyện tạo ra các giá trị vật chất và tinh thần vô giá, phục vụ cho cuộc sống con người.

Các chương trình của những đoàn như: Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn với chương trình “Giai điệu vùng biên ải”; chương trình “Bản sắc quê hương” của Đoàn Nghệ thuật Kh’me tỉnh Sóc Trăng; hay Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk với “Những bức tranh Bazan đỏ”… lại mang đến những tiết mục thể hiện rõ nét đẹp văn hóa quê hương, bản sắc vùng miền.

Có thể nói, sự đa dạng trong phong cách trình diễn nghệ thuật với nội dung phản ánh phong phú, đã mang đến một Liên hoan đầy màu sắc.

Giao lưu, đoàn kết và phát triển

Các chương trình nghệ thuật đã được dàn dựng công phu, từ nghệ thuật biểu diễn đến âm thanh, ánh sáng, thiết kế mỹ thuật, sân khấu. Liên hoan cũng chính là cơ hội để các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật ca, múa, nhạc được giao lưu, trau dồi kinh nghiệm, nâng cao trình độ nghề nghiệp.

Tiết mục múa "Em và Núi" do nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội biểu diễn.

Ông Trần Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Bình Dương chia sẻ: “Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc là một sân chơi thiết thực, ý nghĩa đối với những nghệ sĩ, các đoàn nghệ thuật trong cả nước. Riêng với đoàn Bình Dương, anh em nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ trẻ được cọ xát, học hỏi kinh nghiệm, cách thức dàn dựng, xử lý tình huống sân khấu, để biểu diễn phục vụ tại địa phương”.

Còn ca sĩ A Tâm, Đoàn Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Kon Tum bày tỏ, đây là lần thứ hai anh tham dự chương trình Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc. Lần này đặc biệt hơn vì sau mùa dịch, các hoạt động nghệ thuật đã trở lại, ai cũng vui và phấn khởi. Ngoài được học tập về chuyên môn, anh còn có cơ hội học hỏi, chia sẻ về cách vượt qua những khó khăn trong cuộc sống cũng như biểu diễn nghệ thuật.

Nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đánh giá: Năm nay có nhiều chương trình tiêu biểu xuất sắc. Nhiều đoàn đã vượt lên chính mình, vượt qua khó khăn để có các chương trình khác xa với những liên hoan trước. Đặc biệt, đây là sân chơi để các đoàn, các nghệ sĩ, diễn viên… được học tập, giao lưu và phát triển.

Nguồn động lực không nhỏ để các nghệ sĩ có thể trình diễn hết mình, "cháy" trên sân khấu là sự cổ vũ của khán giả. Ở hầu hết các buổi biểu diễn của các đoàn, không kể sáng hay tối, đều rất đông khán giả đến cổ vũ. Anh Phạm Ngọc Thân (huyện Buôn Đôn) cho hay: “Dù cách địa điểm biểu diễn khoảng 20 km, nhưng cứ có điều kiện là tôi lại đến xem và cổ vũ các đoàn biểu diễn. Các nghệ sĩ trình diễn rất tuyệt vời, hát hay, múa đẹp, nhiều chương trình ấn tượng bởi sự dàn dựng công phu…”. Bà Minh Anh, một du khách đến từ Bắc Ninh thổ lộ: "Tôi đi du lịch tại Đắk Lắk, may mắn trong khoảng thời gian diễn ra Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc, được xem chương trình nghệ thuật “Những bức tranh Bazan đỏ” của Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk khá ấn tượng, tôi muốn “cháy” theo nhịp điệu của các diễn viên".

Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc - 2021 (đợt 2) diễn ra trong bối cảnh bình thường mới. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng sức sáng tạo trong lao động nghệ thuật của các đơn vị, các nghệ sĩ, diễn viên vẫn không ngừng nghỉ, đã mang đến một kỳ liên hoan thành công và hấp dẫn.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.