Multimedia Đọc Báo in

Từ Tây Sơn Thượng Đạo, thu giang sơn về một mối

09:48, 26/07/2022

Cuối đời chúa Nguyễn Phúc Khoát (vị chúa Nguyễn thứ 8 của chính quyền Đàng Trong trong lịch sử Việt Nam, ở ngôi từ năm 1738 đến năm 1765) ham hưởng lạc mà bỏ bê triều chính. Các quan lại cấp dưới cũng học theo thói xa xỉ đó, nạn tham ô, hối lộ cũng vì thế mà ngày càng tràn lan khắp cả Đàng Trong.

Trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn xứ Đàng Ngoài có nhận xét: “Từ quan to đến quan nhỏ, nhà cửa chạm trổ, tường xây bằng gạch đá, trướng vóc màn the, đồ dùng toàn bằng đồng, bằng sứ, bàn ghế bằng gỗ đàn, gỗ trắc, ấm chén bằng sứ, yên ngựa – dây cương đều nạm vàng, nạm bạc, quần áo là lượt, nệm hoa, chiếu mây, lấy phú quý phong lưu để khoe khoang lẫn nhau. Họ coi vàng bạc như cát, thóc gạo như bùn, hoang phí vô cùng…”.

Triều đình ngày càng suy yếu, lòng dân chán ghét, các cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra báo hiệu sự cai trị của chúa Nguyễn đã sắp đến hồi kết. Năm 1771, cuộc khởi nghĩa bùng lên ở ấp Tây Sơn do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ lãnh đạo.

Đổi họ để thuận lòng dân, thu phục hiền tài

Tổ tiên nhà Tây Sơn vốn họ Hồ ở làng Hương Cái, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Họ theo chúa Nguyễn vào lập nghiệp ở miền Nam khi chúa Nguyễn vượt Lũy Thầy đánh ra đất Lê - Trịnh tới Nghệ An (1655). Ông cố của ba anh em Tây Sơn tên là Hồ Phi Long vào giúp việc cho nhà họ Đinh (ở thôn Bằng Chân, huyện Tuy Viễn, tức An Nhơn – Bình Định ngày nay), cưới vợ họ Đinh và sinh được một trai tên là Hồ Phi Tiễn. Hồ Phi Tiễn không theo việc nông mà bỏ đi buôn trầu ở ấp Tây Sơn, cưới vợ và định cư tại đó. Vợ của Hồ Phi Tiễn là Nguyễn Thị Đồng, con gái duy nhất của một phú thương đất Phú Lạc.

Khu di tích Tây Sơn Thượng Đạo An Khê, Gia Lai. Ảnh: Internet

Anh em ông Nhạc muốn dấy binh nhưng không dễ gì thu nhận được niềm tin nhân tâm từ bá tánh. Lúc này dân chúng oán than căm giận thế lực bên ngoại của chúa Nguyễn lên đến đỉnh cao mà đứng đầu là sự chuyên quyền của quyền thần Trương Phúc Loan. Sách Đại Nam thực lục (Tiền biên, quyển 11) chép rằng: “Trương Phúc Loan làm Quốc phó, giữ việc ở Hộ bộ, trông coi cơ Trung Tượng, kiêm Tào Vụ và cho thu thuế sản vật ở những nơi khai mỏ vàng như nguồn Thu Bồn, nguồn Đồng Hương, nguồn Trà Sơn và nguồn Trà Vân làm ngụ lộc”.

Có quyền, Trương Phúc Loan vun vén cho riêng mình, giữ lại phần lớn mà không nộp ngân khố. Hai con của ông ta đều lấy công chúa nhà Nguyễn, lên đến chức Chưởng dinh Cai cơ. Gia đình Loan quyền thế rất lớn, át cả trong ngoài. Ba năm sau khi giữ chức Quốc phó (1765 - 1768), Trương Phúc Loan cùng đồng đảng ngày càng lộng quyền, khiến chính sự Đàng Trong đổ nát đến mức khó bề cứu chữa.

Đại Nam thực lục viết: “Trương Phúc Loan cầm quyền, mọi sự đều tự tiện quyết định. Loan nhân đó cũng không kiêng nể gì, hết bán quan, buôn tước lại ăn tiền hối lộ, đặt ra nhiều hình phạt rất phiền phức và thu thuế rất nặng nề, nhân dân lấy làm khốn khổ…”.

Anh em ông Nhạc thực hiện mưu định khởi loạn nên đã đổi sang họ Nguyễn (họ của mẹ) vì rằng Đàng Trong lúc này chán ghét Trương Phúc Loan, trong khi đó đất trong Nam vẫn là khai quốc công thần của chúa Nguyễn, vì vậy dân chúng ngả theo Nguyễn Tây Sơn.

Nhiều bậc hiền tài, võ tướng xin dâng sức, cống trí như Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng, Võ Đình Tú, Nguyễn Thung, Bùi Thị Xuân, Võ Xuân Hoài… Cơ nghiệp Tây Sơn sáng dần lên từ vùng bán sơn địa đặt hy vọng cho một vương triều thay trời hành đạo giúp sơn hà xã tắc an yên.

Đồng bào Bắc Tây Nguyên với Tây Sơn Thượng đạo

Trong buổi đầu, nghĩa quân Tây Sơn chọn Cửu An (nay thuộc thị xã An Khê – Gia Lai), rồi lan tỏa thành một vùng rộng lớn Thượng Đạo (là vùng thị xã An Khê, huyện K’bang, huyện Đắk Pơ, huyện Kông Chro của tỉnh Gia Lai ngày nay) để dấy nghiệp bởi đây là vùng hiểm trở cho dù thiên thời không bằng địa lợi và nhân hòa, nơi bán sơn địa tụ binh tương đối an toàn song khó khăn về tập hợp lực lượng lớn cũng như sản xuất tích trữ lương thực.

Trong 3 năm (từ năm 1771 đến 1773), người dân bản địa hiểu rằng đây là cuộc đấu tranh chính nghĩa nên đã giúp sức, hợp tác đồng lòng. Người dân các dân tộc thiểu số như Ba Na, Xê Đăng, J’rai, H’rê... quy tụ đầu quân lên đến hàng nghìn người, hàng trăm thớt voi và tuấn mã. Nơi này xem như căn cứ gốc rễ để Tây Sơn chiêu binh mãi mã thành đội quân tinh nhuệ thần tốc vươn tỏa sức mạnh ra muôn phương sau này.

Cũng tại vùng Tây Sơn thượng đạo này, người vợ của Nguyễn Nhạc là một phụ nữ dân tộc Ba Na đã cống hiến sức lực góp phần vào những chiến thắng của nhà Tây Sơn trong suốt quá trình chiến chinh cũng như lập nên vương triều sau này. Bà tên là Ya Đố, quê ở Plây Đê Hmâu (nay thuộc xã Đông, huyện K’bang – Gia Lai).

Cha bà là một tộc trưởng Plây Đê Hmâu giàu có, khỏe mạnh và là một xạ thủ danh tiếng trong vùng, vì thế ông vận động trai tráng trong một vùng rộng lớn đi theo khởi nghĩa Tây Sơn. Bà Ya Đố xinh đẹp, giỏi võ nghệ lại thạo việc ruộng rẫy và có uy tín với dân làng.

Để có đủ lương thực cho đội ngũ nghĩa quân ngày càng đông, bà đã tổ chức khai hoang ở Tú Thủy (nay là xã Tú An, thị xã An Khê – Gia Lai), tạo một cánh đồng rộng hơn 20 mẫu để sản xuất lương thực cung cấp cho nghĩa binh. Để ghi nhớ đóng góp to lớn của bà với cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, nơi sản xuất ấy được nhân dân gọi là “Cánh đồng Cô Hầu” (vì theo tiếng Kinh bà Ya Đố được gọi là “Cô Hầu Đốc tướng”).

Sau nhiều năm chiến đấu kiên cường, anh em nhà Tây Sơn tiến lên đánh đổ chính quyền chúa Nguyễn ở Đàng Trong, làm chủ từ Quảng Nam trở vào. Những năm 1776 - 1778, phong trào Tây Sơn lần lượt đánh đổ tập đoàn vua Lê - chúa Trịnh ở Đàng Ngoài thu giang sơn về một mối.

Cho dù vương triều Tây Sơn tồn tại không lâu (chỉ khoảng 3 thập kỷ) nhưng nhà Tây Sơn biết thu phục nhân tâm, tập hợp sức mạnh đoàn kết cộng đồng đặc biệt là các dân tộc thiểu số để thực hiện trọng trách chung, đấu tranh, thống nhất và bảo vệ đất nước.

Võ Hữu Lộc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.