Multimedia Đọc Báo in

Gìn giữ sắc màu thổ cẩm

08:18, 09/09/2022

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống Êđê đang có nguy cơ mai một dần ở các buôn làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Song tại buôn Kplang và buôn Kniêr (xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc) có những người vẫn hằng ngày miệt mài bên khung cửi nhằm gìn giữ “nghề của ông bà”…

Chúng tôi đến nhà bà H’Wiêt Byă (tên thường gọi là Amí Manh) ở buôn Kplang khi bà vẫn đang ngồi bên khung cửi, miệt mài dệt tấm thổ cẩm để chuẩn bị tham gia chương trình Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Krông Pắc trong Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ I năm 2022. Được hỏi về công việc dệt thổ cẩm, Amí Manh hào hứng hẳn lên, tận tình giới thiệu tỉ mỉ về những bộ phận của khung dệt... Bà kể: “Chẳng biết nghề này có từ khi nào, chỉ biết khi mình lớn lên đã thấy mẹ hằng ngày ngồi bên khung cửi. Từ đó, mình được mẹ dạy từ cách giăng khung, luồn chỉ, dệt những tấm vải với các họa tiết, hoa văn phong phú... Đến khi 15 tuổi, từ những kinh nghiệm học được ở các bà, các mẹ trong buôn cùng với niềm đam mê các hoa văn truyền thống, mình đã thuần thục nghề, dệt ra được những sản phẩm thường sử dụng trong gia đình như chăn, váy, áo...”.

Hằng ngày Amí Manh vẫn miệt mài bên khung dệt.

 Đến bây giờ Amí Manh đã có hơn 50 năm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm. Nhiều người biết dệt cùng lứa tuổi như bà tại nhiều buôn làng đã bỏ nghề vì nhu cầu sử dụng thổ cẩm dệt ngày càng ít và sản phẩm dệt khó bán; nhưng bà vẫn kiên trì trụ lại với nghề để gìn giữ “cái nghề của ông bà”. Những tấm vải do bà dệt nên thường có hoa văn sắc sảo, độ khó cao mà bà học được từ mẹ và các nghệ nhân trong buôn trước đây. Bởi vậy, những người yêu đồ truyền thống rất thích sản phẩm dệt của Amí Manh. Những sản phẩm của bà dệt ra không những sử dụng trong gia đình, họ hàng mà còn bán cho mọi người trong buôn có nhu cầu mua để dùng trong việc cưới hỏi...; thỉnh thoảng cũng có khách du lịch nước ngoài đến tìm mua sản phẩm của bà về làm kỷ niệm. Những năm gần đây, nhiều sản phẩm váy áo do bà dệt nên còn được bán ra các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh cho những chàng trai, cô gái công nhân người Êđê thích sở hữu đồ thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình. Thu nhập bình quân mỗi tháng của bà Amí Manh từ nghề dệt hiện là khoảng vài triệu đồng, dù không nhiều song cũng đủ trang trải cuộc sống hằng ngày. Năm 2018, Amí Manh vinh dự được trao giải Nhất dệt thổ cẩm trong Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Krông Pắc.

 Điều băn khoăn nhất của Amí Manh bây giờ là không ai tiếp nối nghề của mình nữa, vì các cô con gái của bà không ai mặn mà theo nghề của mẹ. “Không có người kế cận, sợ rằng nghề dệt của gia đình cũng đi theo mình khi mình về với ông bà”, Amí Manh thở dài.

Năm nay đã ở tuổi thất thập, bà H’Win Byă (70 tuổi, thường gọi Amí Bêch) ở buôn Kniêr (xã Tân Tiến) vẫn miệt mài dệt để gìn giữ nghề của ông bà. Amí Bêch học dệt từ năm 15 tuổi từ các bà, các mẹ trong buôn, đến năm 17 tuổi bà đã dệt thành thạo khăn, túi vải, chăn, váy áo...

Dù thu nhập từ nghề dệt không được là bao nhưng hễ có thời gian rảnh là Amí Bêch lại ngồi vào khung dệt. Bà bộc bạch: “Cứ lúc rảnh rỗi là mình dệt, rồi may sẵn để dùng, để bán. Hoặc ai có nhu cầu đến nhà đặt dệt thì mình cũng nhận làm. Tiền công dệt ít lắm, không bằng đi làm việc khác và cũng không đủ để trang trải cuộc sống, nhưng vì đam mê nên mình cứ làm thôi, và vì mình muốn lưu giữ nghề truyền thống của dân tộc mình’’. Điều đáng mừng là có hai cô con gái của bà Amí Bêch cũng thích và chịu khó học nghề dệt của mẹ, dù chưa hoàn chỉnh khi người chị cả chỉ biết dệt mà không giăng khung, luồn chỉ được, còn cô em thì ngược lại giăng khung, luồn chỉ tốt nhưng không dệt được lên sản phẩm.

Ông Y Kiêm Byă, Trưởng buôn Kplang cho biết: “Xã Tân Tiến hiện có 4 buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Trước đây ở buôn Kniêr và buôn Kplang có nhiều phụ nữ biết nghề dệt thổ cẩm, nhưng từ hơn chục năm nay nghề dệt thổ cẩm ngày càng bị mai một, thế hệ trẻ bây giờ không còn mặn mà với nghề nữa. Khi có việc cần đến sản phẩm thổ cẩm như lễ cúng, lễ cưới hỏi, hay lễ hội văn hóa - văn nghệ thì họ tìm mua các sản phẩm may sẵn hoặc đi thuê đồ cách tân ở ngoài tiệm. Hiện chỉ có hai bà H’Wiêt Byă và H’Win Byă vẫn luôn hằng ngày miệt mài bên khung dệt để giữ nghề, giữ lửa cho buôn làng”.

Diăk - Sương


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.