Multimedia Đọc Báo in

Nguy cơ… sạch bóng nhà sàn ở buôn Mghí

06:14, 11/09/2022

Buôn Mghí, xã Yang Mao (huyện Krông Bông) có 138 hộ là người dân tộc Êđê. Mặc dù hiện trong buôn vẫn còn nhiều gia đình giữ được những ngôi nhà sàn truyền thống, song những năm gần đây, gần như không có ngôi nhà sàn nào được làm mới.

Điều đáng lo ngại hơn là nhiều gia đình đã bán hoặc đang rao bán nhà sàn; một số ngôi nhà thì đang có dấu hiệu xuống cấp.

Mới đây, gia đình chị H’Nai Êban (Amí Hai) đã bán đi ngôi nhà sàn truyền thống dài 9 m với giá 35,5 triệu đồng. Căn nhà sàn chắc chắn với 8 cây cột chính làm bằng gỗ trăm năm, ván sàn và ván thưng xung quanh làm bằng gỗ tốt đã gắn bó với Amí Hai suốt thời thơ ấu. Chị tiếc nuối: “Bán đi ngôi nhà truyền thống của gia đình mình cũng tiếc lắm chứ. Nhưng ngôi nhà đã bị xuống cấp, xiêu vẹo do ảnh hưởng của cơn bão số 12 năm 2017, hoàn cảnh khó khăn nên không có tiền sửa chữa. Mình quyết định bán đi rồi thêm tiền xây lại ngôi nhà trệt chắc chắn hơn để ở”.

Tương tự, ngôi nhà sàn bằng gỗ dài 18 m, rộng hơn 5 m của gia đình ông Y Toan Êban (Aê Thuật) hiện cũng đã xuống cấp, bị nghiêng và sụt lún song gia đình không có điều kiện sửa chữa. Gia đình ông Y Toan quyết định bán mảnh đất và bán luôn căn nhà sàn để trả nợ; số tiền còn dư sẽ xây căn nhà trệt bên cạnh để ở.

Căn nhà sàn nơi gia đình Aê Thuật sinh sống mấy chục năm, đang được chủ nhà rao bán.

Dù điều kiện kinh tế không mấy khó khăn song gia đình chị H’Tinh Niê (Amí Đạt) cũng có ý định bán căn nhà sàn truyền thống. Sau khi lấy chồng, chị được bố mẹ giao lại căn nhà sàn dài 12 m, rộng 5 m. Cột nhà làm bằng lõi gỗ muồng, sàn và xung quanh làm bằng gỗ sao chắc chắn. Vừa qua vợ chồng chị đã làm thêm căn nhà xây trị giá gần 200 triệu đồng ngay bên cạnh nên dự định bán đi ngôi nhà sàn truyền thống. Amí Đạt tâm sự: “Cũng có một số người trong gia đình góp ý nên để lại căn nhà sàn nhưng bản thân mình và những đứa con giờ cũng không thích ở nhà sàn nên bán để xây nhà bếp”.

Gia đình ông Y Bhuil Niê (Ama Nhé) có căn nhà sàn làm bằng gỗ tốt dài nhất trong buôn với chiều dài 20 m, rộng hơn 5 m. Tuy nhiên, cơn bão số 12 năm 2017 khiến cả căn nhà bị hất xuống khỏi các trụ kê bằng xi măng. Hiện nhiều phần đà, ván sàn đã cong vênh, nghiêng, xuống cấp; một số cột và trụ đỡ có dấu hiệu mục. Trong khi đó, hoàn cảnh của gia đình Ama Nhé rất khó khăn, vợ ông bị đau ốm nên gia đình phải vay mượn nhiều nơi để chữa trị và đến nay vẫn chưa thể trả nợ. Vì vậy, tuy không có ý định bán căn nhà nhưng Ama Nhé cũng chưa biết đến khi nào mới có điều kiện để sửa lại và nếu tình trạng này cứ duy trì, căn nhà sẽ nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng.

Những ngôi nhà sàn truyền thống của người Êđê ở buôn Mghí.

Trong buôn Mghí hiện có khoảng hơn 100 gia đình vẫn giữ được nhà sàn. Những năm gần đây do cây gỗ ngày càng hiếm nên hầu như không có gia đình nào làm thêm nhà sàn mới; trong khi đó nhiều ngôi nhà sàn hiện tại đang ngày càng xuống cấp. Ông Ama Thuật, Bí thư Chi bộ buôn Mghí lo lắng: “Buôn Mghí là một trong những buôn còn giữ được nhiều nhà sàn truyền thống. Tuy nhiên vài năm gần đây, một số hộ với nhiều lý do, họ đã bán hoặc đang có ý định bán nhà sàn. Một số hộ do không có điều kiện sửa chữa nên nhà sàn bị hư hỏng, xuống cấp. Chi ủy và Ban tự quản cũng đã tuyên truyền, động viên gia đình nên giữ lại những ngôi nhà truyền thống. Song đa số hoàn cảnh của họ khó khăn nên rất khó thuyết phục”.

Vũ Đình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.