Multimedia Đọc Báo in

Gìn giữ báu vật của cha ông

08:18, 10/10/2022

Trong ngôi nhà của già làng Y Sum Niê (tên thường gọi Ama H’Bla, 72 tuổi) ở buôn Kplang, xã Tân Tiến, (huyện Krông Pắc) vẫn còn lưu giữ những bộ cồng chiêng, những chiếc ché cổ... đã lưu truyền qua nhiều thế hệ mà già xem như “báu vật” của gia đình.

Buôn Kplang hiện có 253 gia đình, nhưng chỉ khoảng 10 hộ vẫn còn giữ được những bộ chiêng, chiếc ché... Gia đình già Y Sum có 1 bộ chiêng Knah (6 cái) với 4 chiếc chiêng char, 3 chiếc chiêng núm; 4 ché rượu cần các loại, đặc biệt trong đó có 2 ché cổ hàng trăm năm tuổi.

Già Y Sum tự hào: “Tôi quý nhất là 2 ché cổ, không biết chúng có từ bao giờ mà chỉ biết đây là bộ ché do cha ông từ nhiều đời để lại nên tôi phải có trách nhiệm giữ gìn chúng. Những chiếc ché này chỉ dùng vào những dịp đặc biệt, già làm rượu cần bỏ vào ché ủ rồi đến ngày đem ra chung vui khi gia đình có việc trọng đại. Không chỉ bộ ché cổ, những chiếc cồng chiêng quý trước đây được sử dụng trong các nghi lễ quan trọng như cưới hỏi, tang ma, mừng lúa mới, mừng nhà mới...  nhưng bây giờ ít khi sử dụng lắm”.

Già làng Y Sum thường lau chùi, giữ gìn cẩn thận bộ chiêng, ché của gia đình.

Mặc dù các vật dụng nói trên giờ đây ít có cơ hội sử dụng nhưng gia đình già Y Sum luôn giữ gìn cẩn thận như  “hồn” của dân tộc mình; thỉnh thoảng ông lại đưa bộ chiêng, chiếc ché ra lau chùi. Có những giai đoạn gia đình vô cùng khó khăn nhưng ông nhất quyết không bán những “báu vật” này mà luôn cất giữ cẩn thận.

Già làng Y Sum Niê còn là thành viên của đội chiêng buôn Kplang, thường xuyên tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, các lễ hội… và đoạt nhiều giải cao trong các ngày hội văn hóa – thể thao các dân tộc hằng năm. Mới đây nhất già và đội chiêng buôn Kplang đã đoạt giải B trong hoạt động Ngày hội văn hóa – thể thao các dân tộc huyện Krông Pắc tổ chức trong Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ I năm 2022.

Diăk  – Sương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.