Multimedia Đọc Báo in

Nghề dệt thổ cẩm của dân tộc J'rai, Bhanar

08:21, 16/10/2022

Cũng như các dân tộc miền núi, đồng bào J’rai, Bhanar trồng bông để dệt vải thổ cẩm, làm ra các loại trang phục truyền thống.

Ngày xưa, cây bông quan trọng không kém cây lúa và những cây hoa màu khác, vì đây là cây đảm bảo cái mặc, thay chế cho trang phục bằng vỏ cây. Kinh tế nương rẫy của đồng bào luôn gắn bó thân thiết với cây bông. Khi trỉa lúa, đồng bào J’rai, Bhanar lấy hạt bông vải trộn vào lúa giống.

Hạt bông vải được gieo chung với hạt lúa. Khi lúa mọc thì bông vải cùng mọc theo. Đến khi làm cỏ lúa, đồng bào nhổ tỉa bớt cây bông vải để cây thưa ra khỏi chèn ép lúa. Cuối năm, khi thu hoạch lúa xong, trái bông bắt đầu nở bông thì đồng bào chuẩn bị thu hoạch bông vải.

Từ bông vải đến sợi là cả quá trình phức tạp. Để có nguyên liệu dệt, đồng bào sáng tạo ra nhiều công cụ chế biến sợi. Bông vải được hái về phơi khô còn dính nguyên hạt. Khi muốn lấy bông, người ta mang các gùi bông ra phơi thật khô rồi đưa vào bộ phận cán bông giống như cái máy ép mía để cán sao cho bông ra một bên, hạt ra một bên.

Đôi khi đồng bào cũng tách hạt bằng tay. Sau khi tách hạt, người ta lấy bông ra phơi vài ba nắng cho thật khô rồi lấy một dụng cụ giống như cái cung, gọi là Tơ-mach, có buộc vài sợi dây cước hoặc dây mây vào hai đầu để bật bông cho thật tơi. Khi bông đã được đánh thật tơi rồi thì dùng cây Truai - một thanh tre to bằng chiếc đũa để cuốn bông thành lọn to bằng ngón tay cái.

Người ta quơ thanh tre trên mặt bông để tơ bám đều vào đó cho đến khi to bằng ngón chân cái người lớn thì tuốt ra, sau đó buộc thành một chùm và cuộn bỏ vào cho đầy một gùi để dành cho công đoạn xe tơ. Từ đây, người thợ dệt bước sang công đoạn khác phức tạp hơn đó là se sợi; lọn bông được đưa vào xa kéo sợi để kéo thành sợi tơ.

Đến đây, xem như đã tạo được nguyên liệu cơ bản nhất là sợi và cũng có thể sử dụng trực tiếp vào việc dệt. Tuy nhiên, sản phẩm làm ra chỉ một màu trắng (nếu không muốn nói là không có màu).

Việc tiếp theo là đồng bào đi tìm những nguyên liệu tạo màu để làm cho sợi từ không màu, đơn sắc trở thành các màu đặc trưng, độc đáo mang đậm sắc thái dân tộc.

Như các dân tộc ở Tây Nguyên, thổ cẩm của người J’rai, Bhanar có màu nền chủ đạo là màu đen. Cây trum (chính là cây chàm) mọc trong rừng được khai thác để chế biến thành thuốc nhuộm màu đen. Một số ít sợi còn lại để nguyên màu trắng của bông hoặc nhuộm thành màu đỏ từ một loại vỏ cây rừng, màu vàng từ củ nghệ.

Phụ nữ dân tộc Bhanar trình diễn nghề dệt thổ cẩm.

Công đoạn tiếp theo là chăng các sợi dọc lên khung tạo thành khung dệt Tơ-panh. Khung dệt gồm các bộ phận làm bằng tre nứa, gỗ dùng để dệt vải thổ cẩm, người phụ nữ nào cũng phải có sẵn ít nhất một bộ.

Công đoạn này, người dệt bố trí những sợi màu trắng và đỏ xen vào những sợi màu đen theo thiết kế của đường nét hoa văn. Cuối cùng, người phụ nữ dệt Tơ-panh đó thành vải thổ cẩm. Hoa văn trên thổ cẩm của người J’rai, Bhanar là những đường diềm có họa tiết chủ yếu là hình thoi chạy dọc theo chiều dài tấm thổ cẩm.

Từ nghề trồng bông dệt vải, dân tộc J’rai, Bhanar đã sáng tạo nên nhiều sản phẩm trang phục khác nhau như áo, váy, khố, túi xách, chăn, khăn đội đầu… Mỗi sản phẩm đều có giá trị sử dụng và giá trị thẩm mỹ nhất định.

Những tấm vải thổ cẩm dù lớn hay nhỏ đều in đậm dấu ấn sáng tạo của người thợ dệt. Nghề dệt thổ công cổ truyền gắn bó với cuộc sống của đồng bào, là một phần quan trọng của tri thức dân gian, là di sản văn hóa, tài nguyên nhân văn quý giá của các tộc người.

Ngày nay, mặc dù trên thị trường có đủ các loại vải sặc sỡ sắc màu, nhưng vẻ đẹp của váy áo thổ cẩm vẫn luôn được đồng bào J’rai, Bhanar ưa chuộng. Đặc biệt, trong những ngày lễ hội, trai gái dân tộc J’rai, Bhanar diện trên người những bộ trang phục truyền thống với sắc màu và những đường nét hoa văn độc đáo cùng với phong cách thời trang theo xu hướng cách tân hiện đại. Nghề dệt vải thổ cẩm của đồng bào góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và tôn vinh bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Tấn Vịnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.