Vui cùng Lễ ăn cơm mới của người Êđê
Hằng năm, sau khi thu hoạch mùa màng, lúa gặt về nhà cũng là lúc cộng đồng người Êđê nô nức với Lễ ăn cơm mới.
Lễ ăn cơm mới của người Êđê nhằm tận hưởng thành quả lao động và tỏ lòng biết ơn thần linh, đặc biệt là thần lúa (là vị thần mang lại sự no đủ) đã cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ thường được người dân tổ chức vào khoảng tháng 9 đến tháng 11 hằng năm, tại nhà riêng của gia đình. Những ngày này, người dân tạm gác hết các công việc khác để cùng nhau vui chơi, ăn uống và múa hát.
Năm nay, Lễ ăn cơm mới của gia đình ông Y Bhi Niê ở buôn Drah 2 (xã Cư Né, huyện Krông Búk) có phần đặc biệt hơn khi được UBND huyện Krông Búk chọn để tổ chức trình diễn và phục dựng Lễ ăn cơm mới. Ông Y Bhi Niê bày tỏ, gia đình rất vui và tự hào khi được sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, giúp nghi lễ năm nay của gia đình bài bản và quy mô hơn. Để chuẩn bị cho nghi lễ này, từ sáng sớm, ông cùng họ hàng, người thân tất bật chuẩn bị lễ vật dâng cúng gồm: rượu cần, cơm được nấu từ gạo mới trong vụ mùa vừa gặt, thịt gà, canh và những sản phẩm nông sản gia đình sản xuất được trong năm qua... Tất cả được dâng lên với lòng thành kính, mong cho mùa sau lại được ấm no, đủ đầy.
Thầy cúng thực hiện nghi lễ cúng mừng cơm mới. |
Phần nghi lễ diễn ra trang nghiêm và nhanh gọn. Thầy cúng thực hiện nghi lễ cúng thần linh và cúng mừng cơm mới. Lúc này, đội nghệ nhân của buôn tấu một bài chiêng báo cho dân làng biết là nghi lễ đã bắt đầu. Thầy cúng đại diện cho gia chủ đọc lời khấn bày tỏ sự cảm ơn đối với các thần đã cho một mùa vụ no đủ, cầu cho mùa vụ năm tới thuận lợi, sung túc. Tiếp đó, đến phần mời ăn cơm mới và mời uống rượu mừng theo thứ tự: chủ nhà, họ hàng, người thân, khách gần xa đến tham dự lễ. Sau cùng là phần tiệc mừng lễ, mọi người trong buôn tề tựu, già trẻ, gái trai quây quần bên nhau cùng ăn cơm, thưởng thức rượu cần và chúc nhau những điều tốt lành.
Lễ ăn cơm mới sẽ tổ chức tuần tự theo từng nhà, bà con ăn nhà này rồi lại sang nhà khác. Ông Y Mú Mlô (Trưởng buôn Drah 2) cho biết, buôn Drah 2 hiện có 135 hộ dân, chủ yếu là người Êđê. Cùng với việc duy trì nghi lễ này, hiện người dân buôn Drah 2 còn duy trì các nghi lễ khác như: lễ đặt tên con, lễ cúng sức khỏe... Bên cạnh đó, trong buôn vẫn duy trì đội chiêng lớn tuổi và đội chiêng trẻ, qua đó giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Vợ chồng ông Y Bhi Niê (chủ nhà) đang thưởng thức cơm mới sau nghi lễ cúng mừng cơm mới. |
“Thông qua việc phục dựng các nghi lễ truyền thống, chính quyền địa phương mong muốn tạo được sự đoàn kết trong buôn làng, truyền lại cho thế hệ trẻ để thấy được ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc” - ông Vũ Đức Nam, Phó Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Krông Búk.
Huyền Diệu
Ý kiến bạn đọc