9 ngôi chùa giữa vạn lý Trường Sa
Được một chuyến liền mạch rong ruổi chiêm bái đầy đủ cả 9 ngôi chùa Việt giữa vạn lý Trường Sa, đặc biệt hơn là được trực tiếp dự lễ khánh thành phục dựng 3 ngôi chùa trong quần thể cửu tự ấy, duyên may đời người dễ mấy ai chạm được...
Cuối tháng 6/2022, con tàu Trường Sa 571 thuộc Vùng 4 Hải quân đã đưa đoàn chúng tôi rong ruổi Trường Sa, có cả những ngày đêm xuyên qua lốc gió ảnh hưởng bởi cơn bão Chaba (số 1) trên biển Đông. Trong số hơn 200 đại biểu của đoàn công tác thì có tới 39 vị cao tăng thuộc Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Phật giáo hàng chục tỉnh thành... Ánh đạo hoàng có nhiều lúc phủ rợp boong tàu. Hải trình cũng mang tính lịch sử: Thăm viếng tất cả các ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), trong đó có 3 chùa được tổ chức lễ khánh thành phục dựng ngay trong chuyến đi này! Những câu chuyện về đạo, về đời cứ rì rầm giữa những trận gió màn mưa...
Một trong những nhân vật đặc biệt suốt hải trình vạn lý là cư sĩ Phật giáo Nguyễn Văn Trường, chủ Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, người tôn tạo xây dựng quần thể chùa Bái Đính – Tam Chúc nổi tiếng, cũng chính là người từ ngót 20 năm qua phát tâm đầu tư trùng tu, phục dựng cả 9 ngôi chùa giữa biển Đông sóng gió này. Trong câu chuyện chắp nối giữa những hồi chuông Bát Nhã hòa cùng tiếng sóng dội, tôi hình dung về quá trình thấm đẫm mồ hôi tâm lực tu bổ, khôi phục cửu tự Trường Sa. Không nhớ rõ đây là lần thứ mấy ông ra Trường Sa...
Lễ tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma trên tàu Trường Sa. |
Nhớ lại năm 1998 lần đầu tiên ra Trường Sa, tôi đã bắt gặp trên các đảo những dấu tích tâm linh rêu phong là ngôi miếu nhỏ, tấm bia, cột mốc, phiến đá sa thạch... của những ngư dân miền Trung mấy trăm năm trước dựng lên. Để làm nơi gửi gắm, neo giữ tâm linh, nguyện cầu sóng yên bể lặng, muôn sự bình an trong suốt những tháng năm mưu sinh giữa đại dương mênh mông bão gió. Để giờ đây từ trên nền vết tích ấy đã hiện lên uy nghiêm sừng sững những ngôi chùa - những cột mốc tâm linh giữa biển khơi. Nói như Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong phát biểu khánh thành 3 ngôi chùa, đó là chúng ta tu bổ, phục dựng từ lịch sử chứ không phải “xây mới”. Dấu tích tâm linh cũng chính là cột mốc chủ quyền.
Nhà sử học Dương Trung Quốc nay là lần thứ ba ra Trường Sa. Lần đầu vào năm 2010, ông ra chứng kiến lễ khánh thành phục dựng 3 ngôi chùa đầu tiên trên các đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn. Năm 2014, ông lại ra dự khánh thành 3 ngôi chùa tiếp theo trên các đảo Nam Yết, Sơn Ca và Phan Vinh. Lần này ông cũng là chứng nhân lịch sử tại trọng lễ thượng bảng hiệu, khai đại hồng chung nơi 3 chùa Trường Sa Đông, Sinh Tồn Đông và Đá Tây A. Nhớ lúc trên đảo Song Tử Tây, ông kể về sự linh nghiệm lạ lùng từ 12 năm trước khi lần đầu đặt chân lên đây. Đợt ấy Song Tử Tây đang hạn lớn. Vừa thấy bóng vị đại biểu Quốc hội nổi tiếng bước xuống từ ca nô, chỉ huy đảo đã tiến đến nói rằng nhờ bác về nói với đất liền là Trường Sa thiếu nước quá. Thế rồi giữa lúc làm lễ khánh thành chùa thì bất ngờ trời mưa như trút nước, mưa như chưa bao giờ được mưa.
*
Hơi đầm ấm thân thương thật dễ dàng bắt gặp, dễ dàng chạm vào nơi “rừng thiền” là quần thể 9 ngôi chùa này. Những ngôi chùa thuần Việt, rất Việt. Từ kiểu dáng tam quan, mái đao, gác chuông, cửa võng cho đến hoành phi, câu đối... Từ những đại hồng chung khắc toàn chữ Việt và danh lam Việt cho đến mỗi lư hương, đồ thờ, từng viên ngói, viên gạch đều khắc nổi dấu Quốc huy. Toàn bộ các pho tượng nơi đây cũng thuần Việt từ gương mặt tới tỷ xích cơ thể. Đặc biệt cả 9 ngôi chùa đều quay hướng về Thủ đô Hà Nội – trái tim đất nước.
Song, về kiến trúc, quần thể 9 ngôi chùa nơi vạn lý Trường Sa này cơ bản không có sự lặp lại mà có những nét độc đáo riêng. Chùa ở Trường Sa Lớn được phục dựng đầu tiên cách đây 12 năm, hiện lên nhỏ nhắn như chùa làng. Cùng tôn tạo đợt ấy, chùa Song Tử Tây đến giờ vẫn là ngôi chùa lớn nhất, từ chánh điện, đôi dãy nhà giải vũ, tới tam quan sừng sững hai tầng tám mái chạm ngay mép sóng đại dương. Mạnh mẽ mà khoan thai như đôi câu đối “Thắng tích ánh đảo xa, vạn cổ danh lam truyền Song Tử/Mây lành che Đông hải, một trời cam lộ tưới Trường Sa”.
Nhà sư Thích Nhuận Đạt cùng cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn chia tay đoàn công tác. |
Chùa Đá Tây A vừa khánh thành có lẽ lớn thứ nhì trong số 9 chùa. Chùa nhìn thẳng ra âu tàu và vùng lòng hồ mênh mông rộng hàng chục hải lý, như “vành nôi” khổng lồ cho ngư dân vào tránh bão, sửa chữa tàu thuyền, tiếp nhiên liệu. Hôm ấy, hàng loạt tàu câu mực của ngư dân miền Trung vào neo đậu tránh bão số 1. Chứng kiến cảnh khánh thành chùa, ngư dân bơi thúng vào gần, xếp bánh trái, hương hoa lên những chiếc phao nổi trước chùa, thành kính dâng hương vái vọng.
Hôm khánh thành chùa Trường Sa Đông, tôi để ý thấy cựu binh Trường Sa Nguyễn Đắc Hiếu đến từ Đắk Lắk dáng gầy gầy khắc khổ lén đưa tay gạt nước mắt. Từ năm 1986, trước khi xảy ra hải chiến Gạc Ma, ông đã có hơn 2 năm cùng đồng đội đóng quân bảo vệ đảo nhỏ Trường Sa Đông này. “Ngày ấy trên đảo chưa có chùa, mà chỉ có am tự nhỏ để cho thuyền bè ngư dân ghé, hay rằm mùng một lính đảo thắp nén hương. Lần này được trở lại thăm đảo và dự khánh thành ngôi chùa khang trang, tôi không nén được xúc động…”, ông bùi ngùi.
Để những cựu binh Trường Sa Đông như ông Hiếu lần đầu tiên sau ngót 40 năm được quay lại thăm “chiến trường xưa” giữa đại dương này, phải kể đến công lao của ông Trần Văn Xuất, chủ Cơ sở đá mỹ nghệ Xuất Ánh ở quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng). Từ 30 năm nay ông Xuất lặn lội khắp cả nước tìm lại đồng đội cũ một thời Trường Sa Đông, là những Nguyễn Văn Tho (Bình Định), Nguyễn Như Hải (Vũng Tàu), Nguyễn Đắc Hiếu (Đắk Lắk), Trần Doãn (Bình Phước), Hồ Văn Cường, Đàng Văn Thảo, Phạm Nhất Thành, Lê Văn Phương (Phú Yên)... Thấu hiểu nỗi lòng đau đáu của đồng đội khao khát được một lần quay lại thăm Trường Sa, ông Xuất viết tâm thư gửi lên Quân chủng Hải quân, để giờ đây nhóm 9 cựu binh Trường Sa Đông đã thỏa nguyện...
Đại đức Thích Nhuận Đạt năm nay 34 tuổi, nhưng đã 10 năm liên tục trụ trì tại các chùa ở Trường Sa. Mười năm trước, sau khi đã tu tập thông làu kinh điển, Phật pháp, nhà sư trẻ 24 tuổi một hôm cúi đầu vòng tay trước Hòa thượng Thích Ngộ Tịnh trụ trì chùa Viên Ngộ (thôn Ninh Ích, xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) thưa rằng “Con ra ngoài Trường Sa cống hiến cho đất nước ít năm, xong lại về với thầy”. Thế rồi nhà sư trẻ biền biệt ở Trường Sa tới 10 năm. Cả đến mùa hè năm 2021, ân sư Ngộ Tịnh viên tịch, đệ tử cũng chỉ biết từ đảo xa gạt lệ dõi về. Chỉ biết đặt nơi chùa Trường Sa Lớn một bàn thờ nhỏ để cúng vọng thầy mình.
Bước chân giữa Trường Sa, nhớ vóc dáng cao lớn và nụ cười hiền của sư trẻ Thích Tâm Trí đã 8 năm liền trụ trì chùa đảo Nam Yết. Nhớ vạt rau ngót và mấy gốc cà pháo trồng trên mảnh vườn nhỏ sau lưng chùa Sinh Tồn, là món “tươi” hiếm hoi của thầy Thích Tâm Thành. Rồi vườn rau xanh mát dưới bóng những gốc đại đơm hoa bên chùa Trường Sa Đông nơi ngày ngày sư trẻ Thích Quy Nghĩa chăm bón. Nhớ thầy Thích Định Thông nơi chùa đảo Sơn Ca với câu chuyện về tiếng chuông chùa giữa đại dương...
Phút bịn rịn chia tay nơi cầu tàu Trường Sa Lớn. Bóng áo vàng cùng vành nón lá của thầy Nhuận Đạt xen giữa hàng quân giơ tay vẫy, biển tung sóng trắng, mái đỏ ngôi chùa cứ lui dần, xa dần... Hiện lên hình bóng “Quần đảo huy hoàng chất ngất biển Đông ngời thắng cảnh/Chùa chiền sừng sững nguy nga đất Việt nổi danh lam” ghi lại nơi chùa Song Tử Tây...
Trần Tuấn
Ý kiến bạn đọc