Multimedia Đọc Báo in

Nét đặc sắc trong Tết của người Mông

04:15, 26/01/2023

Đắk Lắk có 49 dân tộc anh em cùng sinh sống với gần 1,9 triệu dân. Trong đó, dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh có hơn 39.200 người chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc di cư vào.

Mặc dù đã có nhiều sự giao thoa văn hóa, song người Mông ở trên cao nguyên Đắk Lắk vẫn giữ được những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, thể hiện rõ nét nhất trong dịp Tết Nguyên đán.

Ông Sính Cháng Páo, Trưởng thôn Ea Uôl (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) chia sẻ, cũng giống như Tết Nguyên đán của người Kinh, người Mông ở đây sẽ tạm dừng công việc đồng áng để chuẩn bị đón Tết trước đó khoảng một tuần. Họ thường ăn Tết đến hết rằm tháng Giêng với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, ẩm thực đa dạng.

Điều đầu tiên bà con sẽ làm để chuẩn bị đón Tết là treo cờ Tổ quốc dọc hai bên đường. Sau đó là chuẩn bị các nguyên liệu để chế biến món ăn truyền thống của dân tộc mình. Với người Mông, những món ăn truyền thống ngày Tết cũng là những món gợi nhớ quê hương.

Trong mâm cỗ Tết của người Mông thường có các món ăn truyền thống như mèn mén, dúm lọc púa (còn gọi là bánh chưng của người Mông, được làm từ gạo và bắp nếp, đậu phộng, đậu nành do chính người Mông làm ra, thêm ít đường, có thể thêm thịt lợn, tiêu làm nhân), lòng lợn hấp, đậu phụ, tào chúa (món ăn được làm từ đậu phụ và rau cải, ăn kèm với mèn mén), thịt nướng…

Trong mâm cỗ Tết của người Mông thường có các món ăn truyền thống như mèn mén, lòng heo hấp, đậu phụ, tào chúa, thịt nướng...

Đối với trang phục trong ngày Tết, người Mông nơi đây cũng quan niệm Tết đến Xuân về mỗi người trong gia đình đều phải có một bộ quần áo mới để đi chúc Tết. Vì vậy, trước Tết khoảng một tháng họ sẽ đặt may hoặc đi mua những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Phụ nữ, trẻ em gái sẽ mặc những bộ váy xòe với màu sắc sặc sỡ, bắt mắt, chủ yếu may bằng vải tự dệt và trang trí với kỹ thuật đa dạng. Trang phục của phụ nữ còn có khăn đội đầu, áo, váy, thắt lưng, tạp dề đằng trước, xà cạp, đồ trang sức. Ngược với trang phục của nữ giới, trang phục trong ngày Tết của nam giới người Mông khá đơn giản, chủ yếu là màu tối tím than và xen kẽ một ít họa tiết. Đa phần họ đều mặc quần kiểu chân què, cạp rộng, đũng quần rất thấp, khi mặc, cạp được dắt sang một bên rồi dùng thắt lưng thắt chặt lại.

Thưởng thức điệu múa khèn là một trong những thú vui trong dịp Tết của người Mông.
 

“Người Mông rất hiếu khách, vì vậy, ngày Tết, cứ khoảng 7 giờ sáng là họ mặc những bộ áo quần mới đến nhà nhau chúc Tết, thưởng thức tiếng khèn, tặng dúm lọc púa hoặc đậu phụ để chúc nhau những điều tốt đẹp trong năm mới”.

 
Trưởng thôn Ea Uôl (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) Sính Cháng Páo

Điều đặc biệt trong Tết của người Mông nơi đây là hằng năm, vào ngày mồng 6 tháng Giêng, tại UBND xã Cư Pui (huyện Krông Bông) sẽ tổ chức Ngày hội văn hóa truyền thống các dân tộc. Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui Nguyễn Văn Tâm cho biết, đây là dịp để đồng bào các dân tộc trong huyện Krông Bông biểu diễn các trò chơi dân gian, giao lưu gặp gỡ, học hỏi cách làm ăn, thắt chặt tình đoàn kết. Tại ngày hội, ngoài các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, ném còn, chọi cù, múa khèn, hát giao duyên… thì còn có hội chọi bò của người Mông. Hội chọi bò nhằm thể hiện sức mạnh, sự dẻo dai, đoàn kết, phát triển của người Mông, được hình thành từ bao đời nay và lưu truyền theo bà con đến vùng kinh tế mới ở Đắk Lắk. Đây cũng là phần hội mà người Mông yêu thích nhất mỗi dịp lễ, Tết. Hội chọi bò thường được tổ chức tại sân bóng thôn Ea Lang, xã Cư Pui và thu hút đông đảo người dân trong và ngoài xã đến xem.

Đặc biệt hơn, trong không khí náo nhiệt chào đón Tết đến Xuân về, đi dọc tuyến đường ở các thôn có đông người Mông sinh sống đều phấp phới cờ Tổ quốc như thể hiện niềm tin của người Mông đối với Đảng và Nhà nước.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.