Multimedia Đọc Báo in

Singapore - “cái nôi” nghệ thuật múa đương đại châu Á

08:24, 26/02/2023

Singapore không chỉ nổi danh là quốc gia xanh, sạch nhất, trung tâm tài chính hàng đầu thế giới mà còn là “cái nôi” của nghệ thuật châu Á. Trong đó, nghệ thuật múa đương đại Singapore phát triển vượt bậc...

Đầu tháng 11/2022 vừa qua, Lễ hội múa đương đại quốc tế DanzINC - một trong những lễ hội múa lớn nhất châu Á được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam. Đây là sự kiện văn hóa diễn ra định kỳ hai năm một lần, được thành lập bởi Odyssey Dance Theatre (ODT), nhà hát nổi tiếng trực thuộc tập đoàn nghệ thuật cùng tên và lâu đời bậc nhất Singapore. Trở lại sau thời gian đại dịch, DanzINC 2022 diễn ra ở cả Việt Nam lẫn Singapore, do SCBS (Saigon Contemporary & Ballet Dance Company) phối hợp với Tập đoàn nghệ thuật ODT tổ chức nhằm tạo cầu nối đưa diễn viên múa Việt Nam ra thế giới và đưa nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam.

Thông qua lễ hội múa DanzINC, khán giả Việt Nam có dịp hiểu thêm về nghệ thuật múa đương đại của người Singapore. Lễ hội mang đến cho khán giả gần 50 tác phẩm của cả hai nước. Khán giả Việt Nam được thưởng thức vở múa "Paint The Galaxy" do nghệ sĩ, tiến sĩ Danny Tan, Giám đốc ODT biên đạo và do ODT International trình diễn. Tác phẩm lấy cảm hứng từ sự kết nối, tìm về bên trong để lắng nghe, thấu hiểu và chữa lành. Theo tiến sĩ Danny Tan, múa chính là đời, là nghệ thuật để kết nối con người, hướng về con người, và mang đến năng lượng tích cực cho cuộc sống.

Một vũ điệu ballet của Vũ đoàn ballet quốc gia Singapore.

Là một đất nước đa dạng văn hóa, nguồn gốc của múa đương đại Singapore xuất phát từ cội nguồn dân tộc như Malay, Trung Quốc, Ấn Độ và Á - Âu. Những năm 1990, trong những lễ hội múa thường niên đầu tiên (tiền thân của Liên hoan nghệ thuật Singapore), khán giả Singapore đã được thưởng thức những sản phẩm múa của thế giới hiện đại do Nhà hát Nederlands Dans của Hà Lan, vũ đoàn Cloud Gate Dance đến từ Đài Loan hay từ Bolshoi ballet của Nga trình diễn.

Múa đương đại của Singapore là sự kết hợp của ballet kinh điển phương Tây với múa truyền thống châu Á. Singapore là một quốc gia đa dạng văn hóa và đa sắc tộc, việc bị ảnh hưởng bởi nhiều nền văn hóa khiến múa đương đại của Singapore rất phong phú và đa dạng. Ví dụ các điệu múa của công ty T.H.E Dance sử dụng nền tảng múa ballet cho một loại hình lingua franca (thông ngữ) mới, giúp cân bằng ảnh hưởng của cả hai nền văn hóa Đông và Tây. Thông qua múa đương đại các nghệ sĩ của Singapore đã làm cho sân khấu đương đại trở nên hấp dẫn, phong phú mà không làm mất bản sắc dân tộc.

Như đề cập ở trên, Singapore đã có một lịch sử độc đáo riêng nên nghệ thuật múa đương đại sau Thế chiến II cũng có những nét đặc thù. Có lẽ cột mốc quan trọng nhất là năm 1963 khi Chính phủ Singapore quyết định xây dựng nhà hát quốc gia đầu tiên giới thiệu những điệu nhảy dân tộc và khu vực. Lễ hội văn hóa Đông Nam Á đầu tiên được tổ chức tại Singapore sau khi có “cú hích” nghệ thuật khích lệ này, đặc biệt là múa đương đại.

Một số xu hướng nghệ thuật ảnh hưởng đến múa đương đại của Singapore gồm: Ảnh hưởng từ Trung Quốc là hình thức múa lân hay múa sư tử; ảnh hưởng từ văn hóa Malaysia thể hiện rõ rệt ở hai điệu múa Zapin Singapura và Peranakan, trong đó các điệu nhảy Zapin Singapura được thực hiện theo cặp, tất cả các loại nhạc cụ khác nhau đi cùng được chơi kiểu như một dàn nhạc. Ảnh hưởng từ văn hóa giao thoa Trung Quốc - Malaysia thể hiện ở vũ điệu Peranakan - hình thức khiêu vũ thơ mộng với trang phục là Sarong Batik của Malaysia và trâm cài cùng dép đính cườm Peranakan được gọi là Kasot Manek, các nhạc cụ chính là guitar, trống phương Tây, một đàn accordion, tambourine và sáo.

Vũ điệu Zapin Singapura.

Ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, thể hiện ở điệu múa Bharatnatyam và Kathak kết hợp giữa điệu múa truyền thống của người Singapore với dân tộc Tamil. Các chương trình sân khấu đương đại của Bharatanatyam ở Singapore đã kết hợp các buổi biểu diễn kỹ thuật, và điệu nhảy dựa trên các ý tưởng không tôn giáo và chủ đề hợp nhất, mang tính giải trí hơn. Bharatanatyam liên quan đến rất nhiều chuyển động tay, biểu cảm khuôn mặt, bước chân... Ngoài ra còn có hình thức kể chuyện thông qua khiêu vũ Kathak xuất phát từ nghệ thuật khiêu vũ Ấn Độ cổ điển, kể những câu chuyện về các tác phẩm kinh điển cổ xưa dưới dạng múa bằng các chuyển động của bàn tay và cơ thể, những bước chân năng động và nét mặt trầm tư. Tại Singapore, Kathak được thực hiện trong các lễ hội khiêu vũ và các chương trình quốc tế, không chỉ nhảy múa mà còn rất nhiều hình thức diễn xuất liên quan để kể một câu chuyện với khán giả cùng với điệu nhảy.

Ảnh hưởng từ nghệ thuật phương Tây chính là các điệu múa ballet, đóng vai trò chính trong việc định hình múa đương đại của Singapore ngày nay. Múa ballet cần được giảng dạy nghiêm túc, vì đây không phải là một hình thức nghệ thuật dễ dàng. Nó bao gồm khiêu vũ hiện đại, bước chân và các đường rẽ chân uyển chuyển, âm nhạc đi kèm là âm nhạc cổ điển với phương ngữ là tiếng Pháp.

Khắc Duy (Theo NGC/HC/BNGS - 2/2023)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.