Multimedia Đọc Báo in

“Gieo chữ” thư pháp mùa Lễ hội

14:36, 12/03/2023

Cũng như một số lễ hội từ đầu năm đến nay, tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần 8 (Lễ hội), các gian trưng bày, triển lãm thư pháp, viết thư pháp, cho chữ lấy may được nhiều người quan tâm, hưởng ứng… Và nghệ thuật thư pháp trong lễ hội đã trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Trong không gian của phố đi bộ Phan Đình Giót, giữa sự náo nhiệt của các hoạt động âm nhạc, thưởng thức cà phê miễn phí nằm trong khuôn khổ Lễ hội, thì gian hàng thư pháp tặng chữ của “bà đồ” Thư hoạ Thiên Di lại có sự đối lập đến bất ngờ, khá trầm tĩnh, gian hàng hoạt động trong diện tích không lớn nhưng thu hút khá nhiều người tham quan, chờ lần lượt xin chữ và thưởng thức những bức tranh kí hoạ về vẻ đẹp Buôn Ma Thuột, các bức thư pháp có ý nghĩa…

“Bà đồ” có tên thật Nguyễn Thị Duy (TP. Buôn Ma Thuột) sinh năm 1983, tên Thư hoạ Thiên Di là danh chương thư pháp. Theo chị Duy, không chỉ vào những ngày đầu xuân mà hiện nay trong các lễ hội, sự kiện lớn… của tỉnh, nhiều người thường tìm đến các gian hàng thư pháp để xin các câu, chữ tâm đắc, mong muốn những điều tốt lành, thuận lợi, hanh thông trong cuộc sống.

Gian trưng bày và cho chữ của "bà đồ" Thiên Di tại phố đi bộ Phan Đình Giót nhân dịp Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8.

Không chỉ đóng khung trong hình ảnh “ông đồ”, “các "bà đồ" chỉn chu duyên dáng trong tà áo dài, từng nét chữ mềm mại uyển chuyển, tặng cho du khách những chữ có ý nghĩa. Chị Duy và những người bạn thường viết thư pháp bằng chữ quốc ngữ, được thể hiện trong các bức tranh, liễn bằng các chất liệu giấy xuyến, mành lụa, mành trúc, gỗ…

Nội dung của thư pháp thường là những lời chúc an lành, những câu nói tình nghĩa về quan hệ giữa: thầy - trò, cha mẹ - con cái, vợ - chồng, bạn bè, tri kỉ, như chữ “Phúc”, “Tài”, “Lộc” mang ước vọng một năm mới an khang, thịnh vượng và hạnh phúc; các chữ “Chí”, “Thọ”, “Thành” thể hiện ý chí cao viễn, thành đạt trong sự nghiệp; “Nhẫn”, “Lễ”, “Hiếu”, “Thuận” thể hiện mong muốn vạn sự tốt lành, êm thắm; “Nhân”, “Trí”, “Minh” thể hiện khát vọng cao quý về trí tuệ, học vấn…

"Bà đồ" Nguyễn Thị Duy tặng chữ cho các bạn trẻ.

Chị Duy cho hay, trước đây những người xin chữ thường ở độ tuổi trung niên, người cao tuổi, nhưng nay có khá nhiều các bạn trẻ là sinh viên và học sinh, họ thường xin chữ nói về công danh, sự nghiệp, học hành. Ngoài xin chữ cho mình, nhiều người còn xin chữ"để tặng ông bà, cha mẹ, anh em, bạn bè nhằm gửi gắm những lời chúc may mắn.

Đến với gian hàng thư pháp, ông Nguyễn Văn Tình (Ea Kar) bày tỏ: "Theo quan niệm của tôi và cũng có thể là những người khác nữa, mỗi chữ được viết ra là thể hiện sự tài hoa của người cho chữ bởi chữ không chỉ đẹp mà còn phải phù hợp với vị thế, nỗi niềm mong mỏi của người xin chữ. Như tôi đã vào tuổi tứ tuần thì xin chữ “Thọ”; các cháu nhỏ đi học thì xin chữ “Đạt”; những người làm ăn, buôn bán xin chữ “Tín”, chữ “Phát”…”. Và trong ngày hôm nay, ông Tình xin một chữ “Tĩnh” để giữ sự tĩnh tâm, an vui trong cuộc sống.

Có lẽ cũng vì vậy mà tục xin chữ đang dần trở thành một thú chơi tao nhã, được nhiều người yêu thích. Đó cũng là lý do tại sao trong những ngày diễn ra các Lễ hội, bên cạnh các hoạt động vui chơi, giải trí, ca hát thì hình ảnh “bà đồ” ngồi cho chữ đã thu hút rất nhiều người, trong đó có giới trẻ mến mộ ghé xem và xin chữ.

“Bà đồ” Thiên Di bày tỏ, tặng chữ trong kỳ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 này mang một màu sắc rực rỡ và khác biệt, bởi vì khá lâu rồi, người dân, du khách mới về với Buôn Ma Thuột nhiều như vậy. Người xin chữ rất đông, nhưng ai ai cũng lịch sự và trân quý chữ được tặng, đó là một động lực rất lớn để tôi tiếp tục theo đuổi đam mê này. Vì thế có những lúc rất mệt, nhưng sự chân thành và ủng hộ của mọi người nên “bà đồ” chưa từng chối tặng chữ cho một ai, trái lại còn rất vui vẻ và hạnh phúc.

Em H’ly Enuôl và H’Jung Enuôl thưởng thức tranh và chữ thư pháp trưng bày tại phố đi bộ Phan Đình Giót.

Em H’ly Enuôl và H’Jung Enuôl (TP. Buôn Ma Thuột) đến phố đi bộ Phan Đình Giót vào buổi trưa muộn, không kịp xin chữ, chỉ có thể ngắm những bức thư pháp và tranh, ảnh được treo còn lại. Em H’ly cho hay: “Em rất thích thư pháp, xin chữ, đơn thuần là xin chữ tên của mình. Một nét chữ đẹp giúp em thấy trân trọng và tạo ra giá trị cho bản thân. Hôm nay chưa có duyên để xin chữ, em sẽ chờ một dịp khác phù hợp hơn”.

Đồng hành với chị Duy trong dịp này là các bạn nữ, có cùng đam mê chữ đẹp và thư pháp. Mỗi bạn làm những ngành nghề khác nhau, nhưng niềm đam mê con chữ đã kết nối họ lại với nhau, cùng đồng hành trong các sự kiện để gieo duyên chữ, mang đến những giá trị tinh thần cho mọi người.

Trong cuộc sống hôm nay, có thể nghệ thuật thư pháp không còn được thuần túy như người xưa, nhưng cái tâm của người cầm bút thổi hồn vào các con chữ; cái đức của người thưởng thức tinh hoa ấy thật đáng trân trọng. Hình ảnh các “ông đồ”, “bà đồ”, người cho chữ xuất hiện ở đâu cũng mang lại những giá trị tuyệt vời. Điều đó góp phần đưa nghệ thuật thư pháp trở thành nét đẹp văn hoá không thể thiếu trong các lễ hội, sự kiện trên địa bàn tỉnh ta.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.