Multimedia Đọc Báo in

Nâng tầm Lễ hội Bunpimay

07:45, 10/04/2023

Lần đầu tiên, Tết cổ truyền Bunpimay của người Việt gốc Lào trên địa bàn xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) sẽ được tổ chức hoành tráng, bài bản với nhiều chương trình hấp dẫn, kỳ vọng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Qua đó, từng bước nâng tầm lễ hội, hình thành nên một sản phẩm du lịch hấp dẫn của huyện biên giới Buôn Đôn.

Người Lào hiện diện, có mặt trên mảnh đất Tây Nguyên từ những năm cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Thời điểm đó, những thương nhân đầu tiên đặt chân đến Bản Đôn để buôn bán, trao đổi, giao thương hàng hóa. Mảnh đất Tây Nguyên màu mỡ, hiền hòa, hiếu khách níu kéo bước chân, để rồi họ đã định cư, gắn bó, xem đây là quê hương thứ hai của mình. Trên xứ sở mới, vừa hòa mình vào dòng văn hóa phong phú, đa sắc màu của cộng đồng các dân tộc bản địa, người Lào cũng ý thức bảo tồn, gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc riêng của dân tộc trong những sinh hoạt thường nhật, nhất là vào dịp Tết cổ truyền Bunpimay diễn ra vào trung tuần tháng 4 dương lịch hằng năm.

Lễ tắm Phật - nghi lễ mang đậm ý nghĩa tâm linh sẽ được thực hành tại Tết Bunpimay năm 2023.

Những năm qua, Hội Hữu nghị Việt Nam  - Lào tỉnh và chính quyền địa phương huyện Buôn Đôn đã phối hợp, chủ trì, đứng ra tổ chức các hoạt động vui đón Tết Bunpimay cho người dân, song chỉ gói gọn, giản đơn với việc tái hiện lại những nghi lễ truyền thống, chưa đủ sức hấp dẫn du khách đến với địa phương, tìm hiểu khám phá thêm những nét văn hóa của người Lào trên Tây Nguyên. Chính vì vậy, năm nay Trung tâm Du lịch Cầu treo Buôn Đôn (Chi nhánh Du lịch và Khách sạn Biệt Điện, Simexco Dak Lak) đã chủ trì, phối hợp tổ chức thêm nhiều chuỗi hoạt động, sự kiện liên quan hấp dẫn, kéo dài liên tục trong ba ngày (từ ngày 14 đến 16/4) nhằm quảng bá, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh, tạo nên một “điểm nhấn”, sản phẩm du lịch mới không chỉ của riêng địa phương mà của cả tỉnh Đắk Lắk.

Theo bà Tiêu Thị Bích Tiền (Trợ lý Tổng giám đốc lĩnh vực du lịch Simexco Dak Lak), năm nay ngoài việc tái hiện những nghi lễ trang trọng, tôn vinh những giá trị văn hóa của dân tộc Lào trong ngày Tết Bunpimay như: lễ tắm Phật, thả hoa đăng, đắp tháp cát, lễ té nước gột rửa những xui rủi trong năm cũ, buộc chỉ tay cầu chúc may mắn, bình an trong năm mới…, du khách sẽ được thưởng thức ẩm thực của người Lào. Đó là hương vị những món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người Lào như: lẩu cá, xiên nướng, cá nướng, gỏi cá, cơm lam, đặc biệt là món lạp có mùi vị đặc trưng qua nghệ thuật chế biến rất riêng của người Lào tại địa phương.

Đến Buôn Đôn du lịch vào đúng dịp Tết Bunpimay năm nay, du khách được tham dự lễ té nước, cầu may mắn.

Để tạo ấn tượng, hấp dẫn hơn với du khách, cũng lần đầu tiên trong Tết cổ truyền Bunpimay, Trung tâm tổ chức Hội voi giúp du khách trải nghiệm các hoạt động du lịch thân thiện với "ông tượng" qua việc tìm hiểu lễ cúng sức khỏe cho voi, tắm voi, trang điểm cho voi, té nước cùng voi, tham quan triển lãm tranh “Hội voi Buôn Đôn”… Chắc chắn đây sẽ là một trong những “điểm nhấn”, hoạt động nổi bật nhất trong Tết Bunpimay nhằm thu hút du khách đến với Buôn Đôn.

Trong khi đó, chuỗi hoạt động văn hóa văn nghệ cũng không kém phần sôi nổi với các chương trình, cuộc thi “Tài năng nhí”, “Nét đẹp Chăm Pa”, "Quà tặng Làng Đảo", sinh hoạt, giao lưu, đốt lửa trại, với sự tham dự của đông đảo thí sinh không chỉ người Lào mà còn mở rộng ra cho các thí sinh trên địa bàn xã Krông Na. Trung tâm cũng đã kết nối, liên hệ với hơn 100 học sinh, sinh viên Lào đang học tập trên địa bàn tỉnh cùng tham gia vào các hoạt động, góp phần tạo nên không khí tươi vui, sôi nổi. Chuỗi sự kiện, các hoạt động đều diễn ra tại khu vực Làng Đảo (Trung tâm Du lịch Cầu treo Buôn Đôn, buôn Trí, xã Krông Na). "Tất cả đã được chuẩn bị chu đáo, chi tiết, và chúng tôi hy vọng trong lần đầu “đột phá”, tổ chức một lễ hội Bunpimay ý nghĩa, đặc sắc không những góp phần giúp bà con người Việt gốc Lào giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vun đắp tình hữu nghị đặc biệt giữa nhân dân hai nước Việt - Lào mà qua đó lễ hội diễn ra định kỳ hằng năm sẽ biến Krông Na trở thành điểm đến, ưu tiên lựa chọn của tất cả du khách khi đến với Đắk Lắk”, bà Tiêu Thị Bích Tiền kỳ vọng.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.