Multimedia Đọc Báo in

Tái hiện Lễ cúng ché của dân tộc Êđê tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

15:44, 17/04/2023

Trong 2 ngày (15 - 16/4), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk đã tham gia “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2023 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).

Tại đây đoàn Đắk Lắk đã tham gia các hoạt động: trưng bày các hiện vật giới thiệu văn hoá tộc người và trình diễn nét văn hóa truyền thống gắn với cộng đồng. 

Cụ thể: Trung tâm Văn hóa tỉnh trưng bày các hiện vật văn hóa gắn với đời sống sinh hoạt của các dân tộc sinh sống tại Đắk Lắk (các đồ dùng, vật dụng, tài liệu về văn hóa của các dân tộc, về đời sống sinh hoạt, sản xuất, tôn giáo, tín ngưỡng của đồng bào...); trưng bày và trình diễn một số nhạc cụ dân tộc (dàn chiêng đồng, tù và, đàn T’rưng, đàn Klông Put, đàn Goong...); trình diễn, giới thiệu nét văn hóa đặc sắc của cồng chiêng Tây Nguyên; trưng bày các ấn phẩm về du lịch và sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của Đắk Lắk…

Các hiện vật văn hóa gắn với đời sống sinh hoạt của các dân tộc sinh sống tại Đắk Lắk trưng bày tại Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2023.

Bên cạnh đó, đội nghệ nhân xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar) đã tái hiện Lễ cúng ché của dân tộc Êđê và trình diễn diễn tấu cồng chiêng, dân ca, dân vũ (nội dung trình tự nghi lễ và các tiết mục văn nghệ dân gian), mô phỏng đặc trưng văn hóa tín ngưỡng dân gian, bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Êđê. Buổi lễ tái hiện diễn ra tại không gian nhà dài Êđê đã thu hút đông đảo du khách đến theo dõi và tìm hiểu; góp phần tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc Êđê nói riêng và cộng đồng các dân tộc nói chung trong chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4) tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Làng).

Đội nghệ nhân xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar tái hiện Lễ cúng ché của dân tộc Êđê.

Được biết, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2023 diễn ra từ 15 - 19/4, có sự tham gia của khoảng 200 người thuộc 17 cộng đồng dân tộc của 15 tỉnh, thành phố đại diện cho các dân tộc, vùng miền và khoảng 100 người của 16 dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng. Đây là sự kiện thường niên do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhằm cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số.

Hòa tấu Chiêng K'nah (đón khách) trong lễ cúng.

Đây cũng là dịp để đồng bào các dân tộc được gặp gỡ giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc; góp phần thắt chặt tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc, xây dựng và phát triển đời sống văn hóa lành mạnh, tiến bộ.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.