Multimedia Đọc Báo in

Bông lách bay để lại nụ cười

08:18, 24/05/2023

Có những tác phẩm nghệ thuật ngay từ khi ra đời đã lập tức chinh phục người xem, người nghe, người đọc… và thời gian càng dài càng định hình giá trị.

Với vùng đất Tây Nguyên, một tác phẩm sinh đôi thơ và nhạc đã để lại dấu ấn như thế là bài thơ “Tháng ba Tây Nguyên” của tác giả Thân Như Thơ được nhạc sĩ Văn Thắng phổ nhạc thành ca khúc cùng tên. Lời thơ và giai điệu âm nhạc trong ca khúc này đã quấn quyện vào nhau như gió với cây rừng, như suối với đại ngàn, mang nét đặc trưng Tây Nguyên không thể nhầm lẫn: Tháng ba/ mùa con ong đi lấy mật/ mùa con voi xuống sông hút nước/ mùa em đi làm rẫy phát nương/ anh vào rừng đặt bẫy cài chông...

Nhà thơ Thân Như Thơ.

Ca từ trong lời một của ca khúc gần như lấy nguyên vẹn từ thi phẩm “Tháng ba Tây Nguyên” của Thân Như Thơ. Nhà thơ quê gốc Quảng Nam này sáng tác bài thơ nói trên vào năm 1963 sau những năm lăn lộn chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên. Ngay từ khi ra đời, bài thơ đã được in trên nhiều báo và các tuyển tập thơ miền Nam. Nên nhớ, giai đoạn này, Tây Nguyên là chiến trường ác liệt, tuy vậy nội dung bài thơ không mô tả cảnh bom rơi đạn nổ, đói cơm lạt muối… mà nghiêng về phía trữ tình, mô tả một Tây Nguyên như là nó phải có, như là nó đã thế. Gắn thời gian (tháng ba) vào không gian (Tây Nguyên), Thân Như Thơ đã phác họa nên khung cảnh Tây Nguyên với những hình ảnh đặc trưng, đậm màu sắc dân gian và cuộc sống đời thường trên cao nguyên: Tháng ba/ sớm sớm mẹ ra rừng/ theo dấu chân rùa đi tìm nấm mối/ chiều chiều cha chọn một góc vườn/ dạy con phóng lao trừ hổ báo/… Tháng ba/ rừng Tây Nguyên hoa thắm đỏ/ làng buôn vang tiếng chiêng múa hát/ bầy chim muông cất cánh rợp trời/ sông từng đàn con cá lội bơi… Tháng ba/ Trời trong xanh như suối ngàn/ Cho em múa hát/ Cho anh đánh chiêng/ Chiêng anh rộn núi rừng, buôn làng/ Đưa giọng em vút tận trời xanh...

Nhạc sĩ Văn Thắng.

Tuy nhiên, nếu ai tinh ý sẽ nhận thấy lời hai của ca khúc có nhiều đoạn không giống với nguyên tác bài thơ của Thân Như Thơ. Lý giải điều này, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cho biết, trong một lần gặp gỡ, nhạc sĩ Văn Thắng tâm sự, rằng anh đã lấy nhiều ý trong bài thơ “Tháng ba Tây Nguyên” của Thân Như Thơ để triển khai theo mạch cảm xúc của mình. Anh viết ca từ là do “thấm” thơ của Thân Như Thơ lúc nào không hay, sau này khi bắt tay vào sáng tác ca khúc, ca từ cứ thế tuôn ra theo dòng nhạc. Chẳng hạn, từ những câu thơ đoạn kết nguyên bản: Bên phiến đá em ngồi té nước/ Nhìn em, lòng anh những bồi hồi/ Tháng ba cũng là mùa hạnh phúc, nhạc sĩ Văn Thắng “sửa” thành ca từ: Tháng ba, người Tây Nguyên chan chứa tình/ Con tim xao xuyến/ Đôi môi hé tươi/ Tháng ba mùa suối rừng sôi sục/ Tháng ba, mùa hạnh phúc Tây Nguyên/ Ôi tháng ba tô thắm cuộc đời.

Về phần âm nhạc, có thể nói, ca khúc “Tháng ba Tây Nguyên” của nhạc sĩ Văn Thắng đã khai thác rất tốt chất liệu dân ca Tây Nguyên. Chính giai điệu trầm bổng, lôi cuốn với những quãng tám cao vút bất ngờ ở cuối mỗi trường đoạn khiến người nghe liên tưởng đến hình ảnh những cánh chim phóng khoáng giữa trời cao nguyên hay mái nhà rông chọc như lưỡi rìu giơ cao, khoáng đạt giữa mây trời.

Cũng cần nói thêm, đa phần những ca khúc phổ thơ hay phỏng theo ý thơ hoặc là nhạc nương theo ca từ, hoặc là ca từ với đặc trưng ngôn ngữ gợi ra nét nhạc. Tuy nhiên, với ca khúc “Tháng ba Tây Nguyên” thì phần nhạc quấn quyện nhuần nhị với ca từ, cả hai gắn kết và đồng điệu trong một âm hưởng chung về Tây Nguyên. Rồi như một tình cờ thú vị, chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu từ 10/3/1975 khiến ca khúc “Tháng ba Tây Nguyên” càng được nối dài thêm đời sống nghệ thuật, trong những cánh rừng le, rừng khộp, bên những sông suối đại ngàn và theo bước chân thần tốc của những đoàn quân nối nhau ra mặt trận. Với những người làm nghệ thuật, đó thực sự là niềm hạnh phúc, may mắn không dễ gì có được.

Bây giờ thì cả nhạc sĩ Văn Thắng và thi sĩ quân nhân Thân Như Thơ đã về miền vĩnh cửu. Nhưng trong di sản âm nhạc Việt Nam, ca khúc “Tháng ba Tây Nguyên” vẫn còn sống mãi. Nhiều thế hệ ca sĩ tiếp tục hát và trong ký ức người đương thời vẫn còn vang lên mạnh mẽ, tha thiết giọng ca của Quang Hưng và Hoài Thu (Đoàn Văn công Tổng cục chính trị) trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Bài thơ “Tháng ba Tây Nguyên” của Thân Như Thơ như một lời tiên đoán về số phận của tác phẩm nghệ thuật, khi viết: Tháng ba/ mùa hoa vông đang nảy nở/ cho con công múa, cho con cá bơi/ bông không rụng xuống lòng suối nhỏ/ bay lên trời vạn cánh sao rơi/ bông lách bay để lại nụ cười...

Thời gian trôi đi, tất cả rồi cũng qua đi. Nhưng chân dung người nghệ sĩ và tác phẩm của họ, như số phận của bài thơ và ca khúc “Tháng ba Tây Nguyên”, một khi đã ghi dấu trong lòng người mến mộ thì sẽ không bao giờ “rụng xuống lòng suối nhỏ” mà sẽ tiếp tục “bay lên trời vạn cánh sao rơi”, và khi “bông lách bay để lại nụ cười” mãi ngân vang giữa đất trời Tây Nguyên.

Phạm Xuân Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.