Multimedia Đọc Báo in

Ly cà phê bên chiếc kpan dài thăm thẳm

14:28, 23/05/2023

Dưới bóng ngôi nhà dài, chiếc ghế kpan hun hút dài trong vườn nắng. Bậc cầu thang gỗ. Núm vú gỗ… Tôi ngồi nhớ ly cà phê Ban Mê đầu tiên được uống chính tại nơi này, từ hơn ba chục năm trước.

Nhớ cái phin bằng nhôm vàng sậm tẩm ướp hương vị đã qua bao nhiêu mùa thời gian. Nhớ động tác trịnh trọng rót ít nước sôi bốc khói vào cái nắp phin, rồi đặt phin lên trên nắp cho nước sôi ngấm ngược lên. Bột cà phê như chuyển nhẹ trong lòng phin, mềm mại dần, nhỏ xuống đều hơn, từng giọt to đậm hơn…

Để rồi chỉ sau vài ngụm nhỏ, tim tôi bắt đầu đập loạn xạ, hơi thở thoáng chốc như đặc lại, nén lại theo vị đậm của những giọt đen sậm nồng nàn. Một kẻ vốn quen cà phê ở Huế, nhạt nhẹ như màu nhựa thông đồi Thiên An, nay choáng váng trước vị mạnh cường tráng của cà phê chính gốc Tây Nguyên. Nhưng rồi chỉ trong hơn một tháng lang thang với vùng đất bazan ngày ấy, tôi đã không thể thiếu ly cà phê thứ ba trong ngày, và ly cuối nhâm nhi vào lúc 10 giờ tối. Một thói quen không thể bỏ, cho đến tận bây giờ.

Du khách thưởng thức cà phê và trải nghiệm văn hóa ở buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: Nguyễn Gia

Tôi giờ đây đang ngồi ở sàn nhà dài tại buôn Akô Dhông giữa TP. Buôn Ma Thuột - nơi vừa được công nhận là buôn du lịch cộng đồng đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk. Thật không tài nào hình dung chính nơi này hơn ba chục năm trước, có một gã sinh viên là tôi, vai khoác ba lô ngơ ngác đứng trên sườn đồi hoang vắng đỏ quạch bụi đất và những lùm cây nhìn xuống khoảng rừng trước mặt, với rải rác mươi nếp nhà sàn. Bóng những đàn bà, đàn ông vai đeo gùi, mặc khố bước lầm lụi… Giờ nơi đây đã trở thành một trong những buôn làng giàu và đẹp nhất Đắk Lắk. Cánh rừng nguyên sinh ngày ấy vẫn còn giữ lại được tới 3 ha, khi phố xá đã bao quanh, sầm uất, tiện nghi, như là điều không tưởng giữa thời buổi “tấc đất tấc vàng” này. Mà thú vị nữa, là từ những vườn cà phê hương vị ngon nhất cao nguyên hoa đang nở trắng muốt, đến ly cà phê trước mặt tôi đây, khoảng cách như có thể với tay được...

Người ta nói ở nơi này, mời nhau đi cà phê là một đặc trưng văn hóa trang trọng, không chỉ để tán gẫu hay giết thời gian. Tôi cứ tự hỏi, người trồng cà phê, cũng là người thưởng thức, hai “thân phận” ấy khác nhau điều gì? Bởi thông thường người ta thường “ngán” món do chính mình làm ra, nhưng ở đây thì không. Mỗi ly cà phê, mỗi ngày lại đem đến những điều mới mẻ riêng. Có lẽ chỉ ngồi giữa Ban Mê nhâm nhi ly cà phê Ban Mê, mới thấm ngấm được điều thú vị và thi vị đó.

Trước mặt tôi lúc này, nắng đang lung linh nhảy múa trên chiếc kpan dài thăm thẳm. Người ở đây kể tôi nghe, rằng kpan là chiếc ghế quyền lực, với nhiều nghi lễ linh thiêng xung quanh nó. Quả thật là vậy. Nhưng tôi lại thấy những giọt cà phê kia quyền lực còn hơn cả chiếc ghế độc mộc này. Như triết gia Albert Camus - ông tổ của chủ nghĩa phi lý từng nói đại ý tách cà phê có thể cứu con người ta khỏi tự sát.

Một tín đồ cà phê như tôi, khi đặt tên cho cuốn ký sự in 6 năm về trước “Uống cà phê trên đường của Vũ”, tình cờ gặp những tín đồ còn “mạnh” hơn tôi, là một trang mạng đã xếp nó vào một trong “6 tựa sách hay về cà phê được nhiều người mua nhất hiện nay”. Vũ ở đây là Lưu Quang Vũ. Dạo ấy, cũng đã ngót 20 năm rồi, tôi mãi mới tìm được quán cà phê duy nhất trên con đường hun hút vắng ngắt vừa đặt tên Lưu Quang Vũ ở Đà Nẵng. Uống ly cà phê “kho” đặc quẹo, để hình dung ngày Hà Nội vừa bước ra khỏi chiến tranh, chàng thi sĩ mỗi sáng lại tàng tàng đạp xe ra khỏi căn gác hẹp phố Huế, sà vào quán trên phố Nguyễn Công Trứ kề cà cốc cà phê 2 hào với những gã giáo viên còm, những người công nhân lam lũ và những tay thợ làm đạo cụ sân khấu... Để nhớ về cái quán cà phê dưới gầm cầu xe lửa Long Biên. “Quán cà phê dưới gầm cầu xe lửa/Hạt mưa đen rơi trên ô kính vỡ”. Ly cà phê đen một mình nơi quán cóc bao giờ cũng nhỏ vào đáy cốc những giọt buồn lặng lặng không tan. Người cô độc thường tìm tới ly cà phê một mình chứ không phải rượu. Vũ lại không phải là một người hay rượu. Ly cà phê cô độc ám ảnh suốt thơ anh.

Không chỉ uống cà phê trên đường của Vũ, tôi còn có những ly cà phê uống vội với cánh phóng viên nước ngoài trên boong tàu sóng giật chao đảo giữa Hoàng Sa, ly cà phê “ba trong một” với các vị sư thầy giữa Trường Sa, ly cà phê nguội dọc đường xe máy vượt tây Trường Sơn suốt gần tháng trời, ngang qua Ban Mê này… Hương vị của nó giờ khó nhớ lại một cách cụ thể, nhưng tôi biết những giọt đen huyền bí ấy đã lặn sâu vào thăm thẳm ký ức, để trở thành chiếc phin lớn của thời gian mỗi ngày chắt lọc ra cho tôi những giọt mê mị tưới tắm nuôi dưỡng vượt lên đời sống mệt nhoài…

Chợt nghĩ, không biết dưới bóng những ngôi nhà dài ở làng Sar Luk dưới chân núi Chư Yang Sin mùa thu năm 1948 được Georges Condominas mô tả trong cuốn “Chúng tôi ăn rừng…”, Yoo Condo (tên dân làng gọi nhà dân tộc học lừng danh cha Pháp mẹ Việt như vậy) có uống cà phê như thói quen cố hữu của người phương Tây, và uống bằng cách nào? Truyền thuyết kể rằng gần 1.200 năm trước, nơi vùng đất có tên Mocha ở xứ sở Ethiopia, những chú cừu chính là những vị… thực khách đầu tiên của món cà phê. Sau khi tình cờ nhấm nháp một loại quả chín mọng trên cây, những chú cừu trở nên hung phấn, khiêu vũ ngả nghiêng. Anh chàng chăn cừu Kaldi tò mò, hái quả ăn thử. Ăn thì đắng, rang lên thì cứng, nhưng khi luộc những hạt đã rang lên và uống thử thì ngây ngất.

Có lẽ anh chàng Yoo Condo giữa ngôi làng hoang vắng Sar Luk cũng làm theo cái cách ngàn xưa ấy?

Cái ngàn xưa ấy, giờ lấp lánh trong “Ly cà phê Ban Mê” của nhạc sĩ Nguyễn Cường. “Tiếng hát tiếng hát cao nguyên như ngàn xưa vọng về/ Ánh mắt soi trong ly cà phê”. Trong hương vị huyền ảo miên man dài theo chiếc ghế kpan…

Buôn Ma Thuột, tháng 4/2023

Trần Tuấn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.