Multimedia Đọc Báo in

Đặc sắc lễ cúng hạ thủy thuyền độc mộc của người M’nông

08:49, 04/06/2023

Đến với thắng cảnh hồ Lắk, đa số du khách đều thích ngồi trên thuyền độc mộc khám phá cảnh đẹp thiên nhiên nơi đây. Hình ảnh chiếc thuyền độc mộc thơ mộng in bóng trên mặt hồ giữa mây trời hùng vĩ đã lưu dấu như một nét đẹp đặc trưng của Tây Nguyên trong lòng du khách.

Thuyền độc mộc là sản phẩm thủ công độc đáo của đồng bào M’nông ở huyện Lắk, xuất phát từ nhu cầu di chuyển trên mặt nước, đồng bào đã chế tác ra thuyền độc mộc từ thân cây gỗ sao có tuổi thọ hàng trăm năm. Mỗi con thuyền là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo mang đậm dấu ấn sáng tạo của bàn tay người thợ mộc M’nông. Để làm nên chiếc thuyền độc mộc, người M'nông huyện Lắk không chỉ có cách chọn lựa gỗ, quy trình chế tác, cách thức sử dụng… đặc trưng mà đồng bào còn thực hiện các nghi lễ liên quan như cúng Yang, xin phép thần rừng trước khi chặt cây để làm thuyền và đặc biệt là lễ cúng hạ thủy thuyền, với mong ước về may mắn, an toàn cho gia chủ và con thuyền.

Phục dựng nghi lễ cúng hạ thủy thuyền độc mộc tại huyện Lắk.

Theo ông Y Thanh Uông (dân tộc M’nông), một người dân sinh sống bên hồ Lắk cho biết: “Lễ cúng hạ thủy thuyền độc mộc trong tiếng M’nông là “Truôt plung măng dak”. Truôt, có thể hiểu là cúng, là cầu cho thuyền, nhà cửa, gia đình bình an, may mắn. Plung măng dak là đẩy thuyền xuống nước là hạ thủy. Đồng bào M’nông trước khi đưa thuyền vào sử dụng (đẩy thuyền độc mộc xuống hồ đi đánh bắt hải sản) sẽ mổ heo, giết gà… làm lễ Truôt plung măng dak để cầu mặt hồ cho dù có sóng to, gió lớn thì thuyền mình vẫn lướt trên sóng như con rắn bơi ngược dòng nước chảy xiết, để trở về bình an và thuyền về đầy tôm cá…”. Cũng theo lời kể của ông Y Thanh, thuyền độc mộc ngày xưa được làm từ những cây sao có tuổi thọ hàng trăm năm trong rừng. Đấy là những cây có đường kính lớn, thân thẳng, càng lâu năm càng chắc, ít bị mối mọt, cong vênh và chịu ngâm lâu trong nước hơn các loại cây khác. Khi tìm được cây, người ta phát xung quanh sạch sẽ đặt cái xà gạc gần cây và mang lễ vật vào rừng mời thầy cúng cúng thần rừng, thần cây, rồi mới tiến hành chặt hạ cây và đục, đẽo. Thời gian để hoàn thành một chiếc thuyền độc mộc nhanh có thể một tháng, đôi khi kéo dài vài tháng.

Thực hiện nghi thức cúng hạ thủy thuyền độc mộc tại hồ Lắk.

Thuyền làm xong, gia chủ sẽ chuẩn bị những ché rượu cần lâu năm ngon nhất, xôi, chè, cá khô, muối, gạo… và làm thịt heo, mời thầy cúng giỏi nhất đến cúng hạ thủy thuyền. Lễ cúng bắt đầu bằng bài chiêng Gông, đây là bài chiêng gọi Yang về chứng giám đồng thời thông báo mời bà con buôn làng về dự lễ, chứng kiến chung vui cùng gia chủ. Sau khi bài chiêng kết thúc, thầy cúng đọc lời khấn gọi Yang về với nội dung: “Mời Yang sông, Yang núi, Yang rừng, Yang thuyền về phù hộ, che chở cho chủ thuyền may mắn, đánh bắt được nhiều tôm cá. Cảm tạ thần rừng đã sản sinh, nuôi nấng cây gỗ to lớn, chắc khỏe để làm ra chiếc thuyền như bây giờ”. Kết thúc lời khấn cầu, bài chiêng Gông lại tấu lên cầu trời mưa thuận, gió hòa, sức khỏe ấm no cho gia chủ và buôn làng. Bài chiêng kết thúc, thầy cúng sẽ quét tiết heo, vẩy rượu cần lên thuyền với ý nghĩa: Các thần chứng giám, nhận các lễ vật mà gia chủ dâng và từ nay phù hộ cho chủ thuyền sức khỏe và may mắn đánh bắt được nhiều tôm, cá. Cuối cùng là bài chiêng Knah được tấu lên, thầy cúng sẽ mời chủ thuyền lên uống rượu cần, đeo vòng đồng với ý nghĩa nhận một phần lễ vật mà Yang ban cho.

Theo Giám đốc Trung tâm Truyền thông Văn hóa Thể thao huyện Lắk Bùi Xuân Tiệp, đối với người M’nông sinh sống bên hồ Lắk, thuyền độc mộc không chỉ là phương tiện đi lại, là công cụ lao động quan trọng giúp người dân đánh bắt thủy sản trên sông, hồ, chuyên chở lương thực, thực phẩm phục vụ sinh hoạt bữa ăn hằng ngày, giao thương buôn bán, chở khách du lịch tham quan tạo thu nhập cho gia đình, mà còn là tài sản quý giá, rất độc đáo mang bản sắc riêng của đồng bào. Nghi lễ cúng hạ thủy thuyền độc mộc được ngành văn hóa huyện Lắk phục dựng để bảo tồn một nét đẹp văn hóa đặc sắc của đồng bào M’nông nơi đây.

Trương Nhất Vương


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.