Multimedia Đọc Báo in

Nặng lòng với thuyền độc mộc

08:49, 26/10/2022

Dẫn chúng tôi ra bến đò lòng hồ thủy điện Ya Ly ở làng Lung Leng (xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) trong mùa nước nổi, tay đua cự phách A Lưới đưa tay chỉ những chiếc thuyền độc mộc đang dập dềnh theo sóng nước nhấp nhô.

A Lưới miên man kể về dòng sông Sê San – khu vực hợp lưu giữa dòng Pô Kô và dòng Đắk Bla nơi anh cùng dân làng thường dùng thuyền độc mộc xuôi ngược...  

Thuyền là bạn

Trong câu chuyện với A Lưới, tôi biết rằng dòng sông Sê San khu vực gần nơi hợp lưu giữa sông Pô Kô – Đắk Bla tại làng Lung Leng ngày trước cá tôm nhiều vô kể. A Lưới cũng như dân làng Lung Leng thường ngược xuôi bằng thuyền độc mộc trên các dòng sông đánh bắt cá, chở lúa, ngô, sắn… canh tác ở hai bên bờ sông về làng. Các thế hệ người J’rai làng Lung Leng gắn bó với thuyền độc mộc ngay từ khi còn nhỏ, nên ai cũng là những tay chèo thuyền cự phách, và A Lưới cũng không ngoại lệ.

Không chỉ giỏi chinh phục những dòng sông lắm thác, nhiều ghềnh (kể cả trong mùa nước lũ) và là tay đua cự phách trong các lễ hội đua thuyền hằng năm, A Lưới còn tự hào mình là người dân làng Lung Leng – cái nôi di chỉ văn hóa Lung Leng nổi tiếng của người tiền sử. Không tự hào sao được, qua các di vật khai quật tại đây, PGS.TS. Nguyễn Khắc Sử từng khẳng định: Đây là vùng đất sớm có sự khai phá của con người và trong tiến trình phát triển văn hóa - là vùng đất đầy năng động, sáng tạo và giao lưu rộng mở.

Đua thuyền độc mộc trên dòng sông Đắk Bla.

Ở thời hiện tại, người dân làng Lung Leng giỏi thích ứng với cuộc sống hiện đại. Ngoài việc biết đánh bắt cá để cải thiện bữa ăn, biết thâm canh lúa, ngô, sắn, cà phê…, thanh niên và trung niên trong làng đều sử dụng thành thạo điện thoại thông minh. Song, dân làng cũng luôn có ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ở địa phương. Chính vì vậy, trong các lễ hội đua thuyền độc mộc hằng năm do tỉnh tổ chức, đội đua thuyền của làng Lung Leng do A Lưới cầm trịch lúc nào cũng đoạt giải cao. A Lưới là một trong những tay đua có hạng ở làng Lung Leng.

Nặng nợ với thuyền độc mộc, A Lưới xem thuyền độc mộc như người bạn. Chỉ vào mấy cái thuyền độc mộc đang để dưới gầm nhà sàn, anh phân bua: “Mùa này đang là mùa cạo mủ cao su, thu hoạch sắn, tôi phải đưa thuyền về nhà. Ngày nào bận việc không chèo thuyền độc mộc là ngày đó mình cảm thấy buồn, thấy nhớ thuyền, sông nước”.

“Cao thủ” đẽo thuyền và kỳ tích trên sông

 A Lưới cho biết, thuyền độc mộc của người J’rai ở làng Lung Leng lướt nhanh trên sông nước như thuyền máy là nhờ nghệ thuật đẽo thuyền. Gỗ đẽo thuyền được dân làng chọn những loại nhẹ như: sao, bằng lăng, bò ma… Trong các loại trên, gỗ sao làm thuyền độc mộc là tốt nhất vì chịu được mưa nắng; gỗ bò ma, bằng lăng muốn làm thuyền độc mộc thì phải ngâm nước cho thật lâu, thật kỹ… thì thuyền mới bền.

Kinh nghiệm đẽo thuyền của người làng Lung Leng là đầu trước thuyền độc mộc cao, nhỏ và mỏng hơn sau để khi chèo thuyền lướt nhanh và khó bị lật. Thuyền sau khi đẽo xong, dân làng đem xuống nước kiểm tra lại độ thăng bằng. Nếu thuyền nghiêng bên nào, thì gọt bớt bên đấy, đến khi nhìn thấy thuyền thăng bằng mới thôi. Thuyền đẽo không dày quá và không mỏng quá. Nếu để gỗ thuyền dày quá, thuyền nặng, lòng thuyền hẹp bất lợi; còn nếu mỏng quá, thuyền không đảm bảo độ bền. 

Theo lời A Lưới kể, ngày xưa khi gỗ trong rừng còn nhiều, chính quyền chưa cấm, dân làng thường vào rừng chọn những cây gỗ sao to để đẽo thuyền. Muốn đẽo một cái thuyền, già làng thường dẫn 15 - 20 người vào rừng chọn gỗ và xin “thần rừng” hạ cây. Cây sau khi được đốn hạ, dân làng đẽo sơ qua và dùng lăn, dây kéo gỗ về làng. Và phải mất 2 - 3 ngày sau, dân làng mới đẽo xong một cái thuyền độc mộc.

A Lưới (bên phải) đẽo thuyền độc mộc.

Ngày nay, rừng được bảo vệ nghiêm ngặt, dân làng không dám vào rừng chặt cây mà thường chọn cây bò ma, bằng lăng, sao… trên rẫy cũ còn giữ lại để đẽo thuyền. Việc đẽo thuyền ngày trước dân làng chủ yếu dùng rìu, bây giờ dùng cưa máy cưa theo hình dáng thuyền, sau đó dùng xe máy hoặc xe công nông vận chuyển gỗ về nhà đẽo lại bằng rìu nên không tốn nhiều công sức như trước.

 Những năm trước đây khi chưa có dịch COVID-19, hằng năm tỉnh Kon Tum thường tổ chức lễ hội đua thuyền độc mộc trên dòng sông Đắk Bla thơ mộng. Đội đua thuyền của làng Lung Leng từng giành 10 giải nhất.

Tự hào về đội đua thuyền của làng, người làng Lung Leng mong muốn trong dịp Xuân tới, UBND tỉnh Kon Tum tiếp tục tổ chức lễ hội đua thuyền độc mộc trên dòng sông Đắk Bla để góp phần giữ gìn một nét đẹp văn hóa truyền thống trên sông nước.     

Văn Nhiên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.