Để tiếng chiêng mãi ngân vang
Không gian văn hóa cồng chiêng là di sản vô giá, là niềm tự hào từ bao đời nay của đồng bào dân tộc Giarai ở huyện Ea H’leo.
Để tiếng cồng chiêng mãi ngân vang giữa đại ngàn, ngành chức năng cũng như người dân trong huyện luôn gìn giữ, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Truyền “lửa” đam mê
Mê chiêng, nhưng phải đến năm 16 tuổi Kpă Y Chua (SN 1980, ở buôn Treng, xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo) mới có cơ hội theo học chiêng. Thế nhưng những năm 1995 - 2000, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đã bán hết chiêng, trống, chum, ché... Lo sợ văn hóa cồng chiêng mai một, năm 1998, Y Chua đã đứng ra vận động, kêu gọi được khoảng hơn 10 người trong buôn thành lập đội chiêng. Y Chua kể, ban đầu, không ít người dân tỏ ra phản đối, thế nhưng dần dà họ nhận ra rằng cuộc sống không thể thiếu vắng tiếng chiêng. Và rồi mỗi khi buôn làng có lễ hội hay gia đình nào có chuyện vui buồn muốn thông báo cho cộng đồng biết cũng đều mời đội chiêng buôn Treng đến diễn tấu.
Hiện nay, đội chiêng buôn Treng có 30 thành viên, thường đại diện cho huyện Ea H’leo tham gia nhiều hội thi, liên hoan văn hóa cồng chiêng trong và ngoài tỉnh và đạt nhiều thành tích xuất sắc. Điển hình, tại Liên hoan văn hóa cồng chiêng Đắk Lắk năm 2020, đội đạt giải Nhất toàn tỉnh; tại Liên hoan văn hóa cồng chiêng Đắk Lắk năm 2022, đạt giải Nhì toàn tỉnh.
Đội chiêng buôn Treng (xã Ea H'leo) . |
Ở xã Ea Ral (huyện Ea H’leo) không ai là không biết Nghệ nhân Ưu tú Y Nay Ksơr (SN 1966, trú buôn Tùng Tăh). Ông được xem là “đại thụ” của nghệ thuật đánh chiêng Giarai. Không chỉ làm tốt vai trò dẫn dắt đội chiêng của buôn, ông Y Nay Ksơr còn thường xuyên truyền dạy cách đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ trong huyện. Với niềm đam mê vô hạn, bên cạnh việc sáng tác các bài mới, ông cũng luôn sưu tầm, ghi chép lại các bài chiêng cổ từ những thế hệ đi trước để trau dồi cho bản thân và truyền dạy lại cho thế hệ trẻ. Ngoài ra, ông biết chơi và tự chế tác nhiều loại nhạc cụ khác của dân tộc mình như đàn t’rưng, k’ni, krông pút, đinh t’linh, đinh đoong…
Nghệ nhân Ưu tú Y Nay Ksơr
|
Nghệ nhân Y Nay chia sẻ, cồng chiêng là loại nhạc cụ phổ biến nhất trong nền âm nhạc của dân tộc Giarai. Để tiếng cồng chiêng được trầm hùng, dồn dập, ấm áp hoặc du dương và vang xa thì khi diễn tấu phải có sự điều chỉnh độ mạnh nhẹ lực của tay. Điều chỉnh bằng tay và gối chân để ngắt âm, thả âm tạo điểm nhấn của điệu nhạc mới lôi cuốn người nghe, tạo sự đồng điệu, hợp âm giữa tiếng cồng, chiêng và trống qua từng bản nhạc truyền thống. Với ông, học chiêng không được vội vàng mà phải qua từng bài học nhỏ để cảm nhận âm thanh, sau đó mới đến kỹ thuật biểu diễn, kỹ thuật di chuyển phụ họa.
Nỗ lực bảo tồn
Ông Đoàn Long Hưng, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ea H’leo cho hay, địa phương hiện có 5 đội cồng chiêng Êđê và Giarai. Việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng luôn được chính quyền và ngành văn hóa - thông tin huyện chú trọng, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Hằng năm huyện tổ chức từ 3 - 5 lớp truyền dạy cồng chiêng cho thanh thiếu niên; nhiều lễ hội truyền thống được tổ chức tạo môi trường để phục dựng các tiết mục văn hóa cồng chiêng. Đồng thời, công tác tuyên truyền về bảo tồn, phát triển các nét đẹp văn hóa được đẩy mạnh; người dân đã dần hiểu những giá trị đích thực của văn hóa truyền thống và chủ động tham gia vào công tác giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng. Bằng chứng là lực lượng tham gia biểu diễn cồng chiêng ngày càng được trẻ hóa. Thanh thiếu nhi ở nhiều buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ được quan tâm truyền dạy cồng chiêng thường xuyên, tạo được phong trào thi đua sôi nổi.
Đội chiêng buôn Treng (xã Ea H'leo) chụp ảnh lưu niệm với du khách. |
Đặc biệt, thông qua Dự án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, từ năm 2021 đến nay, huyện Ea H’leo còn được Trung tâm Hợp tác quốc tế tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc) phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức một lớp truyền dạy đánh chiêng cho thế hệ trẻ ở xã Ea Sol; cấp một bộ chiêng và 17 bộ trang phục truyền thống tặng đội chiêng buôn Tùng Tăh (xã Ea Ral) và cấp trang phục truyền thống tặng đội chiêng buôn Treng.
Tuy nhiên theo ông Hưng, việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng trên địa bàn huyện cũng gặp không ít khó khăn. Đáng lo ngại hơn là sự thờ ơ của lớp trẻ về loại nhạc cụ truyền thống này, người biết chơi chiêng thì ngày càng già đi. Tìm người để duy trì và có thể tiếp nối mạch văn hóa cồng chiêng không phải điều dễ dàng.
Hành trình để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng còn gian nan. Chính vì thế, rất cần sự quan tâm sát sao, hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần nhiều hơn nữa từ các cấp, các ngành và sự tham gia đóng góp ý kiến của các chuyên gia văn hóa để loại hình nghệ thuật đặc sắc, tiêu biểu này được tỏa sáng và trường tồn.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc