Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"
Ngày 18/7, Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh tổ chức họp đánh giá kết quả triển khai thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2023.
Đồng chí H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" chủ trì cuộc họp.
Đồng chí H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" chủ trì cuộc họp. |
6 tháng đầu năm, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” (sau đây gọi là phong trào) trên địa bàn tỉnh tiếp tục được các cấp, ngành, địa phương quan tâm triển khai thực hiện. Năm 2022, toàn tỉnh có 391.086/454.752 hộ gia đình được công nhận "Gia đình văn hóa" (đạt 86%); 1.869/2.199 thôn, buôn, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa (đạt 85%); 1.377/1.497 cơ quan, đơn vị doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hóa (đạt 92%). Đến tháng 5/2023, có 1.345/1.457 cơ quan đơn vị đăng ký xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 454.430/479.537 gia đình đăng ký “Gia đình văn hóa”; 2.105/2.196 khu dân cư đăng ký đạt tiêu chuẩn văn hóa…
Ban Chỉ đạo phong trào các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên củng cố, kiện toàn thay thế kịp thời, xây dựng Quy chế hoạt động; xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch tổ chức các hoạt động của phong trào hiệu quả.
Lũy kế đến nay toàn tỉnh có 75 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Trong đó 71 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã đang thẩm định để trình UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022; 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thành phố Buôn Ma Thuột hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, các nội dung của phong trào đã được thực hiện hiệu quả, với hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với yêu cầu thực tiễn; lồng ghép thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua ở cộng đồng dân cư và các cuộc vận động, phong trào xã hội lớn: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn vệ sinh lao động” “Ngày vì người nghèo"; “Dạy tốt - Học tốt”…; gắn kết chặt chẽ văn hóa với các lĩnh vực của đời sống xã hội, phát huy vai trò của các yếu tố văn hóa và nhân tố con người trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng của sự phát triển kinh tế, xã hội và chuyên môn nghiệp vụ…
Lãnh đạo Sở LĐ - TBXH đóng góp ý kiến tại cuộc họp. |
Tuy nhiên, theo đánh giá tại cuộc họp, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa chỉ đạo quyết liệt hoạt động của phong trào; công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương có lúc, có nơi chưa đồng bộ; một số văn bản quy định của nhà nước trong lĩnh vực phong trào còn nhiều bất cập gây khó khăn cho cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện...
6 tháng cuối năm, Ban Chỉ đạo phong trào tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành tích cực phối hợp với chính quyền cùng cấp đẩy mạnh phong trào, nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh; chăm lo xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho người dân tốt hơn; phấn đấu 86% trở lên hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa; 85% trở lên thôn, buôn, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa; 92% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Ban Chỉ đạo phong trào yêu cầu các sở, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chỉ đạo Trung ương trong thực hiện phong trào gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua khác, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả; góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đặc biệt, các thành viên Ban Chỉ đạo tích cực tham gia vào Kế hoạch kiểm tra tình hình, kết quả thực hiện phong trào trên địa bàn tỉnh của Ban Chỉ đạo Trung ương; lựa chọn địa bàn cơ sở, đảm bảo đánh giá đúng thực tế triển khai, tồn tại và kiến nghị của địa phương về cơ chế, chính sách, hoàn thiện báo cáo chung phục vụ chu đáo cho đoàn kiểm tra.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc