Multimedia Đọc Báo in

Tượng nhà mồ là sáng tạo để thức tỉnh

08:20, 30/07/2023

Có lẽ khi các nghệ nhân (nghệ sĩ) tạc những bức tượng trai gái đang giao hoan, ân ái… hay phô bày thân thể ra để đặt trong những khu nhà mồ của người Tây Nguyên xưa và nay, họ chỉ đơn giản nghĩ rằng, đó là tâm tư, tình cảm của người sống dành cho người đã khuất theo thế giới quan cổ xưa của hầu hết các tộc người thiểu số ở đây.

Song, dưới góc nhìn/cảm thụ nghệ thuật thì đó là những tác phẩm điêu khắc vô cùng sinh động và tuyệt mỹ khi ta tiếp cận nó không phải bằng trực giác, mà bằng cái tâm trong trẻo, tươi mới, tư trưởng khai sáng và lý trí rành mạch.

Tôi đã có dịp gặp gỡ với nhiều nghệ nhân tạc tượng nhà mồ của người Êđê, Jarai, Bana, Sê đăng… và được họ chia sẻ, việc làm ấy là một thực hành văn hóa gắn với đời sống tâm linh, tín ngưỡng truyền thống, chứ không lấy đó làm địa hạt sáng tạo nghệ thuật để mưu sinh. Họ càng không biết rằng, tượng nhà mồ (cũng như tượng gỗ dân gian Tây Nguyên) nói chung đã đạt đến đỉnh cao của phong cách điêu khắc erotic (gợi dục), từng xuất hiện từ đầu thế kỷ 10 ở xứ Ấn được dẫn dắt, chi phối và cảm nhận trên tinh thần của đạo Hindu nguyên thủy. Trên bình diện tôn giáo và nghệ thuật, đạo này cho rằng những hành vi trai gái đang giao hoan, ân ái… hay phô bày thân thể của mình trên các công trình kiến trúc (nhà thờ, đền tháp, lăng tẩm) đều có giá trị đồng nhất với sáng tạo và đó cũng là vẻ đẹp/chân lý nên không cần che đậy.

Tượng gỗ Tây Nguyên. Ảnh: Hữu Hùng

Chẳng thế mà văn hóa xứ Ấn khi được du nhập, giao thoa với các nền văn hóa khác trong vực như: Trung Hoa, Nepal, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Việt Nam… đều để lại dấu ấn sâu đậm, rất dễ nhận biết qua những công trình kiến trúc và nghệ thuật tiêu biểu. Theo tôi biết, những “hành vi gợi dục” trên, đâu chỉ hiển hiện sinh động qua những động tác của thần Silva trong ngôi đền Mahendrra Malla ở quảng trường Durba - Ấn Độ, hay tu viện Gyantse của cố đô Tây Tạng… mà còn được phô bày khắp xứ chùa tháp Thái Lan, hay trong những cung điện nguy nga, tráng lệ của đất nước Nepal, Myanmar, Campuchia và ở nhiều khu đền tháp của người Chăm ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam thông qua những hình thể không che đậy của nữ thần Sarkit, thánh nữ Hindu với vũ điệu Apsara kiều diễm và huyền bí. Có thể nói, phong cách/hình tượng điêu khắc erotic này không chỉ đẹp mà luôn ẩn giấu những giá trị thức tỉnh của bản thể trước vũ trụ không ngừng chu chuyển.

Từ tượng nhà mồ đã phát triển thành tượng gỗ dân gian Tây Nguyên để trang trí và quảng bá.

Từ dẫn dụ của phong cách điêu khắc erotic nói trên, tôi dần kiến giải được những thông điệp của người Tây Nguyên được “mã hóa” trong những bức tượng nhà mồ kia, đặc biệt là tượng (gợi dục) được người sống mang đến cho người đã khuất như một lời thức tỉnh hơn là một lễ vật dâng tặng - rằng sự sống vẫn tiếp diễn như thường: có vui buồn, hạnh phúc, khát vọng và hoan lạc… dù ở bất kỳ ở đâu, nơi trần thế hay thế giới bên kia. 

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.