Multimedia Đọc Báo in

Âm vọng từ đàn đá Ndut Liêng Krak

09:03, 05/09/2023

Nước chảy đi một dòng không trở lại, cổ mộc trăm năm, kể cả ngàn năm rồi cũng ngã xuống, hoai mục. Chỉ có đá là bền vững. Bền vững bởi theo các nhà địa chất, chu kỳ thạch học hay vòng tuần hoàn của đá lên đến cả tỷ năm, vài tỷ năm.

Nhưng đá không chỉ bền vững với thời gian. Đá còn mang theo âm vọng cổ sử. Là những âm thanh mà con người tạo tác từ đá, gửi gắm vào đá. Ấy là tôi muốn nhắc đến những chiếc thạch cầm mà người Tây Nguyên là chủ nhân. Bộ thạch cầm (đàn đá) đầu tiên ở Tây Nguyên do nhà dân tộc học Georges Condominas phát hiện tại buôn Ndut Liêng Krak thuộc huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk ngày nay.

 Đàn đá. Ảnh: Internet
Đàn đá là nhạc cụ quen thuộc của người Tây Nguyên. Ảnh: Internet

Chuyện kể rằng, vào tháng 2/1949, những người dân bản địa mở đường đã nhặt được những thanh đá kỳ lạ, gõ lên nghe tiếng kêu mê hoặc. Tất cả có 11 thanh đá có trọng lượng, kích cỡ khác nhau; thanh dài nhất 101,7 cm, nặng 11,21 kg, thanh ngắn nhất 65,5 cm, nặng 5,82 kg. Nghe tin, G.Codominas đến tận nơi và xin phép họ gom lại, gửi về Bảo tàng Con người (Musée de L’Homme) ở Paris (Pháp). Ông cũng như những người dân M’nông ngày ấy không thể ngờ rằng họ đã khai quật được một trong những nhạc cụ cổ xưa nhất của loài người: đàn đá, với tuổi đời xấp xỉ 3.000 năm!

Bộ đàn đá Ndut Liêng Krak đã làm rúng động giới nghiên cứu dân tộc học, khảo cổ học, âm nhạc học bởi khó ai hình dung nổi cách đây vài ngàn năm, những chủ nhân của nó lại có thể đẽo gọt loại vật liệu “cứng đầu” như đá, đẽo gọt để tạo ra những âm thanh còn tồn tại cho đến vài ngàn năm sau. Để so sánh, cây đàn gõ làm từ gỗ ở châu Âu (còn gọi là mộc cầm) có tên xilophon chỉ mới có từ thế kỷ 14, nghĩa là có sau đàn đá đến 2.500 năm.

Gần ba phần tư thế kỷ kể từ khi phát hiện, đàn đá Ndut Liêng Krak vẫn tiếp tục làm say mê những nhà nghiên cứu. Đứng ở góc độ nào, người ta cũng thống nhất rằng, đàn đá Ndut Liêng Krak là loại nhạc cụ tối cổ, nhạc cụ của người tiền sử, xếp vào hàng cổ xưa nhất thế giới. Với âm giai đẹp, loại ngũ cung có bán âm đặc trưng cho Tây Nguyên đã khiến nhiều nhà nghiên cứu không tiếc lời ca ngợi. GS. âm nhạc người Pháp A.Schaeffner viết một công trình hoàn chỉnh về đàn đá Ndut Liêng Krak với tên gọi “Một sự khám phá khảo cổ quan trọng”, trong đó có đoạn viết: “Bộ đàn đá này có những âm thanh được tính toán với độ chính xác kỳ lạ làm ta phải ngạc nhiên. Tính nhạy cảm của các phiến đá rất cao, chỉ cần chạm nhẹ ngón tay vào cũng làm chúng rung động. Âm sắc tuyệt đẹp gợi lên tiếng vang tinh tế”. Nhà nghiên cứu âm nhạc học người Hà Lan Jaap Kunst cho rằng, không có nhạc cụ nào đặc biệt như đàn đá Ndut Liêng Krak. Và một nhà nghiên cứu âm nhạc Liên Xô trước đây, trong bài viết có tên “Nhạc khí bằng đá tối cổ Việt Nam” đã đánh giá: “Đàn đá này không giống với bất cứ nhạc khí bằng đá nào mà khoa phân tích khảo cổ học đã biết… Ngành nghiên cứu nhạc khí đã có được một tài liệu quý giá cho phép vươn tới một thời đại mà cho đến nay các nhà âm nhạc chưa hề nghiên cứu tới”.

Từ đó đến nay, sau đàn đá Ndut Liêng Krak, người ta phát hiện thêm nhiều bộ đàn đá ở Tây Nguyên và một vài nơi khác. Có tất cả hơn 20 bộ gồm hơn 200 thanh đá do con người tạo tác. Bộ đàn đá lớn nhất được phát hiện ở tỉnh Lâm Đồng cách đây 20 năm, vào năm 2003.

Đàn đá Ndut Liêng Krak được phát hiện đầu tiên nhưng không có nghĩa Việt Nam là quốc gia duy nhất sở hữu nhạc cụ bằng đá. Thật ra, trong chuyên ngành khảo cổ và âm nhạc học, các nhà nghiên cứu đã có thuật ngữ “Lithophone” để chỉ những vật bằng đá do con người ghè đẽo để có thể phát ra âm thanh mong muốn. Đây là từ ghép giữa “litho” (đá) và “phone” (âm thanh) trong tiếng Hy Lạp. Nhắc đến đây, chúng ta có thể thấy, dù ở ngôn ngữ nào thì mọi sự vật đều gặp nhau ở chỗ định danh. Người M’nông không biết “Lithophone” nhưng họ cũng có cách gọi tương tự về đàn đá Ndut Liêng Krak, đó là “goong lú”, nghĩa là “đá có âm thanh như tiếng cồng”, “cồng đá”. Và giá trị lớn nhất của đàn đá Ndut Liêng Krak ở chỗ, nó là nhạc cụ đá hoàn chỉnh đầu tiên được phát hiện, mở ra cánh cửa rộng lớn để các nhà nghiên cứu tiếp tục đào bới cổ sử, hình dung diện mạo của con người vài ba ngàn năm trước.

GS.TS. âm nhạc Trần Văn Khê từng ca ngợi đàn đá hết lời, ông cho rằng âm thanh đàn đá “biểu hiện tâm tư hệt như con người”. Và, ông cũng cho rằng, cùng với trống đồng Đông Sơn, đàn đá Ndut Liêng Krak là hai bảo vật văn hóa của Việt Nam nằm ở “đẳng cấp” thế giới.

Những năm gần đây, việc nghiên cứu, giới thiệu hệ thống đàn đá Việt Nam dường như có dấu hiệu chững lại. Ngoại trừ các nhà nghiên cứu chuyên môn, việc giới thiệu để du khách tìm hiểu, thưởng lãm chẳng hạn, chỉ ở mức bảo tàng cấp tỉnh.

Tôi cho rằng, vốn cổ quý giá đến bao nhiêu cũng không thể được đánh giá, trân trọng đúng mức nếu thiếu đi sự quảng bá đến người xem, người nghe. Không phải “nước chảy đá mòn” mà chính sự thờ ơ cũng có thể làm “mòn” đi ngọc quý. Vì lẽ đó, bằng cách nào đó, hãy để âm vọng của đàn đá Tây Nguyên vang xa, đừng để những âm vọng hoang sơ, mê đắm từ miền cổ sử trở thành âm hưởng buồn bã trong căn phòng đầy ắp ánh sáng nhưng thiếu vắng hơi người ở các bảo tàng và nơi lưu giữ.

Phạm Xuân Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.