Đan áo mới cho nhà rông
Nhà rông là tinh hoa nghệ thuật kiến trúc và tạo hình của các dân tộc Bắc Tây Nguyên như J’rai, Bhanar, Xê đăng, Giẻ - Triêng.
Đồng bào khai thác những vật liệu có sẵn trong rừng như gỗ, tranh, tre, nứa, lá, song mây... để tạo nên một ngôi nhà có dáng vóc uy nghi, hoành tráng, mái nhà có hình lưỡi búa vút cao như tạc vào trời xanh.
Một ngôi nhà rông “đúng chất” thường biểu hiện qua phần mái. Mái nhà rông chẳng những có hình dáng đẹp mà còn là nơi để nghệ nhân gửi vào đó những nét tài hoa của nghệ thuật trang trí hoa văn, chạm trổ, tạo hình trên đỉnh nóc. Phải là những nghệ nhân đan lát tài hoa nhất của làng được huy động để cùng nhau tạo tác chiếc áo mới thật xinh xắn, hoàn hảo cho nhà rông.
Tấm áo che một phần trên và hai bên mái nhà rông của dân tộc Giẻ - Triêng, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum. |
Tiêu chuẩn để công nhận một ngôi nhà rông đẹp thì phải luôn có “chiếc áo” mới. Nhà vừa lợp xong, đồng bào đan một tấm thảm hoàn toàn bằng mây, tre, nứa với kích thước lớn vừa bằng mái trước và mái sau nhà rông. Khi hoàn tất, mọi người tập trung, cùng hợp lực kéo tấm thảm này lên cao, khoác lên hai bên mái một chiếc áo còn tươi tắn màu nan.
Có thể nói đây là chiếc áo to nhất, đẹp nhất do các nghệ nhân đan lát giỏi nhất tạo ra để mừng nhà rông mới của buôn làng. Mái trước được trang trí hoa văn hình học với các các cụm hình vuông liên hoàn và đối xứng với nhau, có cảm giác như mái nhà thêm rộng rãi.
Trên đỉnh mái nhà là những mảng trang trí tinh tế gồm những hình thoi liên tiếp nối nhau mang biểu tượng của núi đồi chập chùng, mênh mang. Nhiều nơi đồng bào đan tấm nan kích thước nhỏ để khi trùm lên, bao phủ một phần của mái, thường là từ nóc xuống khoảng 1/2 -1/3 mái và những tấm nan nhỏ che đỡ xung quanh bờ mép của mái nhà.
Bằng cách làm này, đồng bào tiết kiệm được một phần thời gian, công sức và nguyên vật liệu để sáng tạo nên một tấm áo. Tấm áo vừa kín, vừa hở này vừa có công năng gia cố, giữ cho lâu bền, chắc chắn, tránh bị hư hỏng, đứt tuột tấm lợp trên mái vừa trang trí hợp lý ở những bộ phận, điểm nhấn cần thiết. Từ đó tạo ra nhiều mảng trang trí, có sự cân đối, hài hòa và nhịp điệu trên mái của nhà rông.
Tấm áo phủ kín bảo vệ mái nhà rông của dân tộc Bhanar, tỉnh Kon Tum. |
Ngày xưa, do nguồn vật liệu như tre, nứa, song mây... trong thiên nhiên còn dồi dào và có nhiều nghệ nhân giỏi nghề đan lát, am hiểu nghệ thuật trang trí nên các nhà rông của đồng bào luôn có tấm áo hoàn chỉnh.
Trong các bộ ảnh tư liệu của Marcel Ner chụp vào đầu thế kỷ 20 ở Kon Tum hay Jean - Marie Duchange chụp vào năm 1955 ở Kon Tum xuất hiện nhiều kiểu nhà rông cổ rất ấn tượng. Đặc biệt, trong bộ ảnh “Tây Nguyên - vùng đất huyền ảo” của Jean - Marie Duchange có một số ảnh nhà rông có kiến trúc độc đáo với cửa ra vào hình ôvan dựng theo chiều đứng. Toàn bộ mái trước trang trí hoa văn rất bắt mắt.
Hay những bức ảnh tư liệu về nhà rông của người Bahnar-Rơngao do cha xứ Daniel Léger ghi lại trong quá trình làm việc tại giáo phận Kon Tum trong những năm thập niên 1960 cho thấy nhà rông còn thêm chức năng mới là “nhà nguyện” thực hành các nghi lễ tôn giáo. Cửa ra vào và trên mái nhà rông thường bố trí cây thánh giá bằng gỗ hoặc thể hiện bằng hoa văn đan lát.
Trên mái nhà rông ẩn hiện các bức tranh sinh động với mô-típ quen thuộc như hình sóng nước, hình thoi, hình tam giác, hình vuông, hình tam giác, hình chong chóng, nổi bật nhất là hình hoa văn ngôi sao tám cánh mang đặc trưng phong cách Tây Nguyên. Những tấm đan bằng tre, nứa trên mái rông là một tác phẩm nghệ thuật được cắt tỉa, trau chuốt rất công phu.
Hiện nay, chủ nhân của di sản kiến trúc đặc sắc này khó có thể tạo tác được những ngôi nhà rông có bộ mái hoàn hảo như trước kia nữa. Những ngôi nhà rông tìm thấy trong ảnh tư liệu ở bảo tàng là hình mẫu để nghiên cứu, tái hiện đường nét kiến trúc, trang trí mang đậm chất Tây Nguyên. Mới đây, đồng bào Bhanar ở làng Kon Ktu, tỉnh Kon Tum phục dựng ngôi nhà rông cổ với tấm “áo khoác” có kích thước khá lớn. Nhờ sự đầu tư công sức và phát huy sức sáng tạo của lớp nghệ nhân đương thời trong buôn làng nên bà con nơi đây đã tái hiện, phục dựng nhà rông mang nét dáng cổ xưa, từng “một thời vang bóng”.
Tấn Vịnh
Ý kiến bạn đọc