Dòng chảy sử thi trên Núi Hoa
Cư M’gar nghĩa là Núi Hoa và cộng đồng người Êđê ở đây gọi cái tên ấy bằng tất cả niềm kiêu hãnh, tin yêu của mình.
Tôi đã đi qua nhiều vùng đất kỳ thú ở Tây Nguyên, nhưng chưa nơi nào để lại cảm giác miên man và mơ tưởng như ở đây. Cư M’gar là vùng đất của ngọn núi lửa đã tắt hàng triệu năm - và cũng nhờ biến động địa chất ấy mà nó trở thành vùng đất trù phú, tươi tốt vào loại bậc nhất trên cao nguyên Đắk Lắk. Nơi này từng được mô tả “chỉ cần cắm xuống một nhành cây là có được một cánh rừng”!
Quả đúng như thế, ví như tên gọi Cư Dliê M’nông (một đơn vị hành chính cấp xã bây giờ của huyện Cư M’gar) được người dân bản xứ cắt nghĩa là “rừng nối rừng trùng điệp” - vì thế trong không gian ấy, “phổ văn hóa rừng” đã hình thành và chi phối sâu sắc, thấm đẫm trong đời sống của cộng đồng người Êđê tại chỗ. Tôi đã từng đến đây nhiều lần, cùng với anh Y Toàn Ayun - cán bộ văn hóa xã Ea Tul, A Mang - Phó Trưởng Phòng VH-TT huyện và nghệ nhân Y Kút Niê lang thang khắp các buôn xa, làng gần và nhận ra đời sống tinh thần của người Êđê bản xứ vẫn còn bàng bạc phổ văn hóa trên, vẫn còn hiện hữu trong từng nếp nhà. Họ nói rằng, đến nay đời sống của người dân đã thay đổi rất nhiều, nhất là về mặt cấu trúc kinh tế, xã hội nói chung đang dần phát triển theo hướng văn minh, hiện đại hơn khiến tính đơn lẻ của cộng đồng bị phá vỡ, các tập quán truyền thống cũng ít nhiều mai một, thay vào đó là các giá trị mới được hình thành như một xu thế tất yếu. Nhưng có một điều may mắn là các giá trị mới ấy chưa làm suy yếu đi phần căn bản nhất đã thấm vào máu thịt của mỗi thành viên trong các cộng đồng người Êđê bản xứ. Đời sống sinh hoạt văn hóa của họ trong bối cảnh mới vẫn được duy trì khá thường xuyên như một nhu cầu tự thân không thể thiếu trong mỗi buôn làng. Từ thực hành nghi lễ, phong tục, tín ngưỡng, tâm linh đến hoạt động diễn xướng dân ca, dân vũ, nhạc cụ tre nứa, cồng chiêng… và đặc biệt là hát kể khan (sử thi) luôn diễn ra dưới nhiều hình thức - hoặc là vào dịp mùa vụ nông nghiệp/vòng đời, hoặc là chính quyền địa phương cùng người dân tổ chức định kỳ.
Trình diễn hát kể sử thi tại xã Ea Tul. |
Với nghệ thuật hát kể khan, vùng đất Núi Hoa là một trong những nơi còn lưu giữ, bảo tồn vốn di sản văn hóa độc đáo và tiêu biểu này nhiều nhất. Nghệ nhân Y Kút Niê chia sẻ với tôi một điều chắc chắn rằng, không có nơi nào có nhiều khan bằng vùng đất Núi Hoa. Ông dẫn giải, cứ thử hình dung xem, ngày xưa, khi con người sống gắn bó mật thiết với đại ngàn, lúc ấy không gian giao lưu, đi lại còn rất khó khăn, vì thế giữa núi rừng thâm u và trùng điệp, người ta thường tụ họp với nhau trong một ngôi nhà dài nào đó trong buôn làng. Và bên bếp lửa hồng cùng men say rượu cần dẫn dụ để mọi người - từ già đến trẻ, đàn ông lẫn đàn bà cùng nhau trò chuyện, mơ tưởng về một thế giới đầy màu sắc thần thoại và kỳ vĩ nhằm thỏa mãn đời sống tinh thần và khát vọng của mình. Từ đó, những đêm dài nối nhau, những câu chuyện rời rạc được ghép lại và các sử thi ra đời như thế… Trong câu chuyện với Y Kút, tôi chợt nhớ từ những năm 20 của thế kỷ trước, viên công sứ người Pháp Sabatiêr đã đến đây, và thay vì trông coi công việc hành chánh, ông đã ngẩn ngơ trước vẻ đẹp kỳ ảo của con người, cảnh trí ở đây, để rồi sau đó ông bỏ rất nhiều thời gian, công sức ngồi nghe mọi người kể những câu chuyện tưởng chừng như rời rạc và miên man kia nhằm tìm hiểu, ghi chép lại thành sử thi mang tên Đam San ngay trên vùng đất này.
Hát kể sử thi ở Cư M’gar nói chung được nhiều thành viên trong các buôn làng gìn giữ và thực hành. Vì thế trong những ngày đầu tháng 8 vừa qua, ngành văn hóa Đắk Lắk đã chọn xã Ea Tul để tổ chức ghi âm, ghi hình diễn xướng di sản này nhằm gìn giữ, bảo tồn và truyền dạy cho lớp trẻ hiện nay”. Anh Y Mang, Phó Trưởng Phòng VH-TT huyện Cư M’gar
|
Theo thống kê của ngành văn hóa huyện Cư M’gar, đến nay có ít nhất 7 pho sử thi được phát hiện, ghi âm và phổ biến trong cộng đồng người Êđê ở Đắk Lắk. Trong đó có 3 sử thi (tiêu biểu nhất là sử thi Đam San) được biên dịch và xuất bản vào cuối năm 2010 trong khuôn khổ dự án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thực hiện từ năm 2007 – 2010. Anh A Mang cũng như hầu hết những người nghiên cứu văn hóa ở đây đều thừa nhận trong số 75 sử thi của cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên được biên dịch, xuất bản theo dự án trên thì sử thi Đam San được có sức lan tỏa hơn cả. Trong cộng đồng người Êđê ở Đắk Lắk nói chung và Cư M’gar nói riêng có nhiều thế hệ biết hát kể sử thi này - và họ xem đó là biểu tượng văn hóa đáng tự hào trong kho tàng văn hóa dân gian của dân tộc mình. Tại nhiều buôn làng ở huyện Cư M’gar, có rất nhiều người thuộc nhiều thế hệ hát kể sử thi Đam San như thực hành văn hóa để bảo ban, răn dạy con cháu sống và hướng đến những giá trị cao đẹp thông qua hình tượng chàng dũng sĩ Đam San - đó là tinh thần hào hiệp, phóng khoáng và nghĩa khí; không lùi bước trước mọi thế lực đen tối để đấu tranh, giành lấy sự bình yên, hạnh phúc cho cộng đồng.
Điểm qua có các nghệ nhân hát kể khan nức tiếng ở xã Ea Tul như cụ Y Yêm H’wing, Y Bloh H’wing, Y Wang H’wing, bà H’Bung Mlô… kế cận là anh Y Kút Niê, Y Dhin Niê (buôn T’ria), Y Rang Kla (buôn Sah) và chị H’Ru Hwing (buôn Phơng) để thấy rằng, địa phương này được xem là “chiếc nôi” sản sinh và lưu giữ vốn văn hóa dân gian của tộc người Êđê tại chỗ, trong đó tiêu biểu nhất là hát kể khan. Đã nhiều lần tôi nghe họ hát kể khan và tôi nghĩ loại hình văn hóa - văn nghệ dân gian này đối với cộng đồng người Êđê trên vùng đất Núi Hoa ấy là một cách đồng hiện giữa quá khứ với hiện tại không đứt gãy để tiếp tục khơi nguồn cho vốn văn hóa sâu dày của họ chảy mãi…
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc