Multimedia Đọc Báo in

Giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản

11:23, 14/09/2023

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (21/9/1973 - 21/9/2023), ngày 14/9, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh tổ chức Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Đắk Lắk năm 2023.

Tham dự chương trình có lãnh đạo, đại diện một số sở, ban, ngành; người Nhật Bản học tập và làm việc tại Đắk Lắk cùng đông đảo sinh viên trên địa bàn tỉnh...

Các đại biểu tham dự chương trình giao lưu.

Việt Nam và Nhật Bản là hai nước có nền văn hóa với nhiều điểm tương đồng. Quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác giữa hai nước trong 5 thập kỉ qua đã và đang phát triển ngày càng tốt đẹp, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước, góp phần tích cực vào mục tiêu hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển. Tháng 3/2014, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên một tầm cao mới, từ Đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản thành Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á. 

Lãnh đạo Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản tỉnh tặng hoa cho các khách mời là người Nhật Bản đang làm việc tại Đắk Lắk.

Nhật Bản luôn là đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là quốc gia viện trợ ODA hàng đầu của Việt Nam với trên 2.700 tỷ Yên vốn vay, gần 100 tỷ Yên viện trợ không hoàn lại và 180 tỷ Yên hỗ trợ cho hợp tác kỹ thuật, hỗ trợ chuyển giao công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam…; góp phần quan trọng trong việc phát triển các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững. 

Nhật Bản còn là đối tác thứ 2 trong lĩnh vực lao động, đối tác thứ 3 về đầu tư và du lịch, đối tác thứ 4 về thương mại với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản đạt gần 25 tỷ USD, nhập khẩu đạt gần 24 tỷ USD.

Tiết mục giao lưu Đàn Shamisen của nghệ sĩ Nhật Bản.

Nhật Bản có hơn 5.000 dự án đầu tư tại Việt Nam còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư gần 70 tỷ USD, đứng thứ 3/141 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam có 104 dự án đầu tư sang Nhật Bản với vốn đầu tư đăng ký đạt 19,2 triệu USD.

Quan hệ giữa các địa phương của hai nước cũng là điểm sáng với hơn 70 cặp địa phương có thoả thuận hợp tác, tổng số người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản khoảng 500.000 người, trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 2 tại Nhật Bản. Các hoạt động đoàn kết, hữu nghị, giao lưu giữa nhân dân hai nước ngày càng được tăng cường và phát triển.

Tiết mục múa hát giao lưu "Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột" do các ca sĩ, nghệ sĩ Đắk Lắk biểu diễn tại chương trình.

Tại Đắk Lắk, hiện có 2 dự án FDI do các nhà đầu tư Nhật Bản thực hiện. Trong thời gian qua, cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã tài trợ cho tỉnh Đắk Lắk thực hiện 21 chương trình, dự án ODA thuộc các Chương trình tín dụng chuyên ngành JICA SPL với tổng mức đầu tư khoảng 24,2 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực điện, đường, cấp nước và thủy lợi. Tỉnh Đắk Lắk đã tiếp nhận 22 khoản viện trợ phi chính phủ từ 3 nhà tài trợ Nhật Bản với tổng giá trị hơn 1,6 triệu USD. 

Các bạn sinh viên tham gia phần trả lời câu hỏi, tìm hiểu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản.

Thời gian qua, Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản tỉnh đã có nhiều hoạt động, tiếp xúc với nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp Nhật Bản; Trường Đại học Nhật Bản đến Đắk Lắk tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư. Hàng trăm học sinh, sinh viên, thanh niên đang theo học tiếng Nhật và nhiều bạn đã sang đất nước Nhật Bản tiếp tục du học, làm việc. Hàng năm, Hội cũng tổ chức các chương trình gặp mặt, thăm, làm việc với các chuyên gia, thực tập sinh Nhật Bản đến với tỉnh Đắk Lắk; tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước...

Các đại biểu, khách mời tìm hiểu về ẩm thực Nhật Bản.

Tại Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Đắk Lắk năm 2023 đã diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc như: giao lưu văn hóa, văn nghệ với các tiết mục múa hát và diễn tấu nhạc cụ của Việt Nam, Nhật Bản do nghệ sĩ hai nước tham gia biểu diễn; tìm hiểu phong tục, tập quán, văn hóa truyền thống hai nước Việt Nam và Nhật Bản. 

Trong khuôn khổ chương trình, các doanh nghiệp thuộc Hội Nữ doanh nhân TP. Buôn Ma Thuột tổ chức trưng bày các sản phẩm OCOP; thưởng thức ẩm thực Nhật Bản; giới thiệu tiềm năng du lịch Đắk Lắk…

Chương trình là hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan, đơn vị, ban, ngành liên quan và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong tỉnh tham gia vào hoạt động đối ngoại nhân dân của tỉnh Đắk Lắk.

Thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản nhằm tăng cường quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân hai nước; tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa các dân tộc và tiềm năng, triển vọng phát triển, góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế của tỉnh ngày càng sâu rộng và bền vững; nâng cao hiểu biết về văn hóa Nhật Bản và văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa các dân tộc Tây Nguyên nói riêng, gợi mở khả năng hợp tác văn hóa Nhật Bản với tỉnh Đắk Lắk.

Mai Sao - Lana


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.