Tiếp nối mạch nguồn văn hóa truyền thống
Những lớp truyền dạy văn hóa truyền thống, văn hóa dân gian được thực hiện và duy trì thường xuyên đã góp phần gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa đặc trưng của các dân tộc.
Sức hút từ những lớp truyền dạy
Trong dịp hè vừa qua, các lớp truyền dạy văn hóa truyền thống được các địa phương, ngành văn hóa mở theo nhu cầu thực tế của xã hội và của chính những người dân.
Các học viên lớp học múa xoang do Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Buôn Ma Thuột mở nhân dịp hè 2023 biểu diễn tại lễ bế giảng. |
Hiện nay, một số buôn trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột được định hướng, xây dựng để trở thành buôn du lịch cộng đồng. Vì vậy, việc mở lớp truyền dạy các nội dung gắn với truyền thống văn hóa của các dân tộc nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo người dân. Bà Phạm Thị Hải Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Buôn Ma Thuột cho hay, trong dịp hè, Trung tâm đã mở liên tiếp 5 lớp truyền dạy đánh chiêng, múa xoang, đàn tính – hát then, thu hút gần150 thanh thiếu nhi thuộc các thôn, buôn tham gia.
Hầu hết các học viên rất hào hứng tham gia học. Em H’Lyna Byă (buôn Cư Dluê, xã Hòa Xuân), học viên lớp chiêng bày tỏ: “Cứ đều đặn vào các tối thứ ba và thứ năm trong tuần, em và hơn 20 bạn lại tập trung đến nhà cộng đồng buôn để học đánh chiêng. Cho dù ban đầu học khá khó khăn nhưng khi hiểu thì lại rất yêu thích”. Còn em H’Lệ Tiên Êya (buôn Êrang, phường Khánh Xuân), học viên lớp múa xoang hầu như không bỏ lỡ một buổi học nào. Đối với em, đó không đơn giản là niềm đam mê, mà chính là sự tiếp nối văn hóa truyền thống.
Nghệ nhân ưu tú Y Jam Êban (bìa trái) truyền dạy cho các học viên tại Lớp truyền dạy diễn xướng, hát kể sử thi, truyền dạy lời nói vần của người Êđê tại xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar. |
Trong khoảng thời gian này, nhiều đơn vị khác cũng tổ chức các lớp truyền dạy như Trung tâm Truyền thông - Văn hóa - Thể thao thị xã Buôn Hồ phối hợp với UBND xã Ea Drông (thị xã Buôn Hồ) tổ chức lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho thanh niên dân tộc thiểu số; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch mở lớp truyền dạy diễn xướng, hát kể sử thi, truyền dạy lời nói vần của người Êđê tại một số xã của huyện Cư M’gar; lớp truyền dạy kỹ năng đánh chiêng aráp và dân vũ của dân tộc Giarai tại xã Ea Sol (huyện Ea H’leo)...
Theo ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các lớp truyền dạy này không chỉ gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc, mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Sau khi mỗi lớp học kết thúc, các thôn, buôn thường sẽ thành lập đội văn nghệ, đội chiêng và dành thời gian tập luyện, tham gia các hoạt động tuyên truyền, biểu diễn văn hóa văn nghệ tại địa phương, đồng thời biểu diễn phục vụ du khách để tăng thu nhập...
Sợi dây gắn kết
Trong các buổi bế giảng kết thúc lớp học, học viên rất háo hức thể hiện những kiến thức đã được học qua các bài biểu diễn thực tế. Mỗi học viên chuẩn bị kỹ phần trình diễn từ trang phục đến cách biểu diễn… Điều đó cho thấy, lớp trẻ trân trọng các giá trị truyền thống, các kiến thức đã được học; biết ơn người truyền dạy; từ đó tạo sợi dây gắn kết giữa học viên, nghệ nhân, người truyền dạy, chính quyền địa phương; gắn kết giữa các thế hệ và lan tỏa rộng khắp.
Học viên H’Tuyết Niê (bên phải), xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar cùng bạn học luyện tập diễn xướng lời nói vần. |
Cô giáo mầm non H’Tuyết Niê (xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar) tranh thủ những ngày hè, thời gian nhàn rỗi buổi tối để tham gia lớp diễn xướng, truyền dạy kỹ năng cơ bản về lời nói vần của người Êđê do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức vừa qua. H’Tuyết cho biết, học lời nói vần khá là khó, khi thể hiện cần phải hiểu, diễn xướng đúng giọng điệu, phù hợp, nếu không sẽ không thể hiện được tinh thần của nội dung đó. Nhờ tham gia lớp truyền dạy mà H’Tuyết đã tiếp cận với lời nói vần. Chỉ trong thời gian gần 2 tháng cô đã biết diễn xướng lời nói vần thông qua các làn điệu. Là một giáo viên mầm non, H’Tuyết mong rằng sẽ học được nhiều hơn nữa, từ đó có thể lan tỏa và nhân lên tình yêu văn hóa truyền thống đến các học sinh của mình.
Em Y Kha Niê (buôn Alê A, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) tham gia lớp chiêng dịp hè tâm tình: “Em được biết đến chiêng đã lâu, nhưng đây là lần đầu theo học. Những ngày đầu, em và các bạn đã được nghệ nhân chỉ dạy về vai trò của cồng chiêng đối với đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, giới thiệu những bộ chiêng mà người Êđê đang sử dụng, cách gìn giữ, bảo quản bộ chiêng trong gia đình. Nhờ đó mà em có thêm động lực để tiếp tục theo học”. Sau những ngày học tập siêng năng, Y Kha cùng học viên cùng lớp đã có thể đánh thành thạo một số bài chiêng cũng như dần hoàn thiện các kỹ năng như nghe, cảm thụ chiêng...
Theo cô Lương Thị Phiên, người truyền dạy hát then - đàn tính tại TP. Buôn Ma Thuột thì cùng với việc dạy đánh đàn tính, hát các làn điệu then truyền thống, cô cũng thường xuyên chia sẻ, truyền dạy cho thanh thiếu nhi những nét đẹp văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Qua đó, giúp các em thêm hiểu, thêm yêu văn hóa quê hương, góp phần giới thiệu, quảng bá sâu rộng văn hóa dân tộc đến với bạn bè bốn phương.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc