Tiếp nối mạch nguồn di sản văn hóa phi vật thể
Tổ chức truyền dạy, thực hành về di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đang được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp triển khai tại địa phương có di sản là một trong những hoạt động thiết thực, hiệu quả nhằm bảo tồn và phát huy giá trị những di sản này.
Nối dài dòng chảy sử thi
Lớp diễn xướng, truyền dạy sử thi của người Êđê tại xã Ea Tul (huyện Cư M’gar) thu hút 20 học viên thuộc nhiều lứa tuổi tham gia.
Trong thời gian 2 tháng, học viên có cơ hội lĩnh hội kiến thức, thực hành nghệ thuật diễn xướng hát kể sử thi của người Êđê. Đặc biệt, nhiều học viên có những cảm nhận sâu sắc, tinh tế về ý nghĩa của từng bài sử thi.
Chăm chỉ đến lớp, chị H’Yuêl Mlô (buôn Pơ) chia sẻ: “Ngoài biết cách diễn xướng, biết kể Khan, tôi còn học được những bài học quý giá trong mỗi sử thi. Như ở sử thi Y Gung Dăng, người đứng đầu buôn làng trước khi đi săn bắn luôn có cách bảo vệ người dân, hay trong sử thi Dam Săn thì giáo dục về ý thức bảo vệ môi trường, cách ứng xử với thiên nhiên…”.
Em H’Huyên Hwing (buôn Tría) bày tỏ, vì muốn hiểu biết về những câu chuyện ngày xưa của buôn làng, của dân tộc Êđê qua những áng sử thi mà em đã theo học và được sự ủng hộ nhiệt tình của gia đình. Đặc biệt bố mẹ đã hỗ trợ dịch nghĩa những từ Êđê cổ hay những đoạn văn, câu nói có nghĩa bóng giúp em hiểu thêm nhiều điều hay ẩn sau những lời kể. Đến nay H’Huyên đã có thể ghi nhớ, kể chuyện, em vẫn đang chịu khó học hỏi, rèn luyện với mong ước có thể thực hành diễn xướng, nối dài dòng chảy sử thi Êđê… .
Thanh niên xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar) được nghệ nhân hướng dẫn, truyền dạy kỹ năng cơ bản về lời nói vần của người Êđê. |
Đặc biệt hơn, khi lớp học có hai nghệ nhân thuộc hai thế hệ cùng giảng dạy, đó là nghệ nhân Y Wang H’wing và nghệ nhân Y Dhin Niê. Nghệ nhân Y Dhin trưởng thành từ lớp truyền dạy kể Khan vào năm 2004 do nghệ nhân Ưu tú Y Wang trực tiếp hướng dẫn. Từ đó đến nay, anh tham gia rất nhiều chương trình, kể các bài sử thi và giới thiệu văn hóa dân tộc mình đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Không chỉ ở lớp truyền dạy, mà con em ở tại buôn làng nếu thích học, anh sẵn sàng truyền lại để nhiều người cùng biết và chung tay giữ gìn. Nghệ nhân Ưu tú Y Wang tin rằng nếu các lớp truyền dạy được mở thường xuyên thì văn hóa truyền thống nói chung và kể Khan sẽ còn mãi…
Phát huy giá trị di sản
Theo học lớp truyền dạy kỹ năng cơ bản về lời nói vần của người Êđê tại xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar), nhiều học viên bộc bạch rằng dù học khó nhưng họ không nản mà luôn cố gắng vì rất yêu thích lời nói vần.
Anh Y LêWi Niê Siêng tâm sự: “Với tôi, trong lời nói vần thì hát K’ứt là khó nhất, hát Ay Ray thì dễ hơn một chút. Chúng tôi càng học càng say mê, tranh thủ đầu giờ khi thầy chưa đến là cùng nhau tập luyện, đôi khi sáng tạo thêm vài câu chữ. Dự định sau khi kết thúc lớp học, chúng tôi vẫn tiếp tục tập hợp để rèn luyện và thực hành…”.
Chị H’Yuêl Mlô (xã Ea Tul, huyện Cư M'gar) trình diễn kể Khan tại buổi bế giảng lớp diễn xướng, truyền dạy sử thi của người Êđê. |
Từ hiệu quả của lớp học cũng như thực hiện kế hoạch giữ gìn, phát huy lời nói vần trong đời sống cộng đồng, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Phó Chủ tịch UBND xã Cuôr Đăng) thông tin: “Chính quyền địa phương luôn quan tâm khuyến khích các bạn trẻ tham gia giữ gìn văn hóa truyền thống. Tới đây, xã sẽ thành lập câu lạc bộ lời nói vần, tạo sân chơi để nhiều thế hệ cùng nhau sinh hoạt và giúp duy trì lời nói vần người Êđê trong đời sống cộng đồng”.
Lễ mừng thọ của người M’nông được tổ chức tại buôn Đung, xã Đắk Phơi (huyện Lắk) thu hút sự quan tâm của cả buôn. Buổi lễ được tổ chức đơn giản nhưng mang nhiều ý nghĩa, có đông đủ con cháu của gia chủ và bà con buôn làng tham gia. Đây chính là dịp để con cháu thể hiện tấm lòng hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ; thể hiện tình yêu thương, kính trọng người cao tuổi và lòng biết ơn của con cháu dành cho đấng sinh thành. Truyền thống tốt đẹp này đã và đang được bảo tồn, phát huy và lưu truyền trong đời sống cộng đồng.
Bên cạnh những giá trị về mặt tinh thần, những di sản văn hóa phi vật thể cũng có tiềm năng để phát triển du lịch văn hóa. Vốn dĩ, sản phẩm du lịch đòi hỏi sự không trùng lặp ở các vùng miền, có nét riêng, sự thu hút và ấn tượng, nhất là có sự tham gia trực tiếp, sự hợp tác của người dân địa phương. Thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2025, cùng với việc mở các lớp truyền dạy về di sản, cơ quan chức năng cũng đang xúc tiến việc xây dựng và tổ chức hoạt động các mô hình điểm về phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gắn với phát triển du lịch cộng đồng, tổ chức các hoạt động trình diễn di sản trong sinh hoạt cộng đồng, lễ hội, trong các hoạt động du lịch văn hóa.
Tỉnh Đắk Lắk có 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là: Ngữ văn dân gian Khan (Sử thi) của người Êđê, Ngữ văn dân gian Lời nói vần của người Êđê (huyện Cư M’gar), Tập quán xã hội và tín ngưỡng Lễ mừng thọ của người M’nông (huyện Lắk). |
Ánh Ngọc
Ý kiến bạn đọc