Multimedia Đọc Báo in

32 học viên hoàn thành Lớp truyền dạy diễn tấu chiêng và dân vũ của người M’nông

17:20, 06/12/2023

Chiều ngày 6/12, UBND huyện Lắk tổ chức Lễ bế giảng Lớp truyền dạy kỹ năng diễn tấu chiêng và múa xoang của dân tộc M’nông tại xã Yang Tao (Lớp truyền dạy).

Lớp truyền dạy khai giảng từ ngày 17/10, với sự tham gia của 32 học viên đến từ Trường THCS Chu Văn An và những người dân yêu thích văn hóa truyền thống độ tuổi từ 25 - 55 trên địa bàn xã Yang Tao.

Các học viên đến từ Trường THCS Chu Văn An biểu diễn tại Lễ bế giảng.

Tại Lễ bế giảng, Ban tổ chức lớp học cho biết, trong thời gian hơn một tháng, các nghệ nhân đã truyền đạt cho học viên những kỹ thuật đánh chiêng, cách tấu các bài chiêng cơ bản, các điệu dân vũ của người M’nông. Qua đó, giáo dục cho các học viên, nhất là thế hệ trẻ tình yêu, ý thức gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. 

Các học viên diễn tấu chiêng, báo cáo kết quả lớp học.

Kết quả, sau hơn một tháng học và rèn luyện, các học viên đã nắm bắt được kỹ năng sử dụng nhạc cụ chiêng và đánh được những bài chiêng cơ bản như bài chiêng ba (Gông pễ), bài chiêng tre (Gông Pro) và thực hành được bài múa vào mùa, thường dùng trong hầu hết các dịp lễ, hội… của buôn làng.

Ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao chứng nhận cho các học viên.

Lớp truyền dạy nằm trong khuôn khổ Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiếu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; nhằm khơi dậy niềm đam mê diễn tấu cồng chiêng, nâng cao ý thức, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong nhân dân. Đây cũng là nguồn tài nguyên quý giá để khai thác phục vụ du lịch góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Các học viên Lớp truyền dạy kỹ năng diễn tấu chiêng và múa xoang của dân tộc M’nông tại xã Yang Tao chụp ảnh cùng Ban tổ chức.

 

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.