Bảo tồn văn hóa truyền thống trong trường học
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Cư M’gar (huyện Cư M'gar) có 155 học sinh của 13 dân tộc thiểu số (DTTS) học tập, trong đó học sinh người Êđê chiếm 70%. Từ nhiều năm nay, cùng với việc nâng cao chất lượng dạy học, nhà trường chú trọng hoạt động giáo dục văn hóa dân tộc cho các em.
Vào đầu mỗi năm học, nhà trường đều xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt ngoại khóa theo chủ đề, chủ điểm như: biểu diễn, giới thiệu trang phục, ẩm thực, các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống của một số DTTS đến với học sinh. Trước khi tổ chức hoạt động, nhà trường khuyến khích học sinh tìm hiểu những kiến thức cơ bản, những hiểu biết về vốn văn hóa truyền thống của các DTTS sinh sống trên quê hương mình, từ đó tham gia hoạt động trải nghiệm do nhà trường tổ chức đạt kết quả cao.
“Mỗi tuần, nhà trường đều tổ chức buổi sinh hoạt dưới cờ. Tại đây, các em tự tay chuẩn bị món ăn truyền thống hoặc trang phục, tìm hiểu nét văn hóa độc đáo của các dân tộc để giới thiệu với thầy cô, bạn bè. Nhà trường tổ chức chấm thi và có phần thưởng để khích lệ, động viên các em tham gia", thầy Nguyễn Huy Hoan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Nghệ nhân truyền dạy nghề làm rượu cần cho học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Cư M’gar. |
Tiêu biểu có thể kể đến hoạt động trải nghiệm làm rượu cần truyền thống của dân tộc Êđê vừa được nhà trường tổ chức. Nhà trường đã mời các nghệ nhân trên địa bàn huyện về truyền dạy nghề nấu rượu cần. Các em học sinh rất hào hứng, thích thú khi tự tay mình làm rượu cần dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân.
Sau hơn 3 giờ trải nghiệm, các em đã hoàn thành “sản phẩm đầu tay” với 4 ché rượu cần theo đúng hương vị, bản sắc của dân tộc Êđê.
“Nhà trường luôn tạo điều kiện để học sinh được trải nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đồng thời tiếp xúc với các giá trị văn hóa của dân tộc khác để dòng chảy văn hóa các dân tộc không ngừng được nuôi dưỡng và lớn mạnh” - thầy Nguyễn Huy Hoan, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Cư M’gar. |
Một trong những phong trào nổi bật làm phong phú, sống động nội dung giáo dục đặc thù tại tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Cư M’gar là việc thành lập Câu lạc bộ (CLB) nhạc cụ dân tộc với sự tham gia của hơn 20 học sinh.
Từ việc duy trì CLB này hơn 10 năm nay mà nhiều học sinh của trường đã biết đánh thành thạo và thể hiện năng khiếu với một số loại nhạc cụ như: ching k’ram (chiêng tre), đàn t’rưng, đinh tút...
Em H’Ru Vi Niê (học sinh lớp 9) chia sẻ: "Được cùng các bạn biểu diễn trang phục dân tộc, học đánh các loại nhạc cụ, nấu các món ăn truyền thống rồi giới thiệu với thầy cô, bạn bè, em rất tự hào. Quá trình tham gia các hoạt động trải nghiệm tại trường, em còn được biết thêm về vốn văn hóa của các dân tộc khác sinh sống trên địa bàn huyện".
Không chỉ là hoạt động trải nghiệm, đây còn là dịp khuyến khích học sinh gần hơn với văn hóa truyền thống, thôi thúc các em say mê tìm hiểu, khám phá những nét độc đáo, đặc sắc trong văn hóa của dân tộc mình, góp sức vào mục tiêu bảo tồn, phát huy bản sắc.
Gắn bó với Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Cư M’gar 22 năm, thầy Nguyễn Công Long, Phó Hiệu trưởng nhà trường trò chuyện: “Tôi dành nhiều thời gian đến các buôn làng, sưu tầm những câu chuyện thú vị từ già làng, người có uy tín; gặp gỡ cha mẹ học sinh để nắm bắt hoàn cảnh của từng em và tìm hiểu thêm phong tục, tập quán của từng dân tộc. Qua đó tích lũy, làm dày kiến thức văn hóa dân tộc cho mình để giảng dạy cho các em học sinh”.
Thành viên Câu lạc bộ nhạc cụ dân tộc của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Cư M’gar biểu diễn hòa tấu ching k’ram. |
Hiện nay, cùng với dòng chảy của thời gian, sự xâm lấn của các yếu tố văn hóa ngoại lai, vốn văn hóa truyền thống của các DTTS đang đứng trước nguy cơ mai một, nhất là một bộ phận giới trẻ không còn mặn mà với văn hóa truyền thống của dân tộc mình, do đó việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong trường học đóng vai trò quan trọng, cấp thiết. Hoạt động giáo dục trải nghiệm văn hóa dân tộc tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Cư M’gar là động thái tích cực để không chỉ giáo dục cho các em hiểu, yêu mến mà còn trân trọng bản sắc văn hóa và có ý thức tự tôn dân tộc từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc