Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo chợ phiên Ea Wy

08:48, 19/02/2024

Trong hành trang đến vùng đất mới khi vào định cư và sinh sống ở xã Ea Wy (huyện Ea H’leo), người dân các dân tộc phía Bắc vẫn duy trì được nét văn hóa chợ phiên.

Khi bình minh chưa ló rạng, từ mọi nẻo đường, tiếng nói cười, í ới gọi nhau đi chợ phiên đã vang lên, rộn rã. Để chuẩn bị cho phiên chợ, người dân phải thức dậy từ hai giờ sáng. Trên mỗi chuyến xe đều là những sản phẩm của các gia đình làm ra, từ bánh, măng khô đến các loại vật nuôi… đều được mọi người neo, giữ cẩn thận để mang lên chợ. Chừng 6 giờ, không khí của buổi chợ bắt đầu trở nên náo nhiệt.

Các bộ trang sức bạc truyền thống là một trong những mặt hàng độc đáo ở chợ phiên Ea Wy.

Nét khác biệt, thu hút người đến mua đông nhất chợ phiên Ea Wy là phần lớn các mặt hàng đều là những đặc sản, nông sản do chính bà con làm ra. Đây cũng là những sản phẩm nhanh chóng “cháy hàng” bởi số lượng không nhiều do được người dân tự sản xuất để phục vụ nhu cầu gia đình, phần dôi dư thì trở thành mặt hàng trao đổi.

Điểm nhấn tạo nên sự độc đáo của chợ phiên, không chỉ là sản phẩm hàng hóa đặc trưng, mà còn là nét đẹp trong trang phục truyền thống của các dân tộc nơi đây. Các gian hàng quần áo luôn tấp nập người mua bán, từ người già đến trẻ nhỏ ai nấy đều say sưa lựa chọn cho mình những bộ trang phục đẹp nhất. Chị Mạc Thị Lâm (ở thôn 5, xã Ea Wy) chia sẻ: “Bây giờ có nhiều mẫu quần áo thời trang nhưng khi đi chợ phiên, tôi vẫn chọn mua trang phục truyền thống cho con. Bọn trẻ cũng rất háo hức”.

Những sản phẩm rèn Nùng An nổi tiếng được người dân tìm mua tại chợ phiên.

Chợ phiên Ea Wy thường họp vào các ngày 4, 9, 14, 19, 24 và 29 (âm lịch) hằng tháng. Nhưng đông vui, nhộn nhịp nhất là hai phiên chợ diễn ra vào rằm tháng bảy và dịp Tết Nguyên đán. Ông Nhan Văn Quảng (dân tộc Nùng, ở thôn 5, xã Ea Wy) chia sẻ: “Người dân tộc thiểu số phía Bắc đi kinh tế mới và định cư sinh sống ở khu vực các xã Ea Wy, Cư A Mung, Cư Mốt (huyện Ea H’leo) từ những năm 1980. Chính thức đi vào hoạt động vào năm 1995, ban đầu chỉ là một ngôi chợ nhỏ, đến nay, chợ phiên ngày càng hoàn thiện về cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa không chỉ của người dân trong vùng mà trở thành nơi giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các dân tộc, thu hút tiểu thương và du khách trong và ngoài tỉnh đến tham gia”.

Ông Huỳnh Văn Trình, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Wy cho biết: “Để chợ phiên Ea Wy vừa phục vụ nhu cầu giao thương, vừa là điểm đến tham quan của du khách yêu những nét văn hóa của dân tộc phía Bắc đang sinh sống trên cao nguyên Đắk Lắk, xã cũng có định hướng quy hoạch lại, nhằm tăng cường công năng sử dụng, khai thác chợ hiệu quả hơn nữa. Không chỉ giúp bà con thuận lợi trong giao lưu, trao đổi hàng hóa, nâng cao đời sống mà còn là để chợ phiên trở thành sản phẩm du lịch thu hút du khách gần xa”.

Nguyễn Gia


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.