Multimedia Đọc Báo in

“Gốc rễ” của buôn làng

09:31, 13/02/2024

Người Kinh ở dưới xuôi thì có “lệ làng”, là quy ước bất thành văn buộc mọi thành viên trong cộng đồng phải tuân thủ.

Dù bối cảnh lịch sử, xã hội có thay đổi thế nào thì “lệ làng” vẫn được lưu giữ, không mất đi mà luôn được cộng đồng điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với hoàn cảnh đời sống hiện tại. Người dân tộc thiểu số ở vùng cao cũng thế, trong mỗi buôn làng đều có luật tục gắn với những thực hành văn hóa, xã hội đặc trưng nhằm chi phối và dẫn dắt mọi hoạt động trong đời sống của cộng đồng.

Nhờ những đặc điểm ấy mà làng của người Việt hay buôn/bon/bản/ của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên luôn đứng vững trước những biến động của lịch sử, xã hội như chiến tranh, thiên tai và dịch bệnh.

Trước đời sống hiện đại ngày nay, trong các buôn làng người Tây Nguyên nói chung vẫn gìn giữ được những đặc điểm trên và hầu hết các cộng đồng dân tộc ở đây lấy đó làm nội lực để phát triển và hội nhập.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), đến nay đã có khoảng 620 buôn làng xây dựng được quy ước cộng đồng dựa trên luật tục cổ truyền. Đây được xem là “gốc rễ” vững chắc để mỗi tộc người điều chỉnh “ngưỡng hành vi” của mình trước sự thay đổi, biến chuyển không ngừng của đời sống xã hội; đồng thời đó cũng là một hình thức biểu đạt văn hóa sâu sắc và toàn vẹn nhất của cộng đồng.

Dưới góc nhìn của PGS.TS Tuyết Nhung Bkrông (Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Tây Nguyên) thì luật tục/quy ước ấy bao gồm các giá trị tâm linh, tín ngưỡng, quan điểm, ngôn ngữ, kiến trúc, tri thức dân gian và nghệ thuật...

Tất cả đều thể hiện tính nhân văn, ý nghĩa sinh tồn và phát triển của mỗi cộng đồng dân tộc. Có biểu đạt văn hóa mới tạo nên bản sắc riêng cũng như sức sống của mỗi tộc người, từ đó tạo nên bối cảnh cho sự hợp tác để cùng nhau suy nghĩ và hành động.

Bếp lửa truyền thống trong nhà dài luôn được đồng bào Êđê giữ gìn. Ảnh: Hữu Hùng

Điều đó hoàn toàn xác đáng và trên thực tế hiện nay có nhiều buôn làng người Êđê đã tạo ra sự hợp tác ấy để phát triển và hội nhập.

Ví như trong lĩnh vực làm kinh tế du lịch chẳng hạn -  buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột), hay buôn Tơng Jú (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) đã biết biểu đạt vốn văn hóa giàu bản sắc của mình như sản phẩm du lịch khác biệt, độc đáo để thu hút du khách gần xa.

Ông Y Pul Niê, Trưởng buôn Akô Dhông và bà H’Yam Bkrông, Trưởng Ban quản lý điểm du lịch cộng đồng Tơng Jú chia sẻ: Trong quy ước của hai buôn này thì việc đầu tư, tôn tạo không gian sống (nhà dài, bến nước, rừng cảnh quan đầu nguồn) và khôi phục lại các nghề truyền thống (dệt thổ cẩm, làm rượu cần, điêu khắc dân gian) luôn được khuyến khích, ưu tiên hàng đầu.

Bởi thông qua đó mới tăng khả năng lưu giữ và tái hiện lịch sử, văn hóa của một cộng đồng trước đời sống đương đại. Ở đó, người trong cuộc không những tìm được sinh kế, nâng cao mức sống mà còn có cơ hội thể hiện nguyện vọng, mơ ước của mình thông qua hoạt động du lịch.

Theo họ, “gốc rễ” của cộng đồng phải bám chặt và đi lên từ những yếu tố lịch sử, văn hóa trên và nhất định nó không thể thiếu vắng trong đời sống của cộng đồng xuyên suốt từ xưa đến nay.

 

Cấu trúc buôn làng người Tây Nguyên luôn gắn bó và đặt lợi ích cộng đồng lên hàng đầu. Trong đời sống từ xưa đến nay, tất cả các thành viên trong cộng đồng luôn được luật tục và thiết chế truyền thống bảo vệ, dẫn dắt. Giờ đây cội nguồn, gốc rễ ấy tiếp tục giúp mọi cộng đồng dân tộc ở đây làm chỗ dựa vững chắc để vươn lên”.

 
PGS.TS Tuyết Nhung Bkrông

Ở khía cạnh khác, nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên Linh Nga Niê Kdăm cho rằng: Một khi đời sống thay đổi thì trong tập hợp “gốc rễ” của mỗi cộng đồng dân tộc (bao gồm luật tục, phong tục, tập quán, tín ngưỡng và tâm linh) - nếu có điểm nào đó không còn phù hợp với bối cảnh xã hội mới thì chính họ tự thân thay đổi để thích ứng. Điều đó dễ nhìn thấy qua Bảng quy ước ở buôn Đing, xã Cư Dliê M’nông (huyện Cư M’gar).

Buôn trưởng Ama Róa cho hay, buôn đã xây dựng bản quy ước từ năm 1997 và từ đó đến nay đã được cộng đồng chỉnh sửa nhiều lần cho phù hợp với yêu cầu cuộc sống đặt ra.

Ví như câu chuyện “chia của” trong gia đình: Theo luật tục thì mọi tài sản có được phải thuộc về con gái (theo chế độ mẫu hệ) và điều này đã khiến không ít gia đình ở đây trở nên xung đột, bất hòa phải nhờ các già làng uy tín trong cộng đồng can thiệp.

Nhận thấy đây là quan niệm không còn phù hợp, Ban tự quản buôn thống nhất thay đổi bằng cách vận dụng các điều khoản, quy định của pháp luật hiện hành (về việc phân chia tài sản) để bổ sung vào bản quy ước nhằm giải quyết tình trạng trên một cách công bằng, dân chủ và đoàn kết hơn.

Bên cạnh đó, Ban tự quản buôn còn vận dụng thêm những yếu tố tích cực của luật tục cộng đồng để xây dựng và hoàn chỉnh thêm những nội dung được cho là rất “nóng” trong đời sống hiện nay, đó là vấn nạn xâm hại tài nguyên, môi trường.

Bản quy ước của buôn Đing quy định rõ: Đất rừng, nguồn nước phải được giữ gìn hết sức nghiêm ngặt, không ai có quyền xâm phạm. Và cộng đồng người Êđê ở đây đã lấy ngày thứ bảy tuần đầu hằng tháng làm “Ngày hành động vì môi trường” nhằm đề cao thông điệp trên.

Có thể nói, nhờ những “gốc rễ” văn hóa, lịch sử sâu dày của mỗi cộng đồng dân tộc ở đây mà nhiều buôn làng đã dần tạo ra sức mạnh nội sinh để phát triển và hội nhập. Và hơn thế, đó còn là “sức đề kháng” hữu hiệu và mạnh mẽ trước những tác động nhiều chiều của đời sống hiện đại ngày nay. 

Phương Đình
 

 


Ý kiến bạn đọc