Multimedia Đọc Báo in

Cùng nhau gìn giữ văn hóa làng nghề

07:09, 14/02/2013

Bản thân mỗi làng nghề truyền thống đều chứa đựng yếu tố văn hóa sâu đậm trong đó. Việc gìn giữ và khai thác yếu tố văn hóa của mỗi cộng đồng dân tộc để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến với mọi người đang được các nghệ nhân quan tâm. Theo đó, để các làng nghề sống lại và phát triển bền vững cũng cần có sự tiếp sức từ phía các cơ quan chức năng.

Rạng ngời bản sắc trên từng sản phẩm
Trên từng sản phẩm làm ra (thổ cẩm, gùi đeo hay đồ mỹ nghệ) của người Êđê, M’nông…đều thấm đẫm bản sắc của dân tộc mình. Ai cũng tự hào về điều đó và bằng mọi cách họ nâng niu, lưu giữ vốn văn hóa đặc sắc này trong mọi hoàn cảnh.  Biết dệt vải khi sải tay còn chưa với đến bề ngang khung cửi, được mẹ truyền nghề, rồi học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, đến nay bà H’Ngơn Niê (62 tuổi) ở buôn Ayun xã Ea Kuêh đã dệt nên nhiều sản phẩm thổ cẩm truyền thống bền, đẹp. Còn với Amí H’Mian (buôn Ayun - xã Ea Kuêh-Krông Pak), những lúc rỗi rãi bà lại ngồi vào khung cửi vừa dệt vừa truyền dạy lại nghề cho con cháu. Hơn thế, mí còn được bà con, buôn làng cử đi tham gia các hội thi dệt thổ cẩm truyền thống do huyện, tỉnh tổ chức. Mý H’Mian tâm sự: con gái Êđê lên bảy, lên mười đã được mẹ dạy cho cách dệt vải. Đến tuổi đi bắt chồng phải tự tay dệt được bộ váy áo thật đẹp để dùng vào các dịp lễ hội của buôn làng. Nếu ai có bộ váy áo đẹp thì được dân làng đánh giá là người con gái giỏi giang, và sẽ được nhiều chàng trai để mắt tới. Đó còn  là  thước đo về mặt phẩm hạnh mà trước đây người con gái Êđê luôn mong mỏi và phấn đấu.

Mí H’Mian đang truyền nghề cho giới trẻ trong buôn
Mí H’Mian đang truyền nghề cho giới trẻ trong buôn

Mí H’mian nói rằng: để có được bộ trang phục đẹp, có đầy đủ 5 màu truyền thống (đỏ, đen, vàng, xanh và trắng) kết hợp hài hòa với nhau, thì người thiếu nữ không chỉ biết dệt mà còn phải dày công tìm các loại rễ cây về giã làm màu để nhuộm sợi dệt. Tháng bảy hàng năm phải vào rừng hái lá krum già, phơi vỏ ốc suối thật khô, nung thành vôi rồi trộn với nước lá krum sẽ cho sợi vải màu xanh. Nếu thêm vào hỗn hợp trên thứ nước lá knung giã nhỏ, nấu trong nồi chàm thì có sợi vải màu đen bóng mịn. Màu đỏ được tạo từ loại vỏ cây krung già giã ra, nấu lên để nhuộm. Còn muốn có màu vàng thì dùng củ nghệ già mài nhỏ hoặc cho vào cối giã rồi vắt lấy nước. Khi phơi sợi thì sử dụng một chiếc bàn chải (kruamrai), chải dọc theo cuộn sợi để gỡ hết các vụn màu, vỏ cây đi cho sợi vải mềm, sạch… Vất vả vậy nhưng thiếu nữ trong buôn vẫn miệt mài xe tơ, dệt vải. Còn giờ đây, sợi công nghiệp bán sẵn với đủ màu sắc chỉ cần mua về dệt nhưng buồn thay lớp trẻ lại không mấy mặn mà với khung cửi nữa. Mý H’Mian lo đến một ngày nào đó phụ nữ Êđê không còn biết đưa thoi, những sản phẩm thổ cẩm của dân tộc mình sẽ bị lãng quên. Chính vì vậy bà luôn trăn trở và thường xuyên khơi gợi niềm đam mê nghề dệt thổ cẩm truyền thống cho con cháu và thanh niên quanh vùng bằng cách dệt tặng những sản phẩm thổ cẩm phù hợp thời trang như: túi xách, bao đựng điện thoại, ca - vat… rồi từ đó truyền nghề cho họ. Nhờ vậy mà  ba cô con gái của Mý cũng như một số thiếu nữ trong buôn giờ đây đã bắt đầu trở lại với khung cửi…

Còn Amí Liu, chị H’Din (buôn Akô D’hông – TP. Buôn Ma Thuột) giới thiệu một cách am tường về văn hóa thổ cẩm của mình với mọi người rằng: thổ cẩm là một loại vải thô được dệt thủ công bằng tay của các dân tộc thiểu số. So với các dân tộc ít  người ở Tây Nguyên, người Êđê có sản phẩm thổ cẩm khá ấn tượng; kỹ thuật dệt chủ yếu dùng phương pháp chắp vải để tạo hoa văn và việc bố cục màu sắc đối với các nghệ nhân là hết sức quan trọng. Màu sắc truyền thống của người Êđê thể hiện trên những sản phẩm thổ cẩm (váy, khố, áo, tấm đắp…) là những màu đen, đỏ và trắng. Tuy phổ màu không phong phú nhưng không vì thế mà thổ cẩm của họ không “bắt mắt”, bởi họ biết cách phối màu hợp lý, tạo ra những đường nét sống động và tinh tế, đạt đến phong cách ổn định và riêng biệt. Hai màu đen, trắng được người Êđê và các dân tộc bản địa Tây Nguyên nói chung sử dụng nhiều nhất; được dành riêng để làm nền cho mặt trang trí. Chính nhờ sự tương phản mạnh mẽ đó mà thổ cẩm ở đây rất khỏe khoắn, ấn tượng...  

Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ khác cũng đang được sự nỗ lực tự thân của các nghệ nhân để giữ lại vốn văn hóa của ông bà từ bao đời nay. Chẳng hạn như nghề làm gùi của người Êđê trên cao nguyên Dak Lak này cũng đang được nhiều người gìn giữ, kế thừa. Già Y Kriêng Ayun (xã Cư Êbur – TP. Buôn Ma Thuột) nói về chiếc gùi của dân tộc mình với niềm tự hào và sự hiểu biết tường tận rằng: Cũng là chiếc gùi, nhưng người Êđê ở thảo nguyên M’Drak lại thiết kế có 4 chân cao để thuận tiện cho việc sử dụng, trong khi đó người Êđê sống ở dọc sông Krông Ana với nghề trồng lúa nước nên chiếc gùi có hình dáng thấp, khoảng cách giữa các đường đan thưa hơn. Còn chiếc gùi của người Êđê sinh sống ở khu vực Buôn Đôn lại nhỏ, gọn phù hợp cho những chuyến đi rừng. Nét đẹp văn hóa truyền thống của chiếc gùi còn được thể hiện trên thân và nắp gùi với những hoa văn, họa tiết được trang trí cầu kỳ, tỷ mỷ. Phần đế của chiếc gùi cũng rất đặc biệt vì được đẽo hoàn toàn bằng rìu từ các loại gỗ mềm như gạo, cóc rừng. Dây quai được tết từ vỏ của những loại cây dai và bền. Già Y Kriêng biết đan lát từ năm 17-18 tuổi, những chiếc gùi do Y Kriêng đan cho mẹ, cho chị đi rẫy, lấy nước hồi còn trẻ, đến nay ông vẫn không quên. Già nói: đan một chiếc gùi mất khoảng 1 tuần, trong đó phần đế gùi là khó thực hiện nhất. Để có phần đế gùi ưng ý, người đan phải lặn lội vào tận rừng sâu chặt cây cóc rừng  thẳng, chẻ thành những tấm có độ dày 1-2cm, sau đó hơ trên lửa cho có độ dai, mềm, dễ uốn…

Tiếp sức cho làng nghề  
Hiện nay, một số HTX thổ cẩm như Tơng Bông (xã Ea Kao – TP. Buôn Ma Thuột), Buôn Sút (huyện Cư M’gar), và Lak… đã mạnh dạn xây dựng kế hoạch “phục hưng” thổ cẩm bằng cách kết hợp ngành nghề truyền thống này với hoạt động du lịch văn hóa tại địa phương nhằm tìm kiếm cơ hội giải quyết đầu ra cho sản phẩm đặc thù này. Nhiều nghệ nhân dệt thổ cẩm ở đây tâm sự: vài năm nay, họ bỏ không ít công sức tìm hiểu và nắm vững vốn văn hóa thổ cẩm của dân tộc mình để giới thiệu, quảng bá với du khách, tạo ra kênh tiêu thụ mới hấp dẫn và hiệu quả hơn. Đã có một số đơn vị làm du lịch trên địa bàn Dak Lak hướng dẫn du khách đến các làng nghề này để tham quan, tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm của bà con. Thông qua cách tiếp thị sản phẩm bằng yếu tố văn hóa chứa đựng trong đó, hầu hết du khách tỏ ra thích thú và mua một số mặt hàng như váy, khố, áo, tấm đắp… với giá khá cao, đủ để cho chị em trang trải cuộc sống và tái đầu tư sản xuất. Song phải thừa nhận rằng: cơ hội đó không nhiều, một năm thi thoảng đôi lần, vì thế khó khăn đối với các HTX thổ cẩm kết hợp với du lịch hiện nay vẫn chưa thật sự ổn định và bền vững.

Liên kết với ngành du ịch địa phương để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến với du khách là hướng đi của HTX thổ cẩm Tơng Bông (Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột)
Liên kết với ngành du ịch địa phương để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến với du khách là hướng đi của HTX thổ cẩm Tơng Bông (Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột)

Trao đổi vấn đề trên với ông Phạm Tâm Thanh-Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Dak Lak, được biết: thời gian qua phòng nghiệp vụ của sở đã phối hợp với nhiều nghệ nhân nổi tiếng trong làng thổ cẩm bản địa nghiên cứu, tìm hiểu và văn bản hóa các yếu tố văn hóa đặc sắc về nghề truyền thống này để giúp cho các HTX thổ cẩm có “cẩm nang” để quảng bá và phát triển. Tuy nhiên trên thực tế, những người làm thổ cẩm - hoặc là do thiếu sự đầu tư (vốn, kỹ năng tiếp thị…) hoặc là do sự liên kết, hợp tác giữa du lịch với các làng nghề còn lỏng lẻo, không thường xuyên nên chưa tạo được động lực và cơ hội cho thổ cẩm “lột xác” vươn lên. Bởi suy cho cùng, bất kỳ một ngành nghề nào, khi vốn văn hóa của ngành nghề đó có bề dày và độc đáo thật sự thì sức hút và sự lan tỏa của nó đến với người tiêu dùng là rất lớn và giàu tiềm năng. Vấn đề ở đây là làm sao để chủ nhân của ngành nghề đó tìm cách đưa vốn văn hóa ấy đến với khách hàng dưới nhiều hình thức, góc độ khác nhau dưới sự giúp đỡ của các cấp, các ngành…

Theo tiến sĩ Tuyết Nhung Buôn Krông: bà con vẫn tha thiết được làm ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng để phục vụ nhu cầu cuộc sống. Ngành văn hóa ra sức kêu gọi bảo tồn, phát huy nghề truyền thống, nhưng lại chưa gặp nhau ở một điểm chung là khôi phục và phát huy nghề truyền thống phải gắn với thu nhập kinh tế. Đây là bài toán khó, bởi tính đến cuối tháng 6-2012 chưa có một sự quy hoạch tổng thể về bảo tồn và phát huy các nghề thủ công mỹ nghệ của các dân tộc bản địa Tây Nguyên. Việc bảo tồn, phát huy chỉ mới dừng lại ở dạng “tĩnh” và hết sức manh mún ở những đề tài nghiên cứu đơn lẻ của cá nhân hay một nhóm người làm nghiệp vụ nào đó mà thôi. Do đó ngoài quy hoạch tổng thể các làng nghề, cần có sự đánh giá khoa học đối với các nghề truyền thống để từ đó có hướng bảo tồn và hát huy dưới dạng “động”; Trong đó việc lôi kéo, thu hút chủ thể  của các làng nghề thủ công mỹ nghệ đóng vai trò quyết định. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cần có những cơ chế, chính sách để giải quyết đầu vào, đầu ra cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ…

Đình Huyền Hoa

 


Ý kiến bạn đọc