Multimedia Đọc Báo in

Hình tượng rồng trong mỹ thuật thời Nguyễn

09:32, 13/02/2024

Rồng là vật linh, biểu tượng của ước mơ phồn thực, phong đăng hòa cốc của cư dân trồng lúa nước trên lưu vực các con sông lớn từ Trung Hoa qua vùng Đông Nam Á; là tâm thức, bóng dáng trong tín ngưỡng của người Việt cổ “con rồng cháu tiên” mà tổ tiên chúng ta đã tự xác định từ buổi bình minh của lịch sử.

Rồng được mô tả là loài rắn có sừng nai, đầu lạc đà, mắt quỷ, tai bò, cổ rắn, chân cọp, móng chim ưng, bụng cá sấu... Rồng là loài vùng vẫy dưới nước, lại có thể theo các vầng mây mà bay lên, tung lượn trên bầu trời và phun các cơn mưa tưới mát ruộng đồng, mang đến “mưa thuận, gió hòa” cho cư dân ở những xứ sở chuyên canh lúa nước.

Rồng trong Đại Nội - Kinh thành Huế (Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh)
Rồng trong Đại Nội - Kinh thành Huế. Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh

Trong văn hóa và nghệ thuật trang trí của các triều đại phong kiến Việt Nam nói chung, triều Nguyễn nói riêng, rồng được xem là vật linh gắn liền với biểu tượng của vương quyền, được trang trí nhiều trong các công trình kiến trúc cung điện, đền đài, lăng tẩm của vương triều; trên trang phục, đồ ngự dụng của hoàng đế và quan lại, rồi dần lan tỏa ra chốn dân gian với những mẫu thức phong phú, sinh động, mang tính biểu tượng cao.

Hình tượng rồng thời Nguyễn có nhiều đặc điểm ngoại hình khác với rồng thời Lý - Trần, tất nhiên vẫn tượng trưng cho vương quyền, nhưng có lẽ không nghiêm ngặt như các thời đại trước đó.

Thời Lý, hình tượng rồng chỉ được chạm khắc nơi ở của nhà vua (Kinh đô Thăng Long) hoặc các nơi nhà vua thường qua lại (hành cung). Thời Lê sơ, mức độ nghiêm ngặt đạt đến điểm cao nhất bởi triết lý Nho giáo… Nhưng đến thời Nguyễn, chúng ta dễ dàng tìm thấy hình ảnh rồng ở khắp nơi, ngoài các cung điện và lăng tẩm, còn bắt gặp nơi các đình, chùa, miếu, trong cả văn hóa dân gian... Ngay ở các tư gia, trong các nhà rường chạm trổ, rồng là mô thức trang trí đầu cột, đầu xà, bình phong...; và cả trên các vật dụng thường dùng như đồ gỗ, đồ sành sứ, đồ thêu, trên các tranh thờ, hay trong các khu vườn, những thân cây cảnh nhuộm vẻ cổ kính, rêu phong hóa thân thành một con rồng đang vươn mình uốn lượn do bàn tay khéo léo tạo tác của chủ nhân.

Các họa tiết nghệ thuật trang trí rồng thời Nguyễn ở Huế chủ yếu gồm các mô thức, cùng các đặc điểm: Rồng trong trang trí được mặc định hết sức chặt chẽ theo địa vị xã hội: Rồng có 5 móng, bờm có 5 chòm lông được thể hiện đầy đủ, chi tiết chỉ được dùng cho nhà vua và tế lễ, không được dùng trong dân gian; rồng có 3-4 móng và bờm lông, không được trang trí trọn vẹn chỉ dành cho giới quý tộc, quan lại; rồng trong dân chúng thì các chi tiết móng, vuốt, bờm, đuôi phải được giấu đi, hoặc chỉ phác họa lờ mờ.

Hình tượng rồng có thể được trang trí kiểu toàn thân (nhìn nghiêng), toàn thân (nhìn thẳng), trang trí kiểu “Lưỡng long tranh châu” (hai con rồng giành nhau hạt ngọc), hay “Lưỡng long chầu nguyệt” (hai con rồng đang giành nhau mặt trăng). Ngoài ra, các mô típ trang trí mang tính biểu tượng rồng được cách điệu đầy sáng tạo, có giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật cao như: Sự hóa thân của một cành lá thành rồng, sự hóa thân từ đám mây thành rồng, sự hóa thân từ quả mận thành rồng, sự hóa thân từ cây tre thành rồng, sự hóa thân hồi văn của rồng...

Có thể thấy, sự cách điệu và quá trình biến dạng hình tượng rồng trong nghệ thuật trang trí cho phép các nghệ nhân thoải mái thể hiện trí tưởng tượng của mình để đạt đến sự thanh thoát về ý tưởng, bố cục, đường nét... Vì thế, rồng trở nên gần gũi trong đời sống văn hóa - nghệ thuật, là biểu tượng cao đẹp của lý tưởng, niềm tin và sức mạnh của dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Đình Dũng


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

(Video) Khởi sắc xã vùng sâu Ea Sin
Ea Sin là xã đặc biệt khó khăn của huyện Krông Búk hiện đang đổi thay nhờ những dự án hỗ trợ hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.