Hợp tác quốc tế trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa
Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn tỉnh luôn được tỉnh, các cấp ngành tích cực triển khai. Trong đó, hướng đến mở rộng hợp tác quốc tế, kêu gọi sự giúp đỡ của các chuyên gia quốc tế về bảo tồn di sản vật thể, phi vật thể là một giải pháp được đặc biệt chú trọng.
Từ ngày 20 đến 25/2, nhận lời mời của tỉnh Champasak (Lào), Đoàn công tác của tỉnh đã có mặt tham dự Lễ hội Trà - Cà phê, Lễ hội cúng đền Wat Phou và Khai mạc năm du lịch Lào tại tỉnh Champasak. Không chỉ mang những lời chúc tốt đẹp đến chính quyền, nhân dân Lào, Đoàn công tác của tỉnh còn gửi tặng bạn những sản vật OCOP của địa phương, đồng thời tự hào chia sẻ với bạn những nét văn hóa đặc trưng của vùng đất bazan đầy nắng gió.
Lớp truyền dạy đánh chiêng của dân tộc J'rai tại huyện Ea H’leo do Trung tâm hợp tác quốc tế tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc) tài trợ. Ảnh: Ảnh Ngọc |
Không chỉ hoạt động nói trên, trong tất cả các mặt công tác ngoại giao, giao lưu văn hóa với các nước bạn, Đắk Lắk nỗ lực kết hợp quảng bá, giới thiệu về các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh; giới thiệu các danh lam thắng cảnh, làng nghề truyền thống và các điểm du lịch của tỉnh đến bạn bè quốc tế. Đồng thời, chủ động lồng ghép việc xúc tiến quảng bá văn hóa, kêu gọi đầu tư và tăng cường liên kết với các địa phương nước ngoài trong quá trình triển khai nhiệm vụ.
Tại các kỳ Lễ hội Cà phê Buôn Ma thuột, thông qua công tác truyền thông, quảng bá, Đắk Lắk đã đề nghị Cục Ngoại vụ và Vụ Thông tin Báo chí (Bộ Ngoại giao), các tổ chức, nhà tài trợ và địa phương nước ngoài có hợp tác với tỉnh hỗ trợ quảng bá, đưa tin về các hoạt động, các video, ấn phẩm của Lễ hội và giới thiệu về các loại hình di sản văn hóa của địa phương. Với Đắk Lắk, khoảng thời gian tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột cũng là dịp địa phương tranh thủ mọi nguồn lực, sự quan tâm của cộng đồng để thực hiện Lễ hội với quy mô, uy tín, chất lượng cao. Từ đó góp phần nâng “chất” du lịch, vị thế điểm đến Đắk Lắk trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.
Cùng với chủ động lan tỏa nét đẹp văn hóa đến cộng đồng quốc tế, Đắk Lắk đã nhận được những trợ giúp quý giá trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Trong hai năm 2022 và 2023, ngoài nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhận được sự phối hợp hỗ trợ của Sở Ngoại vụ để xây dựng dự án đề xuất kinh phí tài trợ của Trung tâm hợp tác quốc tế tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc) thực hiện công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đã ban hành các quyết định cho phép Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch được tiếp nhận nguồn kinh phí tài trợ của tỉnh Jeollabuk. Với nguồn kinh phí được tài trợ, Sở đã phối hợp với các địa phương tổ chức 4 lớp truyền dạy về di sản văn hóa cho các buôn đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có một lớp truyền dạy đánh chiêng Êđê Bih tại huyện Krông Ana; một lớp truyền dạy chiêng M’nông tại huyện Lắk; một lớp đánh chiêng, múa xoang của người J'rai ở huyện Ea H’leo; một lớp truyền dạy về lời hát vần của người Êđê tại huyện Cư M’gar. Cùng với đó, Sở đã phối hợp tặng 7 bộ chiêng và gần 200 bộ trang phục truyền thống của các dân tộc Êđê, M’nông, J'rai; thực hiện phục dựng nghi lễ truyền thống; ghi âm, ghi hình các bài chiêng truyền thống, lời hát vần của người Êđê; sưu tầm và biên tập sách về lời nói vần để xuất bản sách phục vụ việc bảo tồn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…
Biểu diễn cồng chiêng trong Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước thưởng lãm. Ảnh: Nguyễn Gia |
Từ những chương trình, hoạt động trên có thể thấy rằng, việc hợp tác quốc tế trong công tác bảo tồn, quảng bá đã và đang góp phần lan tỏa giá trị di sản văn hóa các đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh và tạo sức hút đối với du khách ở trong và ngoài nước. Từ đó ngày càng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, để tiếp tục đẩy mạnh việc hợp tác quốc tế đối với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Sở Ngoại vụ trong việc kết nối với các nước về đào tạo nhân sự, nghiên cứu, khoa học, ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn di sản, giáo dục sáng tạo, nhằm phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Sở cũng sẽ tiếp tục tham mưu, xúc tiến các hoạt động giới thiệu, quảng bá các loại hình di sản của các dân tộc thiểu số đặc biệt là Di sản văn hóa phi vật thể Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đến nhiều quốc gia trên thế giới, góp phần thu hút các nguồn lực xã hội phát triển văn hóa, thúc đẩy việc giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa.
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc