Multimedia Đọc Báo in

Mùa xuân - mùa hân hoan, mùa sinh sôi

09:28, 13/02/2024

Mùa xuân là mùa khởi đầu vòng thời gian của một năm. Mùa của hoa cỏ, lễ hội tràn đầy sức sống. Mùa của hân hoan và sinh sôi.

Đã bao nhiêu mùa xuân tôi có mặt ở Tây Nguyên. Trên những thung đồi, thảo nguyên, chỉ sót lại đâu đó vài bông dã quỳ cuối mùa, chúng ngơ ngác như thể phải nói lời từ biệt, nhường chỗ cho mầm xanh cây cỏ và vòm trời xanh ngắt lang thang những chùm mây trắng.

Bao giờ cũng vậy, nhìn cây cỏ tôi lại nhớ bài thơ “Mùa hoa” của nhà thơ Y Phương. Những người đàn ông ở miền núi cao Tây Bắc chắc cũng không khác mấy với Tây Nguyên: “Mùa hoa/ Mùa đàn bà/ Mặt đỏ phừng/ Thừa sức vác ông chồng/ Chạy phăm phăm lên núi”…

Mùa hoa mà Y Phương nhắc đến chắc chắn là mùa xuân. Ở Tây Nguyên cũng vậy, mùa xuân là mùa nhàn nhã trong canh tác nông nghiệp cổ truyền.

Thời đó, những chòi rẫy vắng người, buôn làng trở lại đông đúc. Đàn ông kiếm tre nứa, tranh thủ sửa lại vách nhà, vào rừng kiếm con thú, xuống suối đánh cá. Đàn bà tranh thủ dệt thêm tấm váy áo, vào rừng kiếm lá, rễ cây ủ thêm vài ché rượu cần. Đám thanh niên nam nữ chờ đêm xuống đốt lửa hát eirei giao duyên. Thời nông nghiệp cổ truyền dù chưa văn minh (nói theo cách của các nhà văn hóa học đương đại) nhưng lại là thời kỳ con người sống hòa hợp, thanh bình nhất với thiên nhiên. Mùa xuân cũng là mùa khô ở Tây Nguyên.

Trong cuốn “Người Êđê – Một xã hội mẫu quyền" (Les Rhade’s: Une Société de Droit Maternel), tác giả Anne de Hauteclocque – Home viết: “Đời sống ở Đắk Lắk tuân theo nhịp điệu của việc canh tác lúa, vốn là nền tảng của lương thực. Mà nhịp điệu này lại phụ thuộc vào chế độ gió mùa và một năm gồm có hai kỳ: một thời kỳ canh tác trùng với mùa mưa, từ tháng năm đến tháng mười một, và một thời kỳ trong đó các hoạt động nông nghiệp – không hoàn toàn bị bỏ quên – trở thành thứ yếu, dành ưu tiên cho các công việc thủ công và nhất là các hoạt động xã hội và tôn giáo, và tương ứng với mùa khô, từ tháng chạp đến tháng tư”…

Vui hội mùa xuân. Ảnh: Hoàng Gia

Mùa khô Tây Nguyên đầy những âm thanh sôi động và không gian ngập tràn màu sắc hân hoan, hứng khởi. Hãy nhắm mắt lại và hình dung theo tác giả Anne de Hauteclocque – Home khi miêu tả đời sống trong khoảng thời gian này: … “làng lại trở lại hoạt náo vào mùa khô và đầy những âm thanh trầm đục của con dao dệt dồn các sợi ngang trên chiếc khung cửi mà những người phụ nữ lại mang ra ngồi dệt dưới căn nhà sàn, tiếng kêu ro ro của những cánh diều phấp phới trong ngọn gió đông và tiếng vang huyên náo của dàn chiêng vọng đến từ nhà ai đó đang có lễ Hiến sinh”…

Cũng trong tác phẩm kể trên, ta có thể hình dung ra công việc thường ngày của những người đàn ông, phụ nữ Êđê trong suốt ba tháng của mùa xuân. Trong đó, lao động nông nghiệp gồm: Tháng Giêng, lật đất bằng cuốc, phát rẫy mới (ênah); tháng hai, hạ cây, chặt cành (thường làm tập thể); tháng ba, đốt rẫy lần đầu.

Về cây trồng: Tháng Giêng thu hoạch các loại củ (sắn, khoai…), hái bông vải, thu hoạch cà phê. Tháng hai và tháng ba, thu hoạch cà. Về hái lượm: Tháng Giêng kiếm lá môn dại (kdôk), củ hủ cây cọ, thân cây chuối, rau muống. Tháng hai, hái đọt và chồi cây rau dại (djam blê, djam bal, knung…).

Bên cạnh những công việc khác như đàn ông đặt bẫy, đánh bắt cá, săn bắn, sửa nhà bị hỏng, làm kho lúa, phụ nữ với công việc dệt vải thì mùa xuân là mùa của lễ hội tập trung vào nghi lễ nông nghiệp như Rước hồn lúa (Kma mngăt mdiê), lễ Hiến sinh (Ngă yang asei mlei), Uống rượu đưa lúa lên kho (Trôk mdiê)…

Buôn làng vào hội. Ảnh: Hoàng Gia

Đời sống luôn chuyển động, tiến về phía trước. Vẫn biết mọi thứ sẽ và phải thay đổi. Nhưng tôi không ngăn nổi lòng mình chút xao xuyến về dòng thời gian mà có lẽ chỉ cách nay chừng hơn một thế kỷ. Bấy giờ hẳn nhiên rừng còn nhiều, đất rộng rãi, trù phú và dân cư thưa thớt. Văn hóa theo đó mà tồn sinh, không bị pha tạp và cải biến. Buôn làng và đời sống dân cư thuần phác là nơi lưu giữ bản năng sống thích nghi với môi trường thiên nhiên.

Mùa xuân này tôi lại có hẹn với những người bạn Êđê về tận buôn làng uống rượu cần. Lần nào cũng vậy, tôi như trẻ nhỏ mơ theo cánh diều. Đơn giản chỉ là nếp nhà sàn thương mến với chiếc cầu thang có đôi vú phồn thực, món cà đắng cay thơm của amí vừa giã xong, rượu cần phải rót bằng nước gùi lên từ bến nước đầu buôn và mùi củi cháy nồng đượm chiều hôm… Tất cả hòa quyện, để khi màu nước vàng sánh mật ong của rượu cần thấm vào chân tóc, mới nhìn ra một dòng chảy mùa xuân ngập tràn hân hoan.

Cồng chiêng mừng hội. Ảnh: Hoàng Gia

Mùa xuân, không chỉ cây cối, hoa trái mà cả con người cũng mang theo giấc mơ sinh nở. Tạo hóa mở then cửa để mùa màng, vật nuôi, cả đất trời bước vào cuộc chuyển sinh thần thánh. Tôi nhìn xuống dưới lớp đất bazan như thấy rõ những chùm rễ lặng lẽ nở hoa trong lòng đất. Uống thêm đi vài ngụm rượu cần. Nếu phải say và mệt thì cứ say và mệt. Có thế mới là mùa xuân. Lại nhớ thơ Y Phương: “Mùa hoa/ Mùa đàn ông/ Mệt như chiếc áo rũ/ Vừa vịn rào đi vừa ngái ngủ”… (Mùa hoa). 

Phạm Xuân Hùng


Ý kiến bạn đọc