Multimedia Đọc Báo in

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22: Bản hòa âm trên cao nguyên

08:11, 26/02/2024

Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 (Ngày thơ) sôi động và hấp dẫn.

Bám sát chủ đề chung, Ngày thơ tại Đắk Lắk mang tên “Bản hòa âm trên cao nguyên” diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi. Tiêu biểu như trích đoạn thơ của các nhà thơ tên tuổi trong nước, trong tỉnh in trên phướn, pa nô, tranh thư pháp giúp công chúng dễ dàng đọc các tác phẩm thơ ca đặc sắc; giao lưu trình diễn thơ của các nhà thơ trong và ngoài tỉnh... nhằm tôn vinh các giá trị của thơ ca Việt Nam và những người làm thơ; góp phần lan tỏa tình yêu với văn học nghệ thuật đến với nhiều tầng lớp của công chúng.

Các nghệ sĩ cùng đọc thơ tại ngày hội.

Nhà thơ Bích Xoan (Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk) chia sẻ: “Là một người làm thơ và yêu thơ, mỗi năm tham dự Ngày thơ tôi đều hồi hộp, xúc động. Ngày thơ năm nay, có nhiều học sinh, người yêu thơ tham dự, lại được thưởng thức nhiều tiết mục hấp dẫn, nhất là những bài thơ hay, tôi càng yêu thơ và muốn cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp thơ ca của Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng”.

Một trong những điểm nhấn của Ngày thơ năm nay chính là phần hội với các tiết mục văn nghệ, như diễn tấu cồng chiêng dân tộc Êđê, diễn tấu chiêng Mường, múa sạp dân tộc Thái, đàn tính – hát then… Đây là một bữa tiệc giao lưu văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, cũng chính là bản hòa âm về tinh thần đoàn kết cũng như sự phong phú đa dạng văn hóa của các dân tộc trên mảnh đất Đắk Lắk – Tây Nguyên. Chia sẻ về điều này, nhà văn Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk nói: “Thơ vẫn luôn có vị trí trong lòng công chúng, với chủ đề của ngày thơ năm nay, Ban tổ chức muốn góp thêm vào hoạt động văn hóa vốn nhiều chiều sâu mà sôi động của tỉnh nhà, đem đến cho công chúng những góc nhìn mới về thơ; khẳng định thơ ca nói riêng, văn hóa nghệ thuật nói chung có một sức mạnh hết sức to lớn, thắp lên tình yêu Tổ quốc trong mỗi người dân và mang đến cho con người những điều kỳ diệu…”.

Màn giao lưu nhạc cụ truyền thống tại Ngày thơ.
 

Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 năm 2024 tại Đắk Lắk được tổ chức với nhiều hình thức phong phú, giàu bản sắc văn hóa của các dân tộc sẽ khởi động cho các hoạt động văn học nghệ thuật của tỉnh nhà, góp phần lan tỏa vẻ đẹp đời sống và văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh”.

 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn

Là một trong những thành viên của Câu lạc bộ văn hóa Mường (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) tham dự biểu diễn tại Ngày thơ, chị Nguyễn Thị Ngọc Vân tâm sự: “Tôi và các thành viên của câu lạc bộ rất vinh dự vì được biểu diễn nét đặc sắc của dân tộc mình tại Ngày thơ. Không chỉ vậy, đây là cơ hội để chúng tôi hiểu thêm về thơ văn, yêu văn học nghệ thuật tỉnh nhà, nước nhà”.

Ngoài ra, tại Ngày thơ còn có nhiều hoạt động sôi nổi hưởng ứng như: viết chữ thư pháp nghệ thuật, giới thiệu nghệ thuật đan móc bằng len, sợi, nặn tò he, ký họa chân dung…, cũng đã đem đến không khí rộn ràng, đậm bản sắc; qua đó, tôn vinh giá trị văn hóa, tinh thần đoàn kết của các dân tộc cùng sinh sống trên mảnh đất cao nguyên Đắk Lắk.

Nhà văn Tống Phước Bảo (TP. Hồ Chí Minh) cho hay: “Tranh thủ những ngày cuối tuần lên Buôn Ma Thuột, tôi đã được tham dự Ngày thơ tại Đắk Lắk. Tôi thấy chương trình khá đa dạng các hoạt động và mang đậm dấu ấn Tây Nguyên, đông đảo người tham dự. Tôi rất thích và mở mang tầm mắt khi được lắng nghe âm thanh các nhạc cụ của các dân tộc, những bài thơ hay…”.

Ngày thơ chỉ diễn ra trong một ngày nhưng dư vị của “Bản hòa âm trên cao nguyên” thì đọng lại rất nhiều trong tâm trí người yêu thơ, công chúng cũng như văn nghệ sĩ. Tin rằng, đó chính là động lực để khởi đầu một năm mới với nhiều hoạt động văn học nghệ thuật sôi nổi, có chiều sâu. Đồng thời, đây là một trong những điểm nhấn văn hóa, chuẩn bị cho tổ chức kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024).

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.