Multimedia Đọc Báo in

Nô nức Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc ở Cư Êwi

08:26, 20/02/2024

Hòa cùng không khí mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn 2024, ngày 19/2, người dân địa phương và đông đảo du khách thập phương rộn ràng, nô nức về xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin) tham gia Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc.

Được ví như một “Tây Bắc thu nhỏ” trên Tây Nguyên, xã Cư Êwi là nơi hội tụ nhiều nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi phía Bắc. Mặc dù cuộc sống mưu sinh còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng đồng bào Tày, Nùng, Mường… trên địa bàn xã vẫn luôn nhớ về quê hương cũ và khát khao lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Một tiết mục văn nghệ tại Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc.

Hằng năm cứ vào dịp đầu xuân năm mới, Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc lại được tổ chức tại xã Cư Êwi nhằm tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc trên địa xã được giao lưu, giới thiệu các nét đẹp văn hóa truyền thống, góp phần thắt chặt khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Và năm 2024 là lần thứ 8, Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc được tổ chức tại đây. Không phụ sự kỳ vọng của người dân và du khách, lễ hội năm nay diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc như: hát then, sính cọ, hát lượn hà lều; các trò chơi dân gian như tung còn, lày cỏ, kéo co; thi ẩm thực với món heo quay, nấu cơm lam, gói bánh chưng, chuẩn bị mâm cúng ngày Tết...

Trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc Mường, bà Trần Thị Thủy (thôn 3, xã Cư Êwi) đã hòa mình vào từng tiếng đàn, từng điệu múa và ngân lên những làn điệu thể hiện khát vọng, nỗi nhớ, tình yêu quê hương của mình. Đối với bà Thủy, mỗi dịp được khoác lên mình bộ trang phục truyền thống của dân tộc, bà như được sống lại những năm tháng tuổi đôi mươi, là cách để bà thể hiện lòng tự hào, tình yêu dân tộc. “Sau những ngày tháng miệt mài việc đồng áng, mỗi dịp lễ hội, chị em chúng tôi lại xúng xính váy áo tham gia. Đây là nơi để mọi người có thể cùng nhau ôn lại những kỷ niệm, hát hò, tạm quên những căng thẳng sau thời gian làm việc vất vả”, bà Thủy chia sẻ.

Nghi thức mời rượu Tây Bắc được tái hiện tại lễ hội.

Hòa chung không khí nhộn nhịp của lễ hội, ông Nguyễn Lưu Sứ (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) cho biết, đến với lễ hội, ông bị choáng ngợp trước quy mô, sự đầu tư chỉn chu trong từng tiết mục văn nghệ, từng món ăn được chế biến bắt mắt thu hút sự hiếu kỳ của mọi người. Đặc biệt, những trò chơi dân gian như tung còn, lày cỏ, kéo co… được người dân nơi đây tái hiện rất chân thật và vui nhộn. “Lần đầu tiên đến đây, tôi đã bị thu hút bởi sự mến khách, nhiệt tình của người dân xã Cư Êwi, cũng như được chiêm ngưỡng nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thưởng thức ẩm thực đặc sắc và thử sức với các trò chơi dân gian”, ông Sứ vui vẻ nói.

Tham gia Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc năm nay còn có Nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền. Trong vòng tay yêu quý của bà con nhân dân, Nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền không giấu được cảm xúc khi chia sẻ về sự mến khách của người dân Cư Êwi. Nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền cũng mong muốn Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc sẽ được duy trì và ngày càng đổi mới nhằm bảo tồn, phát huy và đưa những giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc đến với đông đảo du khách gần xa.

Bí thư Huyện ủy Cư Kuin Phúc Bình Niê Kđăm và Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin Võ Tấn Huy tham quan các gian hàng tại lễ hội.

Ông Nguyễn Quốc Viện, Chủ tịch UBND xã Cư Êwi cho biết, xã Cư Êwi được thành lập từ năm 1993. Xã có 9 thôn, buôn, trong đó có 4 thôn đồng bào dân tộc thiểu số từ các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Bắc Giang… vào làm ăn, sinh sống. Qua nhiều năm gắn bó với mảnh đất Cư Êwi, được sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền các cấp, cuộc sống của người dân ngày càng được ổn định, phát triển. Điều này được thể hiện phần nào thông qua việc tổ chức và duy trì Lễ hội văn hóa dân gian Việt Bắc hằng năm.

Thúy Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.