Multimedia Đọc Báo in

Tiếng vọng từ tre nứa

08:16, 06/02/2024

Các dân tộc ở Đắk Lắk có rất nhiều nhạc cụ được chế tác từ tre, nứa, người Êđê có chiêng tre, đing k'tuut, đing năm, đing buốt, đing tăk tar, ky páh; hay người M'nông thì có tưng gơr, t'lung t'lơr, m'buăt, m'buốt… gắn liền với đời sống văn hóa, tâm linh cũng như tình cảm của con người.

Ngày nay, có thể môi trường diễn xướng đã bị thu hẹp, thế nhưng nhạc cụ từ tre nứa vẫn được phát huy, phát triển và có sự sáng tạo.

Nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh kế thừa vốn âm nhạc dân gian truyền thống từ tre nứa để sáng tạo ra nhạc cụ, các tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Cũng chính vì vậy mà các loại nhạc cụ này ngày càng được yêu thích, quan tâm, tạo thành một sợi dây kết nối, cộng cảm giữa các thế hệ, giữa người với người, người với thiên nhiên.

Lớp học nhạc cụ tre nứa của học sinh Êđê tại buôn Ea Kmar (xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin).

Hiện hầu hết các đội, nhóm, câu lạc bộ văn nghệ ở các buôn trên địa bàn tỉnh đều biết sử dụng nhạc cụ truyền thống từ tre nứa như ching kram (chiêng tre), đàn t’rưng…, đặc biệt là thanh thiếu niên, nhi đồng. Các em không chỉ biết chơi nhạc cụ, còn hiểu, yêu thích và lan tỏa điều đó ra cộng đồng.

Đội nhạc cụ buôn Kiều (xã Yang Mao, huyện Krông Bông) có 12 thành viên là người M’nông, hầu hết ở độ tuổi thiếu nhi, nhi đồng. Các em được nhóm thiện nguyện Palme’s Smile hỗ trợ địa điểm sinh hoạt, kinh phí sắm sửa nhạc cụ và mời thầy về giảng dạy.

Từ những đứa trẻ chưa biết gì về âm nhạc, đến nay các em đã có thể chơi được rất nhiều nhạc cụ truyền thống từ tre nứa.

Chị H’ Oan Êban (giáo viên quản lý) cho hay, ở buôn Kiều có thư viện, có sẵn nhạc cụ, không gian nên buổi tối các em thường tập trung lại để tập luyện. Với niềm đam mê và tinh thần ham học hỏi, qua hai năm tập luyện tích cực, các em đã có thể tham gia biểu diễn tại nhiều chương trình nghệ thuật trong tỉnh.

Còn nhớ lần đầu tiên biểu diễn trước công chúng là dịp Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023, ban đầu khá rụt rè, ngại ngùng, nhưng khi nhận được sự cổ vũ của các cô chú, anh chị, nhất là những tràng pháo tay nồng nhiệt từ du khách, các em rất phấn khởi, tự hào, thêm động lực để tiếp tục luyện tập. Tham gia trình diễn tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Đắk Lắk năm 2023, tiết mục của đội đã xuất sắc giành giải A.

Nhạc sĩ Nguyễn Trường hướng dẫn học sinh sử dụng nhạc cụ từ tre nứa. 

Lớp học nhạc cụ tre nứa của học sinh Êđê tại buôn Ea Kmar (xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) có khoảng 30 học sinh người Êđê sống tại buôn, hiện đang được nhạc sĩ Nguyễn Trường hướng dẫn, giảng dạy chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc từ tre, nứa.

Em H’Nhơ Ayun, một học sinh tham gia lớp học từ những ngày đầu tiên bày tỏ: “Trước đây, chủ nhật nào mà thầy cô không xuống thì chúng em buồn lắm, vì không ai hướng dẫn. Nhưng nay khi đã biết sử dụng nhạc cụ rồi thì tự bảo ban nhau tập luyện và kết nối”. Không những vậy, nay các em đã có thể sửa chữa những lỗi nhỏ và chế tác một số nhạc cụ đơn giản từ tre nứa.

Nhạc sĩ Nguyễn Trường chia sẻ: “Trong tâm hồn các em đã có sẵn tình yêu với âm nhạc dân tộc nên chỉ cần hướng dẫn thời gian ngắn là đã nhanh chóng nắm bắt được cách sử dụng. Trong đó, một số em có năng khiếu vượt trội và đam mê, nếu được định hướng, bồi dưỡng, tôi tin rằng có thể sẽ trở thành những nhân tố đầy tiềm năng”.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.