Multimedia Đọc Báo in

Ăn năm uống tháng chơi mùa

09:13, 29/03/2024

Ăn năm uống tháng” theo tiếng Kinh, tôi e rằng là cách dịch của một thi sĩ nào đó, bởi đọc lên như một… câu thơ. Người Êđê gọi chân chất là ăn uống năm mới (Bơng mnhum thun mrâo), người J’rai gọi là ăn năm mới (Bơng tơ kuh thun), người Ba Na gọi là tháng nghỉ ngơi (Ning nơng)…

Là một mùa lễ hội – nghỉ ngơi ăn uống truyền thống từ xa xưa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vào thời điểm nông nhàn đầu năm, như “tháng Giêng là tháng ăn chơi” của người miền xuôi, hội hè miên man.

Với những cư dân nông nghiệp vất vả quanh năm, đặc biệt là thời xưa, thì ăn uống luôn được xếp lên hàng đầu, như hai chữ “ăn Tết” của người Kinh đến nay vẫn còn thông dụng. Đâm trâu cũng gọi là “ăn trâu”, người chết ở nhà mồ cũng được cho “ăn uống”. Và còn cả “ăn rừng”. Như giải thích của Georges Condominas, nhà dân tộc học người Pháp, tác giả cuốn “Chúng tôi ăn rừng”, thì “ăn rừng” nghĩa là hạ cây rừng đốt rẫy trỉa lúa bắp, mỗi buôn làng “ăn” một mảnh khác nhau trong lãnh địa của mình...

Hơn 30 năm xê dịch với nghề báo, tôi không tính được bao nhiêu tháng ngày rời nhà lang thang khắp chốn cùng nơi “ăn cơm thiên hạ”. Ăn năm uống tháng chơi mùa. Mùa đông Tây Bắc, mùa sương khói A Lưới, mùa xuân Tây Nguyên, mùa nước nổi Tây Nam bộ.

Rượu cần không thể thiếu trong lễ hội ở Tây Nguyên. Ảnh: Hoàng Gia

Nhớ hơn 30 năm trước, đoàn đua xe đạp “Về thăm Trường Sơn” với gần 600 con người chúng tôi xuyên qua các tỉnh Tây Nguyên đúng vào mùa “ăn năm uống tháng”. Rượu ghè bên dòng Đắk Bla chảy ngược ở Kon Tum hòa cùng rượu ướp sâm lá Ngọc Linh. Rồi những món lần đầu tiên nghe và thấy, những cá gỏi kiến vàng, cá chua...

Đoàn dừng chân ở Gia Lai đón giao thừa năm mới 1993 rộn ràng với lễ đâm trâu. Được chứng kiến Anh hùng Đinh Núp khi ấy đã ngót 80 tuổi tự tay châm ngọn đuốc rực sáng cả một góc trời cao nguyên. Những tráng sĩ đóng khố, ngực trần tay cầm chắc ngọn giáo bước những vòng xoang quanh cột nêu buộc con trâu sừng sững. Những lời ca Ba Na, Êđê vang lên ca ngợi mùa màng, đón chào xuân mới bên những chóe rượu cần, những cơm lam, thịt nướng, rau rừng… Ánh mắt già Núp như có nước nhìn con cháu trong đêm hội.

Rồi đêm Ban Mê “cần cong như cánh nỏ, cần cong như vầng trăng, cần cong vòng tay em, điệu múa lên men rượu, anh say đến hai lần”. Nhớ lại những tháng năm trước đó rượu cần say dài miên man từ đất đỏ Ea H’leo qua Ban Mê tới Krông Pắc. Những trận mưa đầu mùa trên vùng đất đỏ đeo dính từng bước chân, khói bếp nhà sàn cuộn mờ những cành cây tán lá sũng ướt buổi chiều, mờ theo hương rượu cần ủ sắn dậy mùi chua chua. Mồi nhắm thường chỉ là lá sắn, lá tàu bay luộc, chén muối ớt, tươm hơn thì có bát canh cà đắng nấu suông, vài con cá suối nướng để nguyên ruột. Chóe rượu cạn thì lại ra giếng hì hục quay thả gầu xuống sâu hun hút vài chục mét múc nước. Đưa được gầu nước lên tỉnh hết cả rượu.

Năm ngoái, trên nhà dài nơi buôn cổ Akô Dhông giữa TP. Buôn Ma Thuột, tôi được bạn bè thết đãi một bữa thịnh soạn đủ món đủ vị, mới hình dung và cảm nhận một cách đầy đủ về văn hóa và triết lý ẩm thực của người Tây Nguyên. Điều đầu tiên là đẹp mắt. Đẹp mà không cầu kỳ bày biện như các nghệ nhân đầu bếp nhà hàng năm sao. Bảng màu ẩm thực trên bàn ăn cao nguyên vừa phong phú, vừa hoang dã, từ nguyên liệu chế biến cho đến những thứ phụ trợ. Có lá, hoa, củ quả, có cả… rễ. Ống tre cơm lam, lá chuối, bẹ chuối, lá rừng, rau rừng, măng rừng, củ rừng… Món sống, món chín, món gỏi, món trộn, món ủ muối, món luộc, món nướng, món canh… Đủ vị ngọt, chua, chát, cay, đắng, hăng, nồng, và có những thứ hương thứ vị bện lấy nhau thật khó gọi tên.

Những câu thơ hay nhất về Tây Nguyên, không nghi ngờ gì nữa, đó là “Tháng ba mùa con ong đi lấy mật/Mùa con voi xuống sống hút nước…” của nhà thơ Thân Như Thơ, được nhạc sĩ Văn Thắng phổ thành bài hát Tháng ba Tây Nguyên. Và “Trời sáng em lên rẫy/Thấy bóng cây Kơ nia/Bóng ngả che ngực em/Về nhớ anh, không ngủ/…/Mẹ hỏi cây Kơ nia/Rễ mày uống nước đâu?/Uống nước nguồn miền Bắc…” của nhà thơ Ngọc Anh, được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu thành bài hát Bóng cây Kơ nia.

Tác giả (giữa) bên dũng sĩ đâm trâu mùa lễ hội 1993.

Thật trùng hợp, cả hai nhà thơ Thân Như Thơ và Ngọc Anh đều quê Quảng Nam, cùng tập kết ra Bắc rồi cùng vào chiến trường Tây Nguyên gắn bó như máu thịt và có những sáng tác để đời cho vùng đất này. 

Những tác phẩm này đã quá nổi tiếng, nhiều người đã nói đã viết. Riêng tôi, một liên tưởng thú vị chợt nhận ra, đó là mùa “ăn năm uống tháng” không chỉ dành riêng cho con người nơi cao nguyên. Mà còn là mùa hội hè ẩm thực của muôn loài, mùa ong lấy mật, voi hút nước, rễ Kơ nia uống nguồn nước tổ tiên.

Và còn trong câu thơ này nữa của nhà thơ Ngọc Anh “Đất ông bà/ Ta nhớ ta thương/ Nhớ rẫy cũ làng xưa/ Nhớ mùa gặt mới/ Nhớ tiếng trâu ngoài làng/ Tiếng voi đằng xa/ Và tiếng chim ăn hoa buổi sáng”.

“Tiếng chim ăn hoa buổi sáng”. Còn gì trong vắt và tuyệt vời hơn thế, với tháng ba Tây Nguyên…

Trần Tuấn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.