Multimedia Đọc Báo in

Kèn đing buốt gọi ai?

09:03, 28/03/2024

Một ngọn gió thoảng qua làm những ống nứa được treo trước hiên nhà dài, bên hông cửa sổ, cuối chái bếp hay bất kỳ ở đâu rung lên âm thanh rất lạ - vừa như hờn trách, oán thán, vừa như tha thiết, vỗ về…

Tôi cảm nhận điều đó rõ ràng và sâu kín hơn khi nghe Y Thu Êban (buôn Bông, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) độc tấu kèn đing buốt và kể câu chuyện hết sức cảm động có liên quan đến loại nhạc cụ vốn mộc mạc, gần gũi này.

Chuyện rằng, ngày xửa ngày xưa có hai bà cháu sống với nhau đầm ấm và tràn ngập yêu thương trong ngôi nhà nhỏ ven rừng. Một hôm hai bà cháu đi hái rau về nấu ăn bữa tối. Người cháu vào bếp một hồi, rồi bưng lên nồi canh cho bà, nhìn rau chỉ còn một nhúm, nghĩ đứa cháu mình đã ăn bớt nên bà có lời trách móc. Đứa cháu buồn vì bị trách oan bèn lặng lẽ bỏ đi. Một con trăng, ba con trăng, rồi mười con trăng đi qua mà không thấy đứa cháu trở về. Bà vượt qua năm rừng bảy núi để tìm cháu, nhưng chẳng thấy đâu. Ngày nào bà cũng buồn bã, ngồi lặng trông đứa cháu trước hiên nhà. Một ngọn gió thổi qua khiến những ống tre nứa dựng lên gần đó bỗng dưng cựa quậy và phát ra những âm thanh vừa như hờn trách, oán thán, vừa như tha thiết, vỗ về. Hóa ra đứa cháu đã chết trong rừng và linh hồn nó hóa thành ngọn gió trở về bên người thân của mình. Từ đó, trong ngôi nhà dài nhỏ bé nép mình bên cánh rừng kia, nhiều ống tre nứa nhỏ to, dài ngắn khác nhau được được người bà đáng trách và cũng đáng thương ấy treo lên để được nghe lời thì thầm của đứa cháu theo ngọn gió vỗ về.

Nghệ nhân Y Míp Ayun (bên trái) và nghệ nhân Ama H’Loan được Bảo tàng Đắk Lắk thường xuyên mời đến chế tác và trình diễn các loại nhạc cụ tre nứa (trong đó có kèn đing buốt) phục vụ du khách.

Câu chuyện cảm động khiến dân làng thấu cảm và họ đã đặt lời cho bài dân ca mà đến nay cộng người Êđê, J’rai, Bana hay Sê đăng đều thuộc nằm lòng: “Gọi cháu về”. Bài dân ca này, tôi có dịp hỏi nhạc sĩ Y Phôn Ksor và anh bảo rằng: Người thì lấy đó làm tự sự và an ủi khi mất mát, tổn thương một điều gì đó trong đời; kẻ thì hát ru con cháu như lời nhắn nhủ cùng hy vọng khôn cùng. “Ờ ơi… ngồi đây mà đợi con về/lòng như ngọn gió chưa hề nguôi ngoai…”. Y Phôn ngân lên lời ca bằng tiếng mẹ đẻ của mình với nhịp điệu, tiết tấu chầm chậm (2-2-4) làm tôi liên tưởng ngay đến ca khác nổi tiếng “Đôi chân trần” của anh: “Một mình lang thang qua núi đồi/tìm lại lời ru ngàn đời”. Anh chia sẻ rằng từ vốn dân ca, dân nhạc Êđê ấy, anh đã kế thừa và viết nên nhiều ca khúc được công chúng mến mộ, đón nhận trong thời gian qua. Y Phôn còn cho biết, từ âm thanh phát ra qua những ống nứa kia, người Êđê đã sáng tạo ra chiếc kèn đing buốt như ngày nay để thổi những bài dân ca truyền thống, trong đó “Gọi cháu về” là làn điệu quen thuộc nhất được nhiều người biết đến.

Nhạc sĩ này còn bảo kèn đing buốt phải thổi một mình, không bao giờ bè chung với những loại nhạc cụ khác. Xưa nay đều vậy và có lẽ đó cũng là cách để người ta bày tỏ tâm tư, nỗi nhớ về nhau khi xa cách. Thanh âm, tiết tấu của kèn đing buốt là tiếng lòng của nỗi nhớ, tình yêu bao la và đằm thắm được linh hồn đứa bé trong câu chuyện cảm động trên hóa thân vào đó. Cho nên, có lần Nghệ nhân Ưu tú Ama H’Loan (buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) nói với tôi: “Kèn đing buốt không hề thay đổi, hay nói đúng hơn là không được phép cách điệu hay sáng tạo thêm trong khi chế tác. Chỉ một ống nứa dài hay ngắn, tùy người sử dụng, trên đó khoét từ 3 - 4 lỗ để dùng tay (bấm, rung chặn, vuốt) khi thổi vào đầu ống có gắn lưỡi gà làm bằng cật tre già vuốt mỏng. Chiếc kèn được gìn giữ nguyên bản như vậy cũng là để nhắc nhở mọi người không bao giờ quên câu chuyện xưa - và hơn thế là để linh hồn của cháu bé theo ngọn gió trở về trú ngụ trong đó, rồi ngân lên những thanh âm như tôi cũng như những ai đã từng nghe kèn đing buốt một lần”.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.