Đặc sắc “hội làng”
Ngày hội các làng văn hóa huyện Cư M’gar lần thứ IX năm 2024 được tổ chức trung tuần tháng Tư vừa qua, sau 5 năm gián đoạn do đại dịch COVID-19. Ngày hội đã trở thành "hội làng" lan tỏa, thấm sâu vào tiềm thức cộng đồng của các dân tộc nơi đây.
Ngày hội các Làng văn hóa huyện Cư M'gar lần này diễn ra với nhiều hoạt động hấp dẫn, ý nghĩa như: diễn tấu cồng chiêng; thi trại đẹp; văn nghệ; người đẹp làng văn hóa; mâm cơm truyền thống; thi đấu các môn thể thao dân gian như: đập niêu, đẩy gậy, cà kheo, bao bố, kéo co... Nội dung nào cũng nhận được sự tham gia, hưởng ứng, cổ vũ nhiệt tình của đông đảo người dân.
Phần thi mâm cơm truyền thống tại Ngày hội. |
Với bà Xiên Thị Lan, buôn Thái (xã Ea Kuêh) việc mang lời ca, tiếng hát, những điệu múa truyền thống của dân tộc Thái biểu diễn, giao lưu tại ngày hội là niềm vui lớn đối với bà.
Theo bà, đồng bào các dân tộc thiểu số ai cũng yêu mến, trân trọng và lưu giữ những bản sắc, truyền thống văn hóa riêng của dân tộc mình.
Mỗi dịp “hội làng” được tổ chức là cơ hội để mọi người giao lưu, cùng nhau tìm hiểu, giữ gìn bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc. Đặc biệt, trong ngày hội, bên cạnh việc tham gia sôi nổi các hoạt động văn hóa, thể thao, các thế hệ trẻ sinh sống trên địa bàn huyện còn hiểu thêm về những nét đẹp văn hóa, nghi lễ, ẩm thực truyền thống của các dân tộc sinh sống trên quê hương mình.
Các vận động viên tham gia thi nhảy bao bố tại Ngày hội. |
Cái được lớn nhất của Ngày hội các làng văn hóa huyện Cư M’gar là ý nghĩa gắn kết cộng đồng cư dân ở thôn, xã qua quá trình tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao… và bảo tồn, giữ gìn văn hóa của các dân tộc chung sống trên địa bàn. Ý thức trách nhiệm với cộng đồng dân cư, đoàn kết dân tộc vì thế mà được củng cố hơn”. Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar Y Wem Hwing
|
Anh Y Sirô Niê, dân tộc Êđê ở buôn Tah (xã Ea Drơng) chia sẻ, dù đang vào mùa cao điểm tưới cà phê, làm bông cho cây sầu riêng, nhưng anh vẫn sắp xếp tham gia thi cắm trại, biểu diễn văn nghệ, thi đấu thể thao.
Tham gia ngày hội, anh cũng như nhiều người dân khác trong buôn hiểu thêm được nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc để cùng nhau gìn giữ, phát huy.
Cộng đồng 24 dân tộc cùng sinh sống, lập nghiệp tại 171 thôn, buôn, tổ dân phố thuộc 17 xã, thị trấn trong toàn huyện đã tạo nên điểm nhấn văn hóa sinh động tại Ngày hội các làng văn hóa huyện Cư M’gar lần thứ IX.
Đó là không gian diễn tấu cồng chiêng của dân tộc Êđê, những điệu múa xòe, múa sạp của dân tộc Thái được biểu diễn, tiếng đàn tính, hát then của dân tộc Tày - Nùng, những trang phục mang nét đặc trưng riêng, các món ăn truyền thống được chế biến, thưởng thức...
Tất cả “sắc màu văn hóa” của các dân tộc được hội tụ trong ngày hội đã mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho người dân, du khách.
Ông Y Wem Hwing, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, mục đích của ngày hội là chú trọng giữ gìn, bảo tồn nét đẹp truyền thống của dân tộc, rèn luyện sức khỏe, đồng thời quảng bá tiềm năng, thế mạnh về kinh tế - xã hội, nét văn hóa đặc sắc của quê hương Cư M’gar.
Vì vậy, qua nhiều lần tổ chức, huyện chú trọng tăng cường công tác quản lý, mở rộng quy mô, tổ chức các nội dung bài bản hơn; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để bà con nâng cao ý thức, tự hào và bảo vệ vốn văn hóa quý báu của dân tộc mình, cùng nhau đoàn kết xây dựng quê hương.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc