Thêm một cẩm nang quý về vùng đất và con người Tây Nguyên
“Những anh hùng Tây Nguyên từ huyền thoại đến hiện đại” là tên cuốn sách do hai tác giả Nguyễn Ngọc Thanh và Nguyễn Thanh Tùng biên soạn, được NXB Thông tin & Truyền thông ấn hành năm 2019.
Cuốn sách do Nhà nước đặt hàng, nhằm “giới thiệu cho bạn đọc những thông tin cụ thể về những hình tượng, những con người ưu tú đại diện cho tinh thần, ý chí chiến đấu bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước của đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên...”.
Đọc cuốn sách này chúng ta sẽ có được một nhận thức bao quát, cơ bản về lịch sử của vùng đất Tây Nguyên, đặc biệt là về con người Tây Nguyên - một vùng đất có nhiều tộc người; từ xa xưa đã phải sống vật lộn, chống chọi với mưa nguồn thác lũ, nắng cháy da, nổ đá; chống chọi với thú dữ và các thế lực xâm lược. Nhờ vậy họ đã tôi luyện được cho mình ý chí phi thường, nghị lực kiên cường, bất khuất.
Từ ý chí và nghị lực đó, các thế hệ người Tây Nguyên bản địa đã sản sinh nhiều anh hùng nổi tiếng, thể hiện trong các huyền thoại, sử thi và trong các tác phẩm báo chí, văn học thời hiện đại. Chưa thật đầy đủ, nhưng đọc cuốn sách này chúng ta sẽ có thêm nhiều hiểu biết về 37 anh hùng được các tác giả chọn đưa vào sách.
Sách được chia làm ba chương. Ở chương I “Các anh hùng trong huyền thoại”, người đọc sẽ biết tới 11 anh hùng được kể trong các sử thi Êđê, M’nông, Ba na, Xê đăng, gồm: Đăm San, Đăm Di, Đăm Trao, Đăm Rao, Klu, Kla, Tiăng và Leeng, Đăm Noi, Giông Trang Yuăn, Đăm Giông. Chương II “Các thủ lĩnh Tây Nguyên trước năm 1945”, các tác giả giới thiệu 6 anh hùng: Ama Jhao, N’Trang Gưh, Vua Lửa Ôi Ất, N’Trang Lơng, Săm Brăm, Y Jút. Chương III “Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh” người đọc sẽ được biết cụ thể về 20 anh hùng, nổi tiếng như Đinh Núp, A Dừa, Kpă Klơng, A Tranh, Đinh Văn Gió, Y Thuyên Ksor, A Xâu, A Viu, A Khanh, K’pa Ó, Rơ Ô Cheo...
Từ hàng vạn trang sách, báo, tài liệu viết về các anh hùng kể trên, hai tác giả đã đọc, tham khảo, biên soạn lại, đưa vào 230 trang sách khổ nhỏ (14,5 x 20,5 cm), nhưng vẫn hấp dẫn được người đọc, thực sự là một công việc không dễ dàng, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và trí tuệ.
Chẳng hạn về anh hùng Đăm San, từ 2.077 câu sử thi các tác giả phải cô lại trong 7 trang sách. Dẫu vậy đọc Đăm San trong cuốn sách này, ta vẫn thấy hiện lên tất cả vẻ đẹp của người anh hùng, sự kỳ vĩ, hoành tráng của thiên nhiên, thấy được sự khốc liệt của những cuộc chiến giữa các tù trưởng, các bộ lạc.
Ví dụ, vẻ đẹp của nàng H’Nhị: “... lướt thướt như cành blô lả ngọn, lượt thượt như cành klơng lia, cái váy nàng mặc màu đen điểm hoa ê nam, điểm hoa hbiê, rọi lên những tia sáng muôn màu”.
Hoặc, khi Đăm San đánh nhau với Mtao để đòi lại người yêu bị hắn bắt cóc: “Chàng múa (khiên) như gió bão. Một lần xốc tới, chàng nhảy một đồi tranh. Một lần xốc tới nữa, chàng vượt một đồi lồ ô. Khi chàng múa chạy nước kiệu, quả núi ba lần rạn nứt, ba đồi tranh bật rễ bay tung”... Rõ ràng là sự hấp dẫn vẫn không mất đi dù các tác giả đã kể lại sử thi này giản lược nhất.
Điều thiết thực nhất ở cuốn sách này là: có nhiều anh hùng được đặt tên cho đường phố ở Buôn Ma Thuột, như Đinh Núp, A Dừa, Đinh Văn Gió, Y Thuyên Ksor, Săm Brăm... nhưng nhiều người dân cư trú trên các đường phố đó không biết rõ những anh hùng đó thuộc dân tộc nào, quê quán ở đâu, thành tích/chiến công gì nổi bật?... thì đọc cuốn sách này họ sẽ biết rõ.
Chẳng hạn, một người quen của tôi ở đường Y Thuyên Ksor (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) từng thắc mắc: “Y Thuyên Ksor là ai? Nhà tôi ở trên đường phố này, nhưng không biết ông Y Thuyên Ksor là ai cả”...
Câu trả lời có trong nội dung cuốn sách “Những anh hùng Tây Nguyên từ huyền thoại đến hiện đại”: Y Thuyên Ksor sinh năm 1945, người M’nông, quê ở xã Yang Mao, huyện Krông Bông, tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi, hoạt động rất hăng hái, tích cực, lập được nhiều chiến công.
Vì thế đến năm 1963, lúc Y Thuyên đúng 18 tuổi, anh được kết nạp Đảng. Sau giải phóng (1975), Y Thuyên có nhiều thành tích nổi bật về vận động quần chúng chống FULRO. Năm 1977, anh hy sinh do bị FULRO phục kích sát hại. Hy sinh ở tuổi 32, nhưng Y Thuyên đã có tới 16 năm tham gia cách mạng và lập được nhiều chiến công lớn.
Vì thế anh đã được tặng thưởng Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Giải phóng hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Nhì. Năm 1996, anh được Chủ tịch nước phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Cuốn sách cũng là một tài liệu quý cho những người viết văn, viết báo, có thể tra cứu, tham khảo khi viết các nội dung có liên quan đến lịch sử của vùng đất và con người Tây Nguyên.
Đặng Bá Tiến
Ý kiến bạn đọc