Mo Mường - Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp
Tập quán xã hội và tín ngưỡng Mo Mường tỉnh Đắk Lắk vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đây là niềm tự hào và cũng là trách nhiệm của địa phương trong việc tiếp tục gìn giữ giá trị Di sản văn hóa Mo Mường.
Người Mường tại Đắk Lắk chủ yếu di cư từ các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa đến sinh sống và lập nghiệp, tập trung đông nhất ở TP. Buôn Ma Thuột, các huyện Ea Kar, Krông Năng, Krông Bông và Ea H'leo. Tuy sinh sống ở Tây Nguyên nhưng người Mường vẫn duy trì và gìn giữ nhiều phong tục, tập quán, văn hóa, nghi lễ của tổ tiên, đặc biệt là Mo Mường. Mo Mường là hoạt động diễn xướng văn hóa dân gian được thể hiện trong các nghi lễ gắn với đời sống tín ngưỡng tâm linh của người Mường.
Thầy mo Len Văn Huân (xã Cư Drăm, huyện Krông Bông) cho hay: “Mo Mường là phong tục, bản sắc của người Mường, cho dù vào đây sống nhiều năm nhưng tôi vẫn giữ gìn. Khi tìm hiểu về Mo Mường, mọi người sẽ thấy không chỉ có những giá trị về lịch sử, mà các bài mo còn mang ý nghĩa nhân văn, giáo dục rất cao. Như trong tang ma, khi đưa người quá cố về nơi an nghỉ, có mo "đẻ đất đẻ nước", trong phần này người chết sẽ được nghe kể chuyện về sự hình thành của vạn vật, của đất trời, của người Mường; rồi đến mo lên trời, mo dặn con dặn cháu…”.
Ông Nguyễn Vương Hoàng (Viện Âm nhạc Việt Nam) (bìa phải) trò chuyện với thầy mo tại xã Ea Pal (huyện Ea Kar). |
Với những giá trị to lớn, Mo Mường thực sự là “viên ngọc quý” trong kho tàng văn hóa dân gian của người Mường nói riêng và người Việt nói chung. Tuy nhiên, di sản này đang phải đối mặt nguy cơ mai một. Một trong những nguyên nhân là do người Mường không có chữ viết, nội dung bài mo được các ông mo, thầy mo ghi nhớ và truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Vì vậy, trong quá trình lưu truyền, bảo tồn số lượng câu mo, bài mo không còn được đầy đủ như ban đầu.
Hơn thế, trước sự phát triển của kinh tế thị trường, sự giao thoa của văn hóa các dân tộc và đặc biệt là sự thâm nhập văn hóa ngoại lai khác trên thế giới đã khiến cho Di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường đang đứng trước nguy cơ dần bị mai một, biến đổi.
Bên cạnh đó, thầy mo - người am hiểu phong tục, tập quán, luật lệ, là người thực hành các nghi lễ mo, hiện ngày càng ít dần. Theo kết quả điều tra dân số năm 2019, người Mường ở Đắk Lắk có 16.656 người, trong đó chỉ có 12 người biết thực hành Mo Mường, trong đó có 7 người biết khá đầy đủ các bài Mo Mường trong các lễ, đặc biệt là mo trong đám tang. Ông Nguyễn Vương Hoàng (Viện Âm nhạc Việt Nam) cho hay, khi đơn vị phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện khảo sát kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã nhận thấy số lượng các thầy mo thiếu khá nhiều, nhất là thầy mo có thể thực hiện mo trong tang ma của người Mường; các dụng cụ thực hiện trong các buổi lễ, nghi thức cũng không đầy đủ…”.
Trong khi đó, trong cộng đồng người Mường, ông mo là những trí thức dân gian, người có uy tín trong cộng đồng. Vì vậy, thầy mo ngoài việc có tố chất, am hiểu sâu sắc về văn hóa Mường, thì còn phải có đạo đức, uy tín và đầy đủ đạo cụ, đồ cúng từ các đời cha ông đã từng làm nghề truyền lại. Vì vậy số lượng người hành nghề và có khả năng theo học làm thầy mo không nhiều.
Lễ mo Thượng thọ của người Mường tại thôn 9 (xã Ea Pal, huyện Ea Kar). |
Với các thầy mo trên địa bàn tỉnh, phần lớn đều trên 60 tuổi và chưa có học trò theo học. Nguyên nhân việc truyền dạy Mo Mường gặp rất nhiều khó khăn là do các thầy tuổi đã cao, thiếu kinh nghiệm truyền đạt, phương pháp truyền dạy; bản thân người theo học làm thầy mo phải hội tụ nhiều yếu tố như con người, trí thức, tâm linh. Điều đáng tiếc là hiện nay chưa có thầy mo nào trên địa bàn tỉnh được công nhận là nghệ nhân Mo Mường và được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.
Mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể gắn với tập quán xã hội cộng đồng của người Mường, đang đứng trước nguy cơ mai một cần bảo vệ khẩn cấp. Vì vậy, để bảo vệ và phát huy giá trị di sản Mo Mường cần có những giải pháp mang tính đặc thù, sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và sự tham gia trực tiếp của cộng đồng nắm giữ và thực hành di sản là những nghệ nhân Mo Mường.
Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã điều tra, thống kê và đánh giá thực trạng di sản Mo Mường ở các địa phương trên địa bàn tỉnh để có giải pháp quan tâm, đầu tư đúng hướng. Hy vọng rằng, các cấp, các ngành sẽ có cơ chế, chính sách động viên kịp thời các thầy mo uy tín trong cộng đồng thông qua phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, hỗ trợ về vật chất và tinh thần để họ có thêm động lực, tâm huyết gìn giữ vốn cổ của dân tộc và truyền lại đời sau…
Theo văn bản số 2082/VPCP-KGVX, ngày 29/3/2024 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đồng ý đệ trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) xem xét, đưa Di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. |
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc