Multimedia Đọc Báo in

Sân chơi hấp dẫn của văn học - nghệ thuật thiếu nhi

08:27, 28/07/2024

Trại bồi dưỡng sáng tác Văn học Nghệ thuật (VHNT) Hương rừng (Trại sáng tác Hương rừng) năm 2024 được Hội VHNT tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức từ ngày 18 - 22/7 vừa qua đã tạo sân chơi thú vị, ươm mầm những tài năng VHNT thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh.

Nhiều mới mẻ, thú vị

Trại sáng tác Hương rừng duy trì được hơn 20 năm. Năm nay có 36 trại sinh tham gia, trong đó gần một nửa là những em đã từng tham gia trại sáng tác ở những năm trước.

Theo nhà văn Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, Trưởng Ban tổ chức, chương trình hoạt động của Trại sáng tác Hương rừng mỗi năm đều thay đổi, không lặp lại để các trại sinh luôn cảm thấy hấp dẫn, hứng thú, kể cả với những em đã từng tham gia.

Trại sinh Trại sáng tác Hương rừng năm 2024 chụp hình lưu niệm cột mốc số 46 tại Đồn Biên phòng Bo Heng. Ảnh: Thúy An

Trại sáng tác Hương rừng năm nay có nhiều đổi mới. Đây là năm đầu tiên chương trình có thêm mảng hội họa bên cạnh văn, thơ. Họa sĩ Trương Văn Linh, Trưởng khoa Mỹ thuật, Trường Cao đẳng VHNT Đắk Lắk cho biết: “Năm nay có 14 trại sinh tham gia mảng hội họa. Qua quá trình hướng dẫn, tôi rất mừng vì các em vừa có năng khiếu, vừa giàu lòng yêu quê hương, đất nước. Hy vọng những năm sau, trại sáng tác tiếp tục duy trì mảng này để các trại sinh thêm cơ hội trải nghiệm về thẩm mỹ, gắn bó và yêu vẻ đẹp thiên nhiên, con người nơi mình sinh sống…”.

 

“Các tác phẩm được sáng tác tại Trại sáng tác Hương rừng năm 2024 sẽ được chúng tôi biên tập và chọn lọc đăng trên các ấn phẩm như Mực Tím, Khăn Quàng Đỏ, Nhi Đồng… để giới thiệu đến độc giả cả nước” - Nhà văn Trần Gia Bảo, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ - phụ trách khối ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ.

Trong suốt quá trình tham gia trại sáng tác, các trại sinh được đi thực tế, tìm hiểu, trải nghiệm rất nhiều chương trình. Đó là những buổi học tập, thăm di tích lịch sử với chiến sĩ Đồn Biên phòng Bo Heng; tìm hiểu văn hóa rừng, ngắm những chú voi tại Vườn Quốc gia Yok Don; giao lưu với thiếu nhi buôn Đrang Phốk (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn); trải nghiệm “Một ngày làm chiến sĩ” tại Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh); tham quan Bảo tàng Thế giới cà phê, Bảo tàng Ama H’Mai… Mỗi một điểm đến, được nhìn, ngắm, cảm nhận đã mang đến cho trại sinh nhiều trải nghiệm thú vị, bài học và tư liệu quý giá.

Từ những chất liệu thực tế đó, các em được các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ của trung ương, địa phương hướng dẫn sáng tác tác phẩm ở nhiều thể loại như văn xuôi, thơ, truyện ngắn, truyện đồng thoại, hội họa…

Nhân đôi niềm vui

Hiện nay, ngày càng có nhiều loại hình giải trí hiện đại thì việc trao cơ hội cho các em thiếu nhi được trải nghiệm và cảm nhận về tình yêu với VHNT, là một món quà cần thiết, hữu ích. Tham gia Trại sáng tác Hương rừng, các trại sinh không chỉ học để viết văn, viết thơ, vẽ đẹp còn được trang bị thêm kỹ năng sống, cách ứng xử và khả năng hòa nhập.

Em Bùi Nguyễn Ý An (lớp 12A5, Trường THPT DTNT Nơ Trang Lơng) trải lòng: “Trại sáng tác năm nay không phải là hành trình dài nhưng lại mang đến những giá trị lớn lao. Em có cơ hội được đi đến nhiều nơi, khám phá những điều chưa biết; được tiếp thu kiến thức, không chỉ là văn chương mà còn là vốn sống, tình yêu thương của người nghệ sĩ”.

Hầu hết với tất cả trại sinh, tâm trạng háo hức từ ngày đầu tham gia vẫn không mất đi cho đến ngày kết thúc; những ngại ngùng, lạ lẫm ban đầu dần nhường chỗ cho sự mạnh dạn, ấm áp tình yêu thương. Các em đã biết quý hơn tuổi hồn nhiên của mình và chính những người lớn cũng trở nên trẻ hơn.

Những tác phẩm mỹ thuật được sáng tác tại Trại sáng tác Hương rừng năm 2024.

Nhà văn Trần Gia Bảo, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ - phụ trách khối ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ bày tỏ, đã học được rất nhiều điều từ chính các trại viên. “Ở góc độ là người đứng lớp, gắn bó, chia sẻ từ các chuyến đi thực tế, tôi nhận thấy các em rất thông minh, sáng tạo, yêu VHNT. Đây là một chương trình không chỉ dừng lại ở việc hướng dẫn VHNT mà còn giáo dục về lịch sử, chính trị, lòng yêu thương, kể cả vấn đề bảo vệ môi trường, kỹ năng sống… với nhiều bài học giá trị”, nhà văn nhận định.

Ông Phạm Ngọc Hùng (huyện Cư Kuin) rất xúc động và tự hào khi con gái Phạm Bùi Thủy Linh được tham gia Trại sáng tác Hương rừng 2024. Ông Hùng chia sẻ rằng sau chuyến đi, Thủy Linh đã mạnh dạn hơn rất nhiều, có những ước mơ và cố gắng thực hiện điều đó.

Với Trại sáng tác Hương rừng lần này, ban tổ chức không đặt nặng số lượng, hy vọng ở chất lượng tác phẩm. Do đó, mỗi trại sinh tham gia đều có tinh thần tự giác, khám phá, tìm tòi sáng tạo, có trách nhiệm với tác phẩm của mình. Nhiều bạn đã dự định sáng tác, xuất bản tác phẩm trong thời gian tới như em Phạm Quang Hùng (lớp 12B2, Trường THPT Ngô Gia Tự, huyện Ea Kar). Dù lần đầu tiên tham gia Trại sáng tác Hương rừng nhưng Hùng cũng đã thu hoạch được khá nhiều tư liệu. Hiện nay, Hùng đã hoàn thành dàn ý truyện ngắn và sẽ hoàn thiện tác phẩm trong thời gian sớm nhất.

Chỉ một thời gian ngắn nữa, với sự nỗ lực của những người làm công tác tổ chức, niềm đam mê của các trại sinh Trại sáng tác Hương rừng, trên diễn đàn VHNT của Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung sẽ xuất hiện những tác phẩm VHNT chất lượng dành cho thiếu nhi do chính thiếu nhi sáng tác.

Mai Sao


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.