Khơi dậy niềm đam mê nghề đan lát
Gần một tháng nay, đều đặn từ ngày thứ hai đến thứ sáu hằng tuần, các em nhỏ ở xã Yang Tao, huyện Lắk đều tập trung tại buôn Dơng Băk - khu vực thực hành và trưng bày sản phẩm gốm thủ công của xã Yang Tao để học nghề đan lát truyền thống.
Những người truyền lửa
Lớp học được Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lắk phối hợp với xã Yang Tao tổ chức trong thời gian một tháng (từ ngày 12/7 - 12/8/2024). Đây là chương trình nhằm thực hiện Dự 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch” năm 2024 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn huyện Lắk.
Đến với lớp học, các học viên được hai nghệ nhân ở xã Yang Tao trao đổi về nguồn gốc, xuất xứ, nguyên liệu để làm ra các sản phẩm mây tre đan. Đồng thời trực tiếp truyền dạy kỹ năng, cách đan các sản phẩm như: gùi, rổ, rá, nia, đồ dùng bắt cá… và thực hành hoàn thiện sản phẩm.
Nghệ nhân hướng dẫn học viên các bước đan cơ bản. |
Dù đã 77 tuổi nhưng nghệ nhân Y Khăm Kmăn (trú buôn Yôk Đuôn) vẫn thoăn thoắt các thao tác đan lát thủ công truyền thống của người M’nông. Vì vậy, khi được mời làm người hướng dẫn cho các học viên của lớp đan lát, già đã vui vẻ nhận lời. Già Y Khăm tâm sự, hiện nay trong các buôn làng ở xã Yang Tao, số người biết nghề đan lát còn lại rất ít, chủ yếu là người đã lớn tuổi. Vì vậy, việc mở lớp học này là rất cần thiết, qua đó góp phần bảo tồn và gìn giữ nghề truyền thống của đồng bào M’nông tại huyện Lắk. Được giao là người hướng dẫn cho các học viên, già cảm thấy rất vui, phần vì già có thêm môi trường để thỏa lòng đam mê với nghề, phần vì được đóng góp một chút công sức nhỏ của mình cho thế hệ trẻ.
Là học viên lớn tuổi nhất của lớp học, bà H Phiết Uông bộc bạch, khác với quan điểm trước đây, nghề đan lát chỉ dành cho đàn ông thì ở lớp học này phụ nữ lớn tuổi và các bé gái cũng tham gia học nghề. Theo bà, nghề đan lát đòi hỏi người học phải tỉ mỉ, cẩn thận nên việc phụ nữ học nghề này không quá khó. Tuy nhiên, đối với công đoạn chẻ nan, vót nan thì khó khăn hơn vì dễ đứt tay. Riêng bản thân bà biết đến nghề đan lát cách đây khoảng 5 năm. Trong thời gian này, bà cùng chồng làm ra nhiều sản phẩm là những vật dụng quen thuộc trong gia đình như gùi, rổ, nia… Do đã làm quen và hoàn thiện nhiều sản phẩm nên ngoài việc học nâng cao kỹ năng cho bản thân, bà còn hướng dẫn các học viên lần đầu làm quen với nghề đan lát.
Mùa hè thêm bổ ích
Em H Diễm Bkrông (13 tuổi, trú buôn Dơng Guôl, xã Yang Tao) chia sẻ, lớp học mở ra đúng dịp nghỉ hè nên em và các bạn có cơ hội được tìm hiểu về nghề truyền thống đan lát của dân tộc mình. Tham gia lớp học, em được các nghệ nhân chỉ dạy tận tình, tỉ mỉ từ cách chẻ, vót nan đến luồn sợi. Những ngày đầu, việc thực hành còn lúng túng nhưng đến nay em đã thành thạo hơn và hoàn thành được một số sản phẩm đơn giản.
Đang tỉ mẩn luồn từng sợi nan để hoàn thiện dụng cụ đựng cá của người M’nông, em Lê Du Y Hoàng (12 tuổi, trú buôn Dơng Bắk) bày tỏ, lớp học không chỉ giúp chúng em hạn chế nhiều việc coi ti vi, điện thoại mà còn là nơi để em và các bạn biết thêm về nghề truyền thống đan lát của ông cha mình.
Học viên Lê Du Y Hoàng tỉ mỉ luồn từng sợi nan. |
Chủ tịch UBND xã Yang Tao H Loan Uông cho biết, đan lát là nghề thủ công truyền thống gắn liền với tập quán sinh hoạt, sản xuất lâu đời của người M’nông tại địa phương. Với đặc thù có hơn 96% dân số là người M’nông, nguồn nguyên liệu tre, nứa cũng tương đối dồi dào, dễ tìm kiếm nên nghề đan lát nếu được truyền dạy cho nhiều thế hệ thì tin tưởng rằng sẽ phát huy hiệu quả trong đời sống hằng ngày tại địa phương.
Phó Chủ tịch UBND huyện Lắk Nguyễn Anh Tú cho biết, thời gian qua, huyện Lắk đã tranh thủ nguồn lực từ các chương trình, dự án, chương trình mục tiêu quốc gia mở nhiều lớp dạy nghề truyền thống cho người dân địa phương. Chủ trương này hết sức thiết thực, đã và đang được các cấp, ngành và địa phương quan tâm, tạo điều kiện, qua đó góp phần bảo tồn và phát triển nghề truyền thống. Đây cũng là nền tảng quan trọng để địa phương xác định hướng đi đúng đắn trong công tác đào tạo nghề lao động nông thôn, nhất là vùng đồng bào DTTS, từ đó tạo ra hiệu quả “kép”, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn và tạo không gian cho du lịch cộng đồng tại huyện Lắk phát triển.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc