Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số: “Đánh thức” giá trị truyền thống (Kỳ cuối)
Kỳ cuối: Phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống đương đại
Văn hóa, phong tục, tập quán là linh hồn, lẽ sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); đây cũng là đặc trưng quan trọng để xác định thành phần các dân tộc. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của mỗi dân tộc không chỉ nâng cao đời sống về mọi mặt mà còn tránh nguy cơ đồng hóa, mai một, thậm chí là mất bản sắc văn hóa của đồng bào các DTTS.
Đồng bộ các chính sách
Văn hóa đồng bào các DTTS là một bộ phận quan trọng, cấu thành của văn hóa Việt Nam, là tài sản quý giá của đất nước góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các DTTS, nhiều chương trình, đề án bảo tồn đã tỉnh được triển khai có hiệu quả.
Đơn cử như Nghị quyết số 08/2021/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 của HĐND tỉnh về “Hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn, buôn đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk", giai đoạn 2021 - 2025 đã lựa chọn 5/13 thôn, buôn đáp ứng các điều kiện để ưu tiên hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, dịch vụ homestay. Năm 2021, buôn Ako Dhong (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) được chọn làm mô hình điểm để tập trung hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, đây là buôn giàu đẹp mang nét đẹp văn hóa đặc sắc của người Êđê. Với sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của chính quyền và nỗ lực của người dân, đến nay buôn Akŏ Dhong còn lưu giữ được hàng chục ngôi nhà dài truyền thống, những bộ chiêng quý, ché quý; có đội cồng chiêng với những nghệ nhân gạo cội, đội văn nghệ biết biểu diễn nhiều loại nhạc cụ dân tộc; có các điểm du lịch, homestay đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách...
Một góc buôn Ako Dhong (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột). |
Sau buôn Akŏ Dhông, năm 2023 tỉnh đã hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại buôn Kuốp (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana) và buôn Trí (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn); năm 2024 tiếp tục hỗ trợ buôn Tour (xã Hoà Phú, TP. Buôn Ma Thuột) và buôn Kli A (phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ). Ngoài ra, đầu tư xây dựng Điểm du lịch tiêu biểu buôn Tơng Jú (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột); buôn Jun (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã triển khai các đề án, nghị quyết như: Đề án Phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030; Đề án ngày hội Văn hoá các dân tộc trên địa bàn tỉnh; các nghị quyết về bảo tồn văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2022 - 2025, Nghị quyết về hỗ trợ cho nghệ nhân nhân dân và nghệ nhân ưu tú trên địa bàn tỉnh ...
Truyền dạy nghề đan lát truyền thống cho học viên trẻ tại các buôn của xã Yang Tao, huyện Lắk. |
The ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thời gian qua, nhiều nghi lễ, lễ hội truyền thống đã được phục dựng; các cuộc giao lưu văn hóa, liên hoan văn hóa cồng chiêng, dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc được tổ chức định kỳ. Sở cũng đã tổ chức trưng bày, triển lãm chuyên đề về di sản Văn hóa Cồng chiêng trong các dịp lễ, sự kiện quan trọng của tỉnh, khu vực và toàn quốc; hỗ trợ trang bị cồng chiêng và trang phục truyền thống cho các đội chiêng và hướng dẫn cho các thôn, buôn thành lập câu lạc bộ cồng chiêng, đội chiêng. Song song đó, mở các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, kỹ năng thẩm âm, chỉnh chiêng, truyền dạy sử thi và nghệ thuật hát kể sử thi, truyền dạy dân ca, dân vũ cho con em đồng bào các dân tộc tại chỗ trong toàn tỉnh nhằm trao truyền cho thế hệ trẻ.
Đưa văn hóa thành sản phẩm du lịch
Năm 2022 - 2023 dự toán ngân sách (trung ương và địa phương) giao để thực hiện cho công tác bảo tồn văn hoá truyền thống trên địa bàn tỉnh hơn 14 tỷ đồng, đến hết năm 2023 đã giải ngân được gần 5 tỷ đồng, còn lại hơn 9 tỷ đồng chuyển nguồn thực hiện trong năm 2024. |
Những năm gần đây, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh tiến hành song song vừa bảo tồn, khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS vừa phát triển du lịch; biến văn hóa thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước tìm về. Đây là hoạt động thiết thực, không chỉ góp phần cải thiện đời sống của cộng đồng mà còn quảng bá và lan tỏa và bảo tồn văn hóa trong cuộc sống đương đại.
Làm gốm là một nghề thủ công truyền thống gắn liền với đời sống vật chất, tinh thần, mang đặc trưng riêng của người M’nông Rlăm ở xã Yang Tao (huyện Lắk). Trước đây cả 11 buôn của xã Yang Tao đều có nghề làm gốm, nhưng qua thời gian hiện chỉ còn một số người dân ở buôn Dơng Bắk còn lưu giữ nghề.
Sản phẩm gốm Yang Tao được trưng bày và bán trong một sự kiện diễn ra trên địa bàn huyện Lắk. |
Trước nguy cơ mai một nghề truyền thống cũng như để khai thác tiềm năng về du lịch, các sở, ngành và chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp phát triển sản phẩm du lịch gắn với nghề gốm truyền thống của đồng bào dân tộc M’nông nơi đây. Theo đó, các sản phẩm gốm của người M’nông Rlăm đã được tái hiện trong trong những hoạt động trình diễn kết hợp giáo dục di sản văn hóa cho học sinh; đưa vào trưng bày tại các kỳ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột và Festival gốm Thanh Hà - Hội An; đây cũng là điểm du lịch nhiều du khách biết và ghé thăm để trải nghiệm, mua gốm làm quà lưu niệm...
Để phát triển sản phẩm du lịch gắn với nghề làm gốm truyền thống buôn Dơng Bắk, Sở VH-TT&DL đang liên kết các sở, ngành và địa phương hoàn thiện hồ sơ để gốm thủ công của buôn Dơng Bắk trở thành sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện; mở lớp truyền dạy vẽ, trang trí hoa văn dân tộc M’nông trên sản phẩm gốm; phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ ứng dụng công nghệ vào làm gốm, khắc phục một số hạn chế để nâng cao chất lượng sản phẩm… Từ những giải pháp cụ thể này tin tưởng rằng trong thời gian tới làng nghề gốm thủ công truyền thống của người M’nông ở buôn Dơng Bắk sẽ tiếp tục được bảo tồn và phát huy gắn với phát triển du lịch, từ đó tạo sinh kế nâng cao thu nhập của người dân tại địa phương.
Nhà Văn hóa cộng đồng buôn Kli A (phường Đạt Hiếu) được đầu tư tu sửa để bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch. |
Tại buôn Kli A (phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ), chính quyền địa phương đang tập trung đầu tư xây dựng, tôn tạo hệ thống thiết chế văn hóa để từng bước hình thành khu du lịch cộng đồng. Trong đó, khu văn hóa, nhà dài và bến nước buôn Kli A được đầu tư xây dựng nhằm tạo điểm nhấn không gian văn hóa của buôn, vừa lưu giữ giá trị truyền thống của đồng bào DTTS Êđê. “Thời gian gần đây, các cấp chính quyền thị xã cũng đang tập trung sưu tầm, vận động tổ chức, cá nhân hiến tặng các hiện vật, tư liệu văn hóa truyền thống; mở các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan lát, nấu rượu cần truyền thống; nhiều hoạt động vui chơi, giao lưu được triển khai thực hiện để du khách tham quan, trải nghiệm... Buôn Kli A cũng đã có 5 hộ dân đăng ký tham gia hoạt động du lịch cộng đồng”, ông Y Cing M’lô, Phó Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ cho hay.
Hiện nay, hoạt động du lịch cộng đồng tại buôn Kli A đang dần được hình thành và trở thành điểm nhấn của thị xã, điểm đến hấp dẫn du khách khi đến với Buôn Hồ.
Có thể nói, việc biến văn hóa thành sản phẩm du lịch vừa phát huy các giá trị vốn có của từng dân tộc, đồng thời tạo sinh kế phát triển bền vững. Để thực hiện điều này, mỗi địa phương phải có định hướng rõ ràng, nghiên cứu, phân tích, lựa chọn những giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương, của từng dân tộc trên địa bàn gắn với phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần quan trọng trong sự phát triển chung của tỉnh, hiện thực hóa khát vọng “xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên”.
Thúy Hồng – Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc