Multimedia Đọc Báo in

Khi văn hóa trở thành sinh kế

08:37, 26/09/2024

Vùng đất dưới chân ngọn núi Lang Bian huyền thoại (thuộc huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) trong cuộc đổi đời hôm nay và những trầm tích từ quá khứ xa xưa như đang hòa làm một.

Hầu như đêm nào những buôn làng nơi đây cũng nổi lửa rừng đón khách. Với sự tâm huyết và tài năng, những người trẻ Cơ Ho đã biến những di sản văn hóa truyền thống tộc người và cảnh sắc thiên nhiên quê hương thành một nguồn sinh kế vô cùng giá trị, một cách bảo tồn và phát huy văn hóa bền vững.

Các buôn B’Neur, Đăngya, buôn Đưng, cả xã Lát và thị trấn của huyện Lạc Dương, cách không xa ngọn núi thiêng Lang Bian; rồi vùng Đạ Sar, Đạ Nhim hay Đưng K’Nớr cũng vậy. Những buôn làng cùng thoai thoải liền kề thung lũng dưới chân núi huyền thoại. Ngọn núi ấy đã trở thành máu thịt của cư dân nơi này, đã cho họ vồng ngực căng, giọng nói âm vang và lưu giữ ngọn lửa văn hóa, tâm linh sáng mãi từ hàng nghìn đời nay.

Theo các tài liệu khảo cứu, người Cơ Ho hai nhánh Lạch và Chil trên cao nguyên Lang Bian là tộc người được biết đến từ rất sớm. Đồng bào Lạch và Chil sống tập trung ở các xã, thị trấn của huyện Lạc Dương. Tổ tiên của họ là những cư dân bản địa đầu tiên gặp gỡ và đón tiếp nhà bác học Alexandre Yersin cùng đoàn thám hiểm của ông trong hành trình khám phá cao nguyên cách đây hơn một thế kỷ.

Trong nhật ký của mình, nhà bác học người Thụy Sĩ mang quốc tịch Pháp, đã ghi: “Dân cư trong vùng thưa thớt. Vài làng người Lạch sống tập trung dưới chân núi Lang Bian. Họ làm ruộng lúa rất tốt và rất hiếu khách. Chúng tôi được tiếp đón trong nhà chung của buôn Đăng Ya. Các chức sắc mang đến một chóe rượu cần. Rất may, họ không đòi hỏi tôi uống lần đầu hết tất cả…”.

Có lẽ, tâm tính cởi mở và hiếu khách của người Cơ Ho chính là điều kiện đầu tiên tạo cho họ sự thành công hôm nay khi tham gia kinh doanh du lịch. Họ đã làm du lịch bằng chính bản sắc văn hóa, bằng tài năng, bằng vẻ tự nhiên, chân chất của mình.

* * *

Ngày hội của buôn làng Cơ Ho dưới chân núi Lang Bian.

Cứ mỗi lần về vùng đất dưới chân Lang Bian, cùng chiều với chúng tôi thường là những chuyến xe xuôi từ Đà Lạt. Du khách đến đây từ nhiều miền trong nước và nhiều nước trên thế giới. Họ tìm điều gì ở vùng đất này? Đó là những cuộc chinh phục đỉnh núi cao gần 2.000 m thuộc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, là những đêm bên bếp lửa rừng nghe câu ca Yalyău, Tămpớt, bập bùng chiêng năm, chiêng ba và giai điệu của khèn M’bướt trong men say rượu cần. Họ tìm về với không gian huyền sử. Họ khao khát khám phá thiên nhiên, làm bạn với những người cư dân bản địa lâu đời và tìm hiểu phần nào những địa tầng văn hóa hấp dẫn và nhiều bí ẩn.

Ở vùng đất này, hình như mỗi người dân đều biết làm du lịch. Mỗi mùa du lịch cao điểm, đêm đêm, buôn làng có hàng chục nhóm cồng chiêng nổi lửa đón khách. Chủ và khách cùng say mê với những vũ điệu rừng lấp lánh ánh mắt hồn nhiên sơn nữ, với rượu cần, thịt nướng, với hoa văn thổ cẩm ngập tràn thung lũng. Họ thưởng thức hương vị cà phê arabica đặc sản và du khảo Khu bảo tồn thiên nhiên Bidoup - Núi Bà hấp dẫn.

Vùng “địa linh” này cũng nổi tiếng là vùng đất học với nhiều người học cao, học giỏi. Vùng quê nhỏ bé vốn là nơi sinh ra nhiều nhạc sĩ, ca sĩ chuyên nghiệp đang thành danh trong nước và nhiều du khách muốn được về tận buôn làng nghe chuyện và thưởng thức giọng hát của cư dân dưới chân núi huyền thoại Lang Bian, như Nghệ sĩ Ưu tú Krajăn Dick, như các nam ca sĩ Dagoút Đoát, Krajăn K’Druynh hay những người con gái hát của núi rừng Lang Bian: Cil Glé, Pantinh Sally, Pantinh Benziên, K’rezan Drim, K’razan Doan…

Ca sĩ Krajăn K’Druynh biểu diễn sáo tre tại thị trấn Lạc Dương.

Theo báo cáo của huyện Lạc Dương, tính đến nay, trên địa bàn huyện này có tới 17 câu lạc bộ, đội, đội, nhóm cồng chiêng phục vụ du khách. Trong đó có 8 nhóm cồng chiêng do các gia đình người dân tộc thiểu số tổ chức; 4 nhóm cồng chiêng của các công ty, doanh nghiệp; 5 nhóm cồng chiêng tại các xã. Hoạt động của mô hình này vừa góp phần bảo tồn hiệu quả, vừa phát huy bền vững các giá trị văn hóa truyền thống và sinh kế cho trên 200 lao động địa phương. Con số khoảng 1,2 triệu lượt khách hằng năm đến trải nghiệm ở một địa phương cấp huyện là một sự ghi nhận tuyệt vời.

Nhận thức đầy đủ về hệ giá trị to lớn của văn hóa, huyện Lạc Dương đã triển khai có hiệu quả chương trình hành động quốc gia về bảo tồn các di sản văn hóa. Bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền về giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số, huyện đã mở các lớp truyền dạy cồng chiêng cho thanh thiếu niên; phục dựng các lễ hội truyền thống như nghi thức cúng lúa rẫy, lễ mừng lúa mới, lễ cưới của người Cơ Ho.

Đặc biệt, năm 2023, huyện Lạc Dương đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng triển khai thực hiện dự án “Làng truyền thống dân tộc Cơ Ho, thôn Đưng K’Si, xã Đạ Chais”.

Đây là dự án được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt và triển khai thực hiện thuộc dự án “Bảo tồn mỗi một làng, bản truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số” từ nguồn vốn đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Địa phương cũng đang triển khai đề án “Xây dựng Làng văn hóa du lịch cộng đồng xã Đưng K’nớ”.

Qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ Ho gắn với phát triển du lịch cộng đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và giới thiệu quảng bá về văn hóa, con người huyện Lạc Dương…

* * *

Các thiếu nữ trong đội múa của nhóm nhạc "Những người bạn Lang Bian".

Tôi đã có nhiều dịp về với Lang Bian, hòa mình cùng nhịp cồng chiêng bên chóe rượu cần và bếp lửa, thưởng thức say sưa những bài dân ca, những điệu dân vũ cùng trai gái buôn làng và du khách muôn phương đến đây.

Những người tiên phong tổ chức du lịch văn hóa như Krajăn Plin, Păngting Mút suốt bao tháng năm qua vẫn “giữ ấm bếp hồng”. Những người trẻ như K’Druynh, Dagoút Liêm, Dagoút Đoát và rất nhiều cộng sự của họ tiếp nối và phát triển với nhiều cách làm mới.

Hầu như trai gái trong mỗi buôn làng dưới chân núi Lang Bian đều có thể tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng; có thể họ biểu diễn âm nhạc, có thể là phục vụ ẩm thực hay sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống cung ứng cho khách du lịch.

Thật đáng trân trọng khi những người trẻ đồng bào dân tộc thiểu số đã biến những giá trị văn hóa truyền thống từ tổ tiên truyền lại thành một nguồn sinh kế tuyệt vời. Cách làm này vừa bảo tồn những giá trị xưa cũ, vừa cải thiện đời sống người dân cao nguyên một cách bền vững.

Uông Thái Biểu


Ý kiến bạn đọc