Multimedia Đọc Báo in

Lang Biang - vùng đất huyền thoại

16:34, 25/11/2010

Cách thành phố Đà Lạt. 12 km về phía Bắc, nằm ở độ cao 2.167m so với mặt biển, núi Lang Biang thuộc địa phận xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng được ví như "nóc nhà" của Đà Lạt, nơi ẩn chứa nhiều truyền thuyết khác nhau của các dân tộc, nhưng ấn tượng nhất là truyền thuyết về một tình yêu say đắm của chàng K’Lang và nàng H’Biang. Họ đã vượt qua các luật tục khắt khe của bộ tộc để được ở bên nhau trọn đời. Lang Biang còn là biểu tượng cho sự hòa hợp, thống nhất giữa các tộc dân vùng cao nguyên này.

“Chuyện tình Romeovà Juliet” trên cao nguyên
Lang Biang là một trong 3 dãy núi cao của Cao nguyên Lâm Viên, ngày nay không nằm trong địa phận thành phố, nhưng lịch sử của nó luôn gắn liền với lịch sử phát triển của Đà Lạt và đồng bào các dân tộc thiểu số của vùng cao nguyên nơi đây. Lang Biang là hai tên ghép từ câu chuyện của chàng K’Lang và nàng H'Biang theo truyền thuyết của dân tộc K’Ho . Chuyện kể rằng: Ngày xưa, vùng La Ngư Thượng tức Đà Lạt bây giờ đất đai phì nhiêu, cây cỏ tốt tươi, quanh năm khí hậu mát mẻ. Thuở ấy, các bộ tộc ít người còn sống riêng lẻ nhưng thỉnh thoảng vẫn xảy ra những cuộc tranh chấp về lãnh địa và phong tục. Trên vùng Cao nguyên này có 2 bộ tộc mạnh nhất là Lát và Chil. Bộ tộc Lát có một tù trưởng khỏe mạnh, đẹp trai, giàu lòng thương người và có tài chinh phục thú rừng, đó là chàng K’Lang, nhưng đã 20 tuổi mà vẫn chưa có vợ vì không có một thiếu nữ nào trong buôn cảm thấy xứng đáng bắt chàng về làm chồng. Trong một lần vào rừng đi săn, khi đến thác Đankia thấy nàng H'Biang gặp nạn, chàng K’Lang đã dũng cảm cứu nàng thoát khỏi đàn sói hung dữ. Từ đó, cả hai đã cảm mến, rồi họ đem lòng yêu nhau. Chỉ mấy lần trăng tròn, mà tin con gái của tù trưởng K’Zềnh thuộc bộ tộc Chil sẽ bắt chồng là tù trưởng của bộ tộc Lát đã được lan truyền tới các bộ tộc khác trong vùng. Thế nhưng, do giữa 2 bộ tộc có mối thù truyền kiếp nên H’Biang không thể lấy K’lang làm chồng. Để phản đối luật tục khắc khe của bộ tộc, nàng Biang đã tìm gặp chàng K’Lang rồi thề nguyền ở bên nhau trọn đời. Hai người ngồi lặng lẽ bên nhau trên đỉnh núi, hết ngày này sang tháng khác. Thế rồi, sau một đêm trời mưa to gió lớn cả hai đã qua đời. Cái chết của chàng K’Lang và nàng Biang khiến các bộ tộc đều xót thương, riêng tù trưởng K’Zềnh vô cùng hối hận, bèn đứng ra kêu gọi bộ tộc Lát, Chil, Sré hợp nhất thành dân tộc K'Ho, xóa bỏ mọi hiềm khích trước đây và cho phép con trai, con gái giữa các tộc được lấy nhau. Ngọn núi cao nơi chàng K'Lang và nàng H’Biang chết được đặt lên là Lang Biang, tên ghép của đôi trai gái, để tưởng nhớ đến hai người và tình yêu thủy chung của họ. Từ đó, mỗi năm các bộ tộc lại tụ họp về đây để cúng tế ăn trâu, uống rượu cần và đắp mộ cho hai người. Do đó, ngọn Lang Biang mỗi ngày một cao thêm và là biểu tượng cho sự hòa hợp, thống nhất giữa các tộc dân vùng cao nguyên này.

Cũng có một truyền thuyết khác kể rằng: Để phản đối luật tục, hai người quyết tâm đến với nhau trở thành vợ chồng rồi đi đến một nơi trên đỉnh núi sinh sống. Khi H'Biang bị bệnh, K’lang tìm mọi cách chữa trị nhưng không khỏi. Chàng K’Lang đành quay về báo cho buôn làng tìm cách cứu nàng. Người dân của bộ tộc Chil đã lần theo dấu vết để truy sát K’Lang. Kết thúc câu chuyện, H'Biang chết do đỡ mũi tên có tẩm thuốc độc của buôn làng nhắm vào K’lang. Đau buồn khôn xiết, K’lang đã khóc rất nhiều, nước mắt chàng tuôn thành suối lớn, ngày nay gọi là Đa Nhim (suối khóc) và gục chết bên nàng.

Khách du lịch đang mua quà lưu niệm trên đỉnh Lang Biang.
Khách du lịch đang mua quà lưu niệm trên đỉnh Lang Biang.

Khám phá Lang Biang 
Theo những tài liệu được ghi lại của bác sĩ A. Yersin, người khám phá cao nguyên Lang Biang và khai sinh tiền thân thành phố Đà Lạt ngày nay, từ hàng trăm năm trước, những người Lát, Chil là chủ nhân của vùng Lâm Viên này. Với truyền thống văn hóa lâu đời cộng với điều kiện giao lưu, hòa nhập cùng văn hóa của người Việt, người Pháp, cư dân K’Ho có thêm điều kiện phát huy những nét văn hóa riêng của mình mà không thể pha lẫn với vùng khác. Đây là nét đặc trưng thu hút rất nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, nhà báo, văn nghệ sĩ cũng như hàng trăm ngàn lượt khách du lịch trong và ngoài nước tới tham quan, tìm hiểu. Lang Biang được xem là khu du lịch đặc thù với loại hình du lịch dã ngoại, khám phá thiên nhiên với chương trình leo núi, chinh phục đỉnh cao; hay cho những ai thích tìm hiểu nét văn hóa cuộc sống của cộng đồng dân tộc nơi đây. Muốn chinh phục đỉnh núi du khách có thể  đi bộ theo con đường nhựa, hoặc đường mòn xuyên qua những cánh rừng thông để tận hưởng cảm giác của các vận động viên leo núi, hoặc ngồi xe Jeep -  một dịch vụ của khu du lịch đưa khách lên đỉnh khá thú vị với con đường uốn lượn ngoằn ngoèo, như hình trôn ốc men theo triền núi len qua những nóc nhà sàn nhấp nhô bên gốc thông già… Từ trên đỉnh núi này, bạn có thể thưởng thức cảm giác giao hòa với thiên nhiên và ngắm Đà Lạt từ trên cao. Nhìn về phía Tây, khu Suối Vàng với nhiều nhánh uốn mình như những dải lụa mềm mại giữa màu xanh của rừng thông và những thửa ruộng. Đó còn là nguồn nước tưới  cung cấp cho nhiều hộ dân trồng rau dưới chân núi. Đặc biệt trên đỉnh Lang Biang, du khách có thể ngắm nhìn Đà Lạt qua các ống kính thiên văn với những ngôi nhà thấp thoáng trong sương mờ, hay những ngôi biệt thự cổ kính nằm ẩn mình bên những đồi thông thơ mộng, yên tĩnh như một bức tranh sơn thủy hữu tình, tạo cho cho du khách cảm giác như mình đang lạc vào chốn tiên cảnh. Ngoài ra, hàng đêm dưới chân núi Lang Biang, du khách có thể thưởng thức  rượu cần, nhâm nhi đặc sản heo rừng (loại heo nhà) nhưng nuôi thả trong rừng vừa thưởng thức nhiều nhịp chiêng khác nhau, từ tiếng chiêng mừng ngày hội đến chiêng Proh gọi bầy, chiêng Dênh gọi mưa; hát đối đáp dêh kô, dêh reng; đánh đàn T’rưng, thổi sáo, độc tấu khèn bầu, nghe họ kể những câu chuyện và văn hóa của dân tộc.  Người K’Ho tin rằng chính ngọn núi đã phù trợ cho con người sinh sống trong vùng Lâm Viên này cuộc sống no ấm và sức khỏe. Vào ngày đẹp trời, từ thành phố, bạn có thể nhìn thấy hai ngọn núi đứng cạnh nhau như để chở che cho nhau. Hai đỉnh núi đó còn được gọi là núi Ông và núi Bà. Người dân nơi đây thường gọi tên núi Bà do quan niệm về chế độ mẫu hệ. Nhiều người còn ví dãy núi như người phụ nữ đang nằm, hai ngọn núi như hai bầu ngực căng tròn sức sống. Lang Biang không chỉ là dãy núi hùng vĩ, nơi bác sĩ A.Yersin khám phá ra Đà Lạt mà còn là xứ sở của những câu chuyện huyền bí và những phong tục lạ. Một trong những địa điểm du lịch mà mỗi du khách khi tới thành phố Đà Lạt không thể bỏ qua. Với nhiều nét độc đáo của vùng đất nơi đây, Núi Lang Biang đã được xếp hạng di tích Quốc gia.

Huyền thoại Lang Biang (trên bia đá tại đỉnh núi):
Ngày xưa tại vùng núi này, có người con trai tên Lang, tù trưởng bộ tộc Lát, thương người con gái tên Biang, con gái tù trưởng bộ tộc Chil. Do khác bộ tộc nên nàng Biang không cưới được chàng Lang, vì vậy hai người đành lấy cái chết để giữ trọn tình và phản đối luật tục khắt khe. Khi Lang và Biang mất, cha của Biang hối hận đã thống nhất các bộ tộc người Lát, Chil, Sré...thành chung một dân tộc K'Ho. Từ đó thanh niên nam nữ các bộ tộc dễ dàng yêu nhau, cưới nhau. Mộ hai người dần trở thành hai ngọn núi cao nằm cạnh nhau và dân làng đặt tên cho ngọn núi này là núi Lang Biang.

Tuấn Anh

 


Ý kiến bạn đọc