Multimedia Đọc Báo in

Nhịp cầu di sản văn hóa Tây Nguyên

16:44, 26/09/2024

Nhà sưu tầm, nghiên cứu văn hóa Đặng Minh Tâm (ở TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) được rất nhiều người trong và ngoài nước biết đến. Ông sở hữu bộ sưu tập vô giá với trên 30.000 hiện vật văn hóa Tây Nguyên...

Yêu, tri ân và gìn giữ

Ông Đặng Minh Tâm (vốn là Thượng tá công an) 64 tuổi nhưng đã có trên 45 năm miệt mài sưu tầm, nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên.

Cuộc đời ông gần như ở nơi vùng sâu, thường xuyên tiếp xúc đồng bào các dân tộc thiểu số và được dân yêu mến. Ăn, ở, múa hát, chơi nhạc cùng dân và hướng dẫn dân làm nương rẫy…, mỗi lần chuyển đơn vị, “cán bộ Tâm” được dân tặng những đồ vật làm kỷ niệm.

Tình yêu văn hóa Tây Nguyên lớn dần trong ông và từ lời khuyên của người bố cần giới thiệu cho thế hệ trẻ đã thôi thúc ông quyết định sưu tầm.

Ông Đặng Minh Tâm giới thiệu văn hóa Tây Nguyên cho khách tham quan.

Khi tình trạng mua bán cổ vật diễn ra tràn lan, ông Tâm rong ruổi khắp 5 tỉnh Tây Nguyên khuyên bà con đừng bán, nhà nào hoàn cảnh khó khăn quá ông mua lại. Việc sưu tầm vừa là tri ân tình cảm của đồng bào đã dành cho ông, vừa góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa Tây Nguyên. “Đó là những kỷ vật thiêng liêng gắn kết giữa mình với các buôn làng. Mình gìn giữ suốt đời như mạng sống vậy”, ông Tâm nói.

Cũng từ lý do muốn nhiều người biết được những giá trị đó để trân quý, để có ý thức gìn giữ nó, ông Tâm luôn mở rộng cửa đón mọi người đến tham quan miễn phí kho tài sản quý tại nhà riêng.

Ông còn mang một số hiện vật trưng bày tại các tỉnh thành ở Tây Nguyên, Kiên Giang, Cần Thơ, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… và cho các bảo tàng mượn trưng bày. Ông Tâm chia sẻ: “Tôi muốn nhiều người hiểu văn hóa Tây Nguyên quý như thế, hay như thế… Nếu không bảo tồn được văn hóa Tây Nguyên thì Tây Nguyên mất.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói “văn hóa còn đất nước còn”, tôi quyết định đưa ra cho mọi người xem và hiểu, không để ở nhà nữa”. Vì vậy, tại Festival Hoa Đà Lạt năm 2023, lần đầu tiên nhà sưu tầm, nghiên cứu Đặng Minh Tâm quyết định chọn 5.400 hiện vật trưng bày. Hàng chục nghìn lượt du khách trong và ngoài nước đã được hòa chung trong không gian đậm đặc văn hóa Tây Nguyên của 17 dân tộc bản địa.

Một mô hình nhà sàn Tây Nguyên.

Không gian văn hóa quý hiếm và đồ sộ

Chủ nhân bộ sưu tập rất công phu về trưng bày và hiểu sâu từng loại hiện vật. Mỗi nhóm hiện vật gắn với mỗi câu chuyện dài hấp dẫn, vừa mang giá trị của vật lý vừa đầy sánh về những “vỉa” văn hóa ứng xử, văn hóa tín ngưỡng tâm linh, lấp lánh những “hạt” tri thức dân gian, tập quán, tập tục của các cư dân văn minh nương rẫy...

Không gian trưng bày bao gồm: trưng bày ngoài trời (những hiện vật như các loại cây nêu, các loại tượng gỗ, chóe, cối đá…) và trưng bày trong 5 ngôi nhà truyền thống được phục dựng. Các ngôi nhà làm bằng gỗ, tranh tre nứa lá, gồm căn nhà dài của người Êđê, ngôi nhà rông của dân tộc Xê Đăng, ngôi nhà sinh hoạt hằng ngày người Cơ Ho và ngôi nhà rông, ngôi nhà sàn của dân tộc Bahnar.

Ông Tâm chia thành nhiều bộ theo cụm và có một phần phục dựng không gian đời sống của chủ nhân sắc tộc. Ông phân loại theo bộ gồm: nhạc cụ; săn bắn; săn bắt trên cạn, săn bắt dưới nước; bộ rèn; tượng dân gian; tín ngưỡng; công cụ phục vụ sản xuất và đời sống; thổ cẩm; trang sức. Mỗi bộ có hàng chục chủng loại khác nhau. Có rất nhiều cổ vật quý, chẳng hạn các loại chóe có niên đại trên 200 năm đến gần 2.000 năm, bộ trang sức 2.700 năm, chuỗi hạt cườm 1.400 năm…

Những hiện vật độc nhất vô nhị, “độc bản” như chiếc ghế xương voi 800 năm của người M’nông, trang phục thổ cẩm trên 200 năm của tù trưởng Mạ, chiếc “chóe thế mạng” của người Bahnar, bộ đúc nhẫn nguyên vẹn của người Chu Ru, bộ áo làm bằng vỏ cây của người J’rai… Khách tham quan càng thích thú khi được ông Tâm giới thiệu hiện vật bằng một câu chuyện kể riêng về tên tiếng Việt, tiếng dân tộc, đặc điểm, công dụng, xuất xứ, văn hóa, tín ngưỡng...

Lễ hội trang phục thổ cẩm tại khu trưng bày của ông Đặng Minh Tâm.

Rất nhiều du khách tấm tắc mãi khi tham quan các bộ sưu tập của nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên Đặng Minh Tâm. Mỗi du khách có mỗi cảm xúc riêng theo nhu cầu và năng lực thụ hưởng. Nhưng điểm chung là tất cả đều ngỡ ngàng và thán phục trước sự phong phú, vô cùng đa dạng của nền văn hóa các dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Trong quá trình dài ngày trưng bày tại Festival Hoa Đà Lạt, ông Đặng Minh Tâm thường xuyên có mặt từ sớm đến 22 giờ để tận tâm phục vụ khách tham quan. Càng nhiều khách quan tâm, ông Tâm càng hạnh phúc. Bởi đạt được tâm nguyện của ông: “Tôi muốn thật nhiều người biết đến văn hóa đồng bào Tây Nguyên để mong sao cuộc sống của họ ngày thêm cải thiện hơn. Di sản Tây Nguyên đặc biệt lắm, không trùng lắp với vùng nào. Làm sao nó phải là những sản phẩm du lịch để phát huy, đừng để nó mất, hãy để nó được thuần chất, tôi đau đáu lắm”…

Minh Đạo


Ý kiến bạn đọc